22/11/2024 | 10:48 GMT+7, Hà Nội

Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

Cập nhật lúc: 13/03/2019, 16:00

Thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia trên thế giới. Tiếp nối thành công, năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Vậy để đạt được mục tiêu, thời gian tới ngành nông nghiệp phải làm gì?

Biến bất lợi thành lợi thế

Đế bền vững hơn, nông nghiệp cần gỡ nhanh những nút thắt còn tồn tại (Ảnh Phương Nguyên)

Đế bền vững hơn, nông nghiệp cần gỡ nhanh những nút thắt còn tồn tại

Năm 2018, sản xuất nông sản Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu của gần 100 triệu dân mà còn tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu (XK) tới 42 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng của nông nghiệp có giá trị XK 1 tỷ USD trở lên. Phải khẳng định đây là một bước tiến rất lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng như chuỗi giá trị ngành hàng nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2019 và những năm tới đây, để xác định hàng nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi nông sản giá trị toàn cầu là những thách thức rất lớn. Do vậy theo ý kiến của các chuyên gia ngành nông nghiệp, chúng ta phải tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành một nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa, có quản trị.

Bên cạnh đó phải xây dựng được một nền sản xuất nông nghiệp làm sao thích ứng được với biến đổi khí hậu, trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 nước tổn thương lớn nhất. Việt Nam phải có những giải pháp tổng thể, lựa chọn đối tượng sản xuất cho đến quy trình, các bước khác để làm sao thích ứng được với phương châm là biến bất lợi thành lợi thế. 

Trong hội nhập, tính cạnh tranh quyết liệt trên thị trường là một trong những yếu tố nền nông nghiệp Việt Nam phải chấp nhận. Kể từ sau năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, hiện nay các nước có xu hướng chung là tập trung chăm lo, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, lấy đây là khu vực không chỉ đảm bảo sự ổn định an ninh chung mà còn là ưu tiên số 1 của hầu hết các quốc gia.

Vì thế, khi Việt Nam muốn tham gia XK vào chuỗi giá trị toàn cầu thì phải chịu áp lực cạnh tranh rất quyết liệt. Trước tình hình đó đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, gỡ được những nút thắt còn tồn tại, bất cập lớn mới mong hàng nông sản Việt XK tốt hơn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Gỡ nhanh nút thắt

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã luôn tạo ra những dấu ấn đáng ghi nhận đối với nền kinh tế (Ảnh Phương Nguyên)

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã luôn tạo ra những dấu ấn đáng ghi nhận đối với nền kinh tế 

Những nút thắt tồn tại lâu nay trong ngành nông nghiệp không chỉ là câu chuyện của riêng bộ, ngành nào. Nó đòi hỏi phải tái tạo được cơ cấu một ngành hàng kinh tế, đòi hỏi sự vào cuộc chung của cả ba trục. Một là khu vực Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện thể chế làm sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp) DN tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Trục thứ hai là các DN, hiệp hội ngành hàng. Trong hội nhập cũng như trong tổ chức hàng hóa hiện nay, nếu không có DN chắc chắn không thể thành công. DN sẽ là hạt nhân trong chuỗi liên kết. Việt Nam hiện có 1 vạn DN trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp, có khoảng 49.000 DN chế biến tham gia ở những phân khúc khác nhau, tạo ra sản phẩm phụ trợ nông nghiệp.

Trục thứ 3 là Hợp tác xã, phải coi đây là một thành tốt để trên nền tảng đó phát triển nhiều hợp tác xã theo chương trình phát triển 5 vạn hợp tác xã từ nay đến năm 2020. Làm sao 8,6 triệu hộ nông dân liên kết chặt chẽ với 5 vạn hợp tác xã và hơn 1 vạn DN thì mới hình thành được sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất, chế biến và tổ chức thị trường.

Phát triển kinh tế trong đó có kinh tế nông nghiệp luôn phải được xác định là vì người dân. XK cũng là một giải pháp để lấy lợi nhuận phục vụ đời sống nhân dân, do vậy trước hết phải xác định đây là một thị trường tương đối quan trọng và phải luôn được dành sự quan tâm.

Xu hướng tất cả các nền kinh tế phát triển đều phải lấy nội nhu làm trọng mới bền vững, sau đó mới bứt phá mở rộng chắc chắn ra các thị trường khác. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp, động lực để có thể xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh thị trường nội địa thì còn cần phải xây dựng thương hiệu cho nông sản, đây là mục đích không chỉ có ở Việt Nam mà còn tồn tại trên nhiều các quốc gia, khu vực khác. Muốn xây dựng một thương hiệu sản phẩm đòi hỏi phải có quá trình. Kể cả Chính phủ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN, người dân rất muốn có những nông sản thứ hạng đi sâu vào đời sống chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là mong muốn chung nhưng đòi hỏi quyết tâm cao và những giải pháp đồng bộ. Điều này được coi là rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính như hiện nay.