18/01/2025 | 20:18 GMT+7, Hà Nội

Hỗ trợ người dân tiếp cận vốn bằng cách đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng

Cập nhật lúc: 09/03/2019, 02:01

Theo TS Cấn Văn Lực, cần phải phát triển tài chính tiêu dùng - tài chính vi mô để phục vụ nhu cầu, giúp người dân tiếp cận vốn nhanh hơn.

Nhằm mục đích giúp người dân tránh được những rủi ro khi tiếp cận các nguồn vốn, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc phát triển mạnh mẽ dịch vụ cho vay tiêu dùng, đưa nguồn vốn tín dụng đến gần hơn với người dân, nhất là là những người kinh tế còn khó khăn.

Tìm đến "tín dụng đen" vì khó khăn

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng cho vay nặng lãi do có hành vi đe dọa, khủng bố người dân khi không thanh toán được khoản vay.

Điển hình có vụ việc, mặc dù nạn nhân chỉ vay nóng của một số đối tượng với số tiền ban đầu là 5 triệu đồng, lãi suất 3%/ngày, sau 10 ngày phải trả hết cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, sau 10 ngày, do không có khả năng trả hết nợ, bằng nhiều thủ đoạn, đối tượng cho vay đã khiến nợ mới chồng lên nợ cũ và nạn nhân được thông báo đã nợ đến 150 triệu đồng và bị các đối tượng đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ dưới nhiều hình thức.

Hỗ trợ các công ty tài chính phát triển sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Hỗ trợ các công ty tài chính phát triển sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Nhận định về điều này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, quy mô “tín dụng đen” không quá lớn nhưng hệ lụy lại lớn.

Mặc dù biết rõ “tín dụng đen” thường đi kèm với nhiều rủi ro, thế nhưng, không ít người dân vẫn chấp nhận vay và phải gánh chịu những thiệt hại về cả tinh thần và tài chính.

Giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn 

Theo TS Cấn Văn Lực, cần phải phát triển tài chính tiêu dùng - tài chính vi mô để phục vụ nhu cầu của người dân: “Thế mạnh của các cho thuê tài chính là thủ tục nhanh gọn, đơn giản, sẵn sàng cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và vay tiền nhanh chóng thay vì sử dụng “tín dụng đen”

Chuyên gia Lực cho rằng, tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cần có nhiều “room” để phát triển. Quy mô hiện tại mới chỉ 18% dư nợ nền kinh tế, trong khi các nước khu vực lớn hơn rất nhiều. Vì thế, nên có cái nhìn tích cực và khách quan hơn cho sự phát triển của thị trường tổ chức tín dụng.

Đồng quan điểm với chuyên gia Cấn Văn Lực, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định: “Tín dụng tiêu dùng còn dư địa rất lớn và đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng sẽ là một trong những trợ lực quan trọng để đẩy lùi vấn nạn "tín dụng đen". Việc phát triển cho vay tiêu dùng là phương án tối ưu để giúp người nghèo, những người có điểm tín dụng thấp, họ là những người dưới chuẩn của ngân hàng được tiếp cận với nguồn vốn chính thống và được pháp luật bảo vệ”.

Muốn tài chính tiêu dùng - tài chính vi mô phát triển toàn diện và phát huy được hết vai trò đẩy lùi "tín dụng đen", cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân… và các công ty công nghệ để tạo ra một hệ sinh thái giúp người dân vay vốn thuận lợi hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các công ty tài chính được hoạt động trong khuôn khổ pháp lý thông thoáng để phát triển bền vững và lan rộng đến các vùng sâu, vùng xa, đáp ứng được nhu cầu vốn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội làm ăn và tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống của người dân.