19/01/2025 | 05:57 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội thêm ô nhiễm vì đốt 528 tấn than tổ ong mỗi ngày?

Cập nhật lúc: 03/10/2019, 06:40

1870 nghìn tấn là khối lượng khí CO2 mà bầu không khí tại Thủ đô Hà Nội phải gánh chịu mỗi ngày, chỉ tính riêng từ việc sử dụng bếp than tổ ong.

Đây là thông tin được Chi cục Môi trường Hà Nội đưa ra tại buổi họp báo Quý III UBND TP Hà Nội.

Nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội do đốt tới 528 tấn than tổ ong mỗi ngày

Theo ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô và một số khu vực miền Bắc, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao, nhiều ngày ở mức kém, trong đó ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là chủ yếu, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, đặc biệt là người già và trẻ em.

Về nguồn gây ô nhiễm, ông Định cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, như: Cụ thể: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; phá dỡ các công trình xây dựng, xây dựng các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia xúc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Theo báo Lao động, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) thông tin thêm: “Theo số lượng thống kê do Sở TNMT chủ trì, xây dựng các vấn đề về bếp than tổ ong thì mục tiêu đến tháng 30/12/2020 sẽ thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong bằng các loại bếp thân thiện với môi trường, hỗ trợ cho các hộ nghèo" - ông Thái nói.

Theo ông Thái, với số lượng than 528 tấn/ngày, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2, đó là số liệu minh chứng, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Thêm nữa các công trình xây dựng cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.

Một nguyên nhân khác được ông Thái đưa ra, dẫn theo thống kê của CSGT, đến quý I năm 2019, Hà Nội có trên 700 nghìn phương tiện ô tô và trên 5 triệu phương tiện xe cá nhân. Với số lượng này trong thời điểm cao điểm vào buổi sáng, các phương tiện được tham gia giao thông, lượng phát thải ra, đặc biệt các phương tiện cá nhân không đủ quy chuẩn đăng kiểm, quy chuẩn xử lý sẽ gây ra những vấn đề ô nhiễm.

Trước tình hình ô nhiễm kéo dài, thành phố đã đưa ra các chương trình đề án trọng tâm để giải quyết và hạn chế, các giải pháp khắc phục tức thời để hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí.

"Đối với Sở TN&MT thì chúng tôi đã thực hiện đưa ra các công bố, các khuyến cáo đối với các chỉ số Kém trong thời gian qua, khuyến cáo người dân ra ngoài đường nên sử dụng các khẩu trang đeo, đồng thời với người già và trẻ em nên hạn chế đi ra ngoài. Đặc biệt với các học sinh mẫu giáo và cấp 1 không nên sinh hoạt ở ngoài trời" - ông Thái cho hay.

Ông Thái thông tin, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 3/10, Hà Nội sẽ có thể xuất hiện mưa giông, nhờ đó sẽ cải thiện chất lượng không khí.

Theo Kinh tế Đô thị, kết quả khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tính đến tháng 10/2017 trên toàn địa bàn Thủ đô có trên 55.000 bếp than tổ ong được sử dụng. Tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63% (tập trung nhiều là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán nước trên vỉa hè...), các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Một ngày, trung bình TP.Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí.

Nơi tập trung số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất trong nội thành là quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, các huyện ngoại thành có Gia Lâm và huyện Sóc Sơn.