19/01/2025 | 05:58 GMT+7, Hà Nội

Có nên xem chỉ số ô nhiễm không khí trên điện thoại?

Cập nhật lúc: 03/10/2019, 11:30

Trong bối cảnh diễn biến ô nhiễm không khí hết sức phức tạp, các chỉ số cảnh báo mức độ ô nhiễm từ màu vàng, đỏ đến tím được hiển thị tự động trên các ứng dụng đo chất lượng không khí trên điện thoại...

Trong bối cảnh diễn biến ô nhiễm không khí hết sức phức tạp, các chỉ số cảnh báo mức độ ô nhiễm từ màu vàng, đỏ đến tím được hiển thị tự động trên các ứng dụng đo chất lượng không khí trên điện thoại càng khiến người dân hoang mang.

Chỉ số ô nhiễm không khí khiến không gian tại Hà Nội giống như sương mù. Ảnh: Bảo Loan/Hữu Thắng

Chỉ số ô nhiễm trên smart-phone gây hoang mang

TP Hà Nội và TPHCM đang nằm trong tâm điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng bởi bụi mịn PM2.5. Những đợt ô nhiễm kéo dài với chất lượng không khí nhiều thời điểm ở nhiều nơi lên ngưỡng xấu, AQI (chỉ số chất lượng không khí) luôn ở ngưỡng 200 (ngưỡng cảnh báo màu tím rất có hại cho sức khỏe). Đặc biệt là những ngày qua, người dân có thể tự theo dõi các chỉ số ô nhiễm tại khu vực đang sinh sống bằng cách là tải một số ứng dụng đo chất lượng không khí về điện thoại. Nghĩa là người dân tự theo dõi qua điện thoại mà không cần những công bố chính xác từ phía cơ quan chức năng.

Anh Nguyễn Văn Bảo (33 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một trong những người theo dõi ô nhiễm bụi mịn qua điện thoại cho biết, anh đã tải một ứng dụng đo chất lượng không khí có tên AirVisual về điện thoại của mình. Ứng dụng này tự động đo chỉ số chất lượng không khí không chỉ khu vực anh Bảo đang sinh sống, mà thông qua ứng dụng này, anh Bảo có thể nắm bắt được mức độ ô nhiễm tại các địa phương trên cả nước, thậm chí là chất lượng không khí tại các nước trên thế giới.

Bằng các chỉ số liên tục báo đỏ, thậm chí, có những ngày cảnh báo ô nhiễm chuyển sang màu tím, khiến anh Bảo và gia đình hoang mang. "Đầu tuần vừa rồi, chỉ số chất lượng không khí hiển thị trên điện thoại của tôi ở ngưỡng từ 220 trở lên, màu đỏ chuyển sang màu tím là cảnh báo ô nhiễm nguy hiểm đặc biệt đến sức khỏe con người. Đến ngày hôm nay, chỉ số ô nhiễm AQI đã tụt xuống ngưỡng 175 (mức báo động đỏ). Công việc của tôi thường xuyên phải di chuyển ngoài trời nên khá lo lắng cho sức khỏe", anh Bảo nói.

Từ thông tin tự mình "quan trắc" trên ứng dụng điện thoại, anh Bảo đã dành nhiều giờ để tìm ra những giải pháp tình thế tối ưu cho cả gia đình, nhằm đối phó với mức độ ô nhiễm tại Hà Nội. Anh tìm mua những loại khẩu trang có thể ngăn, lọc bụi mịn PM2.5, tìm mua máy lọc không khí để sử dụng trong nhà. Số tiền chi cho việc trang bị những giải pháp tình thế cũng khiến anh Bảo và gia đình tiêu tốn gần 20 triệu đồng.

Chị Tú Hồng (36 tuổi, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) cũng tương tự. Nhìn chỉ số ô nhiễm AQI liên tục "biến thiên" trên điện thoại, chị Hồng không khỏi lo lắng, bồn chồn với mức độ ô nhiễm đỏ ở Thủ đô. "Sáng nào, tối nào tôi cũng vào ứng dụng đo chất lượng không khí trên điện thoại. Nhìn chỉ số báo động đỏ, có ngày thì báo động tím mà tôi lo lắng. Chỉ còn cách tìm mua khẩu trang cho cả gia đình để mong ngăn phần nào chất gây ô nhiễm đi vào cơ thể", chị Hồng cho hay.

Theo khảo sát của PV, những người được hỏi về các chỉ số ô nhiễm, đều khẳng định mình nắm thông tin về các chỉ số ô nhiễm được tự động quan trắc bằng ứng dụng có sẵn trên điện thoại. Sở dĩ, không ít người cho rằng, chỉ số này luôn đúng, bởi mỗi ngày, thông số ô nhiễm hiện trên màn hình điện thoại đều khác nhau. Thông tin khuyến cáo đi kèm trong ứng dụng đo chất lượng không khí tự động là "dùng máy lọc không khí; đeo mặt nạ khi ra ngoài; đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài…". Bằng chính những khuyến nghị và thông số ô nhiễm hiển thị trên những ứng dụng này, trong thời gian qua, đã có rất nhiều gia đình lo lắng và "đổ xô" đi tìm mua máy lọc không khí, với mong muốn sẽ giảm bớt phần nào chất ô nhiễm đi vào cơ thể.

Chỉ số ô nhiễm hiển thị trên điện thoại là không có căn cứ

Ngày 2/10, trao đổi với PV, TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia vật lý - người được mệnh danh là "ông già ozone" thẳng thắn: "Căn cứ nào để khẳng định các chỉ số chất lượng không khí mà người dùng điện thoại dễ dàng đo được, tự quan trắc được là đúng? Tôi khẳng định chẳng có cơ sở nào cả. Kết quả đo cũng rất "tùng phèo". Điều này càng khiến người dân lo lắng".

Lý giải cho khẳng định của mình, TS Nguyễn Văn Khải cho hay: "Tôi đã có nhiều năm nghiên cứu và đo đạc chất lượng ô nhiễm không khí, việc đo đạc và cho ra được kết quả chất lượng không khí dựa trên rất nhiều yếu tố phụ thuộc. Thứ nhất là thời điểm quan trắc, nhiệt độ tại thời điểm quan trắc, khu vực quan trắc. Trong đó, nhiệt độ là yếu tố tác động lớn nhất đến chỉ số đo ô nhiễm. Ví dụ, tôi đo không khí ở trong nhà khác với ngoài ngõ. Tôi đo ở nền nhiệt 35 độ C chắc chắn sẽ cho ra kết quả chất lượng không khí khác với việc đo ở nền nhiệt 17 độ C. Chất lượng không khí đo được ở nền nhiệt 7 độ C còn tốt hơn nữa. Đo chất lượng không khí phải có người chỉnh đầu đo, đo ở không gian bao nhiêu mét, đo ở không gian 1m sẽ cho ra kết quả khác với đo ở không gian rộng hơn. Ngoài ra, ở khu vực nhà tôi ở nhiều cây xanh chắc chắn chất lượng không khí tốt hơn ngoài ngõ, ngày hôm nay tôi đo ngoài ngõ chất lượng ở ngưỡng an toàn nhưng ngày mai, họ đốt bếp than tổ ong, họ xây dựng công trình thì chắc chắn kết quả cũng phải khác đi, ô nhiễm hơn".

Vì vậy, TS Nguyễn Văn Khải khẳng định: "Trước khi công bố ô nhiễm không khí thì tôi thấy xuất hiện rất nhiều thông tin quảng cáo về máy lọc không khí có giá thành tốt. Hơn nữa, tôi được mời tham dự một buổi hội nghị bàn về giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch thì chẳng thấy đề cập gì đến giải pháp, mà nhiều thông tin giới thiệu về máy lọc không khí. Vì vậy, tôi nghi ngờ có sự vụ lợi trong các công bố tiêu cực về ô nhiễm không khí ở Hà Nội (?). Người dân không nên quá tin tưởng vào những chỉ số ô nhiễm không khí hiển thị trên điện thoại mà chỉ nên lấy đó làm tư liệu tham khảo".

TS Nguyễn Văn Khải thẳng thắn: "Máy lọc không khí, khẩu trang chống bụi chỉ là giải pháp tình thế, còn để có một bầu không khí trong lành thì cần phải có sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng. Bộ TN&MT cần có một quy chuẩn đo ô nhiễm không khí và công bố rõ ràng cho người dân được biết. Đo như thế nào, tiến hành đo ra sao và các chỉ số đo được như thế nào là tin tưởng. Bộ cần công bố công khai quá trình tiến hành đo chất lượng không khí để người dân biết, dân tin. Ngoài ra, Bộ TN&MT và UBND TP Hà Nội cũng cần tham khảo các giải pháp chống ô nhiễm, giải quyết ô nhiễm từ các nước khác trên thế giới để cải thiện phần nào ô nhiễm tại nội đô".