25/11/2024 | 18:06 GMT+7, Hà Nội

Chợ điện tử cho sản phẩm nông sản, tại sao không?

Cập nhật lúc: 12/03/2019, 20:00

Cụm từ chợ điện tử có lẽ đã không còn xa lạ với nhiều người, nhiều sản phẩm được trao đổi trên những chợ điện tử như vậy, tiện ích là điều được cả người mua và người bán đánh giá trên những “khu” chợ như vậy.

Thế nhưng không có nhiều sản phẩm nông sản được buôn bán trên những khu chợ điện tử này, vì thế việc tạo ra những chợ điện tử cho sản phẩm nông sản thời gian qua được xem là một bước đi hiệu quả.

Hiện mô hình chợ nông sản điện tử ra đời ở một số địa phương trong cả nước đang được kỳ vọng là sẽ tìm thêm đầu ra cho các sản phẩm nông sản được bà con làm ra. Mô hình này vừa thuận lợi cho người bán, người mua lẫn các cơ quan quản lý.

Theo đó, cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông sản trên thị trường. Các mặt hàng nông sản từng bước kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Về phía người sản xuất, có điều kiện tham gia phân phối sản phẩm nông sản an toàn cho cộng đồng qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đây cũng là kênh thông tin giúp từng hộ dân hoặc các HTX quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình trên hệ thống chợ thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận lợi, chi phí thấp hoặc miễn phí...

cho dien tu cho san pham nong san tai sao khong
Việc hình thành chợ điện tử cho các sản phẩm nông sản giúp đa dạng hóa loại hình giao dịch giúp cho những sản phẩm nông nghiệp được đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. 

Với người tiêu dùng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thực chọn mua các sản phẩm ưng ý. Khách hàng có cơ hội được sử dụng sản phẩm an toàn, tươi ngon, các mặt hàng nông sản thông qua chợ nông sản điện tử...

Ở góc độ của nhà sản xuất, ông Lâm, đại diện HTX Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: “HTX đang trồng nhiều loại hoa, trái cây chất lượng cao, nhưng đầu ra không thuận lợi. Vừa qua, TP hỗ trợ người sản xuất tham gia quảng bá nông sản an toàn qua kênh bán hàng điện tử sẽ giúp HTX Nông nghiệp Khánh Phong tiếp cận trực tiếp với DN ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”.

Cũng giống như ông Lâm, ông Khoa, chủ trang trại thủy canh Sasu (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), chia sẻ: “Từ trước đến nay, ngoài biện pháp quảng cáo truyền thống thì tôi sử dụng thêm các mạng xã hội như facebook, zalo để quảng cáo. Tôi cũng có website riêng của trang trại, nhưng sơ sài vì chưa suy nghĩ đến việc quảng bá nhiều trên trang điện tử; chủ yếu vẫn là các mối quan hệ cung ứng sẵn có”. Ông Khoa cho rằng, nếu có một chợ nông sản điện tử để người bán đưa lên sản phẩm của mình và người mua có thể tham khảo tất cả mặt hàng trên cùng một website thì sẽ rất tiện lợi.

Còn ở góc độ người tiêu dùng, bà Thủy, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Thông qua trang điện tử nông sản an toàn, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm trực tuyến và yên tâm hơn khi mua hàng hóa qua mạng, bởi sản phẩm được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Đồng quan điểm ở góc độ người tiêu dùng, chị Xuân (ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bày tỏ: “Hiện nay tôi mua nông sản qua mạng bằng sự tin tưởng với người bán còn nguồn gốc thì “nói sao nghe vậy”. Nếu có một chợ nông sản trên mạng với sự quản lý của cơ quan chức năng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì sẽ rất tiện lợi vì có nhiều lựa chọn và yên tâm về chất lượng cho người mua”.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, để phát triển chợ thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bản thân cơ sở sản xuất phải làm tốt việc bảo hộ nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc điện tử. Người sản xuất phải cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình kinh doanh khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời cam kết không bán hàng hóa kém chất lượng, đăng tải các nội dung dễ gây nhầm lẫn, không chính xác, gây mất uy tín dưới mọi hình thức.

Trong trường hợp vi phạm, cơ sở bán nông sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hướng đi của nông nghiệp TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác hiện nay là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm chất lượng, tăng hiệu quả sử dụng đất đai, tăng thu nhập cho người nông dân và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.