25/11/2024 | 01:55 GMT+7, Hà Nội

Cơ hội cho bất động sản bật lên tại những "vùng đất mới" hậu Covid-19

Cập nhật lúc: 12/05/2020, 19:00

Sau tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư BĐS rục rịch chuyển hướng mới. Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, giữ được thanh khoản lâu dài là xu hướng được đặc biệt quan tâm.

Bất động sản hướng đến giá trị bền vững sau Covid-19

Năm 2019 được xem là năm khó khăn nhất của thị trường bất động sản. Hàng loạt các nguyên nhân như pháp lý bất cập, nhiều dự án bị đứng bánh cộng thêm tình trạng các dự án “ma” giăng bẫy khắp nơi... đã làm lung lay niềm tin của không ít nhà đầu tư.

Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều phân khúc của thị trường lại tiếp tục lâm thế “khó chồng thêm khó”. Trong tình trạng khan hiếm nguồn cung mới ở mọi phân khúc, những sản phẩm nằm trong phân khúc dưới 2 tỷ gần như đã “tuyệt chủng” khỏi thị trường TP.HCM. Trong khi đó, tại các vùng ven Sài Gòn cũng không có nhiều dự án mới, mức thanh khoản khá thấp, giao dịch chậm nên gần như không thể đầu tư lướt sóng.

Giới đầu tư bất động sản dần chuyển hướng đến các vùng đất mới để tìm giá trị sinh lời bền vững

Thị trường căn hộ cũng có mức giao dịch ảm đạm do dịch, giá tăng cao vì ít nguồn cung mới. Đối với thị trường biệt thự, nhà phố liền kề thì nằm ở phân khúc quá cao, chỉ phù hợp với nhà đầu tư có sẵn nguồn vốn lớn và chấp nhận chờ đợi thị trường khá hơn. Thị trường đất các quận vùng ven như Quận 9, Quận 12 cũng giảm thanh khoản do ảnh hưởng từ dịch. Ghi nhận chung, giao dịch đất tại quận 9, Thủ Đức và vùng ven TP. HCM giảm tới 70-80% so với hồi sôi động của năm 2019. Một số nhà đầu tư cá nhân đã gửi lại cho các đại lý với giá bán thấp hơn 10-25% giá mua vào nhưng vẫn khó bán ra.

Trong bối cảnh này, không ít nhà đầu tư cá nhân ở thị trường TP.HCM đã nghĩ đến các vùng đất mới. Sau đại dịch, nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn đã bắt đầu tìm phương án khác để phân bổ dòng tiền đa dạng hơn thay vì chỉ tập trung vào một thị trường. Trong đó, những sản phẩm bất động sản có giá trị bền vững sẽ được ưu ái lựa chọn sau các đợt khủng hoảng.

Qua quan sát, có thể nhận thấy một xu hướng đang âm thầm diễn ra trong giới đầu tư đó là săn quỹ đất sạch ở các vùng đất có khí hậu ôn hòa, không gian hoang sơ chưa được khai phá. Thay vì đầu tư lướt sóng, giờ đây xu hướng đầu tư an toàn và dài hạn lên ngôi. Trong đó, các dự án bất động sản y tế, bất động sản phục vụ cho các dự án Organic hoặc xây dựng các dự án chăm sóc sức khỏe… đang là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức, nhà đầu tư có tầm nhìn.

Giới đầu tư săn bất động sản đón đầu nhu cầu thực

Trên thực tế, nhu cầu săn quỹ đất phục vụ cho các dự án xã hội không phải là xu hướng mới mà đã được các tổ chức, chuyên gia nghiên cứu nhiều năm nhưng rồi tạm gác lại. Từ năm 2018, bất động sản y tế (nhất là nguồn đất dành cho xây dựng các trung tâm điều trị, phục hồi, viện dưỡng lão hoặc mô hình bệnh viện kết hợp nghỉ dưỡng) đã được đánh giá là tiềm năng nhưng khan hiếm nguồn cung. Lí do là vì khó tìm được những vị trí vừa đáp ứng điều kiện giao thông, tách biệt đô thị, vừa phải tận dụng được yếu tố sinh thái để hỗ trợ tâm lý bệnh nhân đang điều trị.

Ông Nguyễn Hồng Phúc - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phúc Nguyễn đồng thời là nhà sáng lập dự án Trung tâm hỗ trợ phục hồi kháng ung thư

Theo nhận định từ ông Nguyễn Hồng Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Nguyễn, trong quá trình hoàn thiện đề án Trung tâm hỗ trợ phục hồi kháng ung thư - một dự án tâm huyết của công ty sắp công bố trong năm nay, việc chọn lựa vị trí đất xây dựng vừa quan trọng cũng vừa nhức nhối nhất.

Ngoài các yếu tố cơ bản như xa trung tâm, quỹ đất rộng, cơ sở hạ tầng tốt và dễ giải toả, với đặc thù là 1 trung tâm phục hồi sức khoẻ, vấn đề điều kiện thiên nhiên (cảnh quan thiên nhiên, môi trường không khí…) và thậm chí là năng lượng, thổ khí và phong thuỷ cũng là vấn đề cần chú ý.

Ông Phúc cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm từ cá nhân cũng như từ nhiều đơn vị đã tư vấn, để tìm được khu vực đất tốt để xây dựng các dự án có tính lâu dài, nhà đầu tư nên quan tâm khâu tiền trạm, khảo sát và đặc biệt chú ý yếu tố “những vùng đất chưa được khai thác” thì sẽ có nhiều khả năng phù hợp hơn là lựa chọn những vị trí, khu vực đã có lịch sử khai thác.

Hiện Dự án Trung tâm hỗ trợ phục hồi kháng ung thư của ông Nguyễn Hồng Phúc (Công ty cổ phần đầu tư Phúc Nguyễn) đang trong những giai đoạn cuối cùng về mặt pháp lý và đã xác nhận chọn vùng đất Khánh Hoà (quê hương của ông) làm địa điểm xây dựng. Theo đó, các khu vực đất tiềm năng lớn như Bắc Vân Phong (thuộc Khánh Hoà) khả năng cao sẽ là nơi được doanh nghiệp này chọn lựa đầu tư.

Những vùng đất mới thuận lợi về thổ nhưỡng, sinh thái và vị trí giao thông như Bắc Vân Phong đang cho thấy những giá trị đầu tư tiềm năng - đặc biệt là với các dự án sức khoẻ và công nghiệp. (Ảnh: Tin Tin Tran)

Sau tác động từ đại dịch Covid-19 thì xu hướng này lại bắt đầu nhen nhóm và ngày càng rõ nét hơn do nhu cầu quan tâm sức khỏe tăng cao. Bên cạnh đó, cũng không ít tổ chức, doanh nghiệp có mong muốn xây dựng những tổ chức từ thiện, các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, người vô gia cư… sau khoảng thời gian chứng kiến sự giảm sụt giảm nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống của tầng lớp này trong đại dịch.

Bên cạnh đó, tình hình sử dụng đất cho vấn đề phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ/organic cũng là vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Nhờ tận dụng được nguồn đất ở những khu vực cách biệt - xa đô thị lớn, có nhiều yếu tố tự nhiên và chưa bị khai thác, tác động bởi con người như Đơn Dương, Bảo Lộc, Bắc Vân Phong, Đồng Tháp…, nhiều công ty nông nghiệp organic như Công Ty Cổ Phần Nông Nghiệp U&I (Unifarm) đã tiết kiệm được đáng kể chi phí cải tạo đất để làm nông nghiệp cũng như tìm được lợi thế nền tảng để phát triển bền vững việc kinh doanh của mình.

Xu hướng này cũng hỗ trợ trực tiếp đến cả lĩnh vực chăn nuôi. Đơn cử, mô hình thuỷ sinh hữu cơ (organic aquaculture) tại Ninh Thuận đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá là mô hình nông nghiệp điển hình cần nhân rộng hoặc trang trại tôm giống sạch và thuần chủng do công ty Việt - Úc thực hiện ở tỉnh Bạc Liêu là trang trại nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đặt ra bởi Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).

Trong bối cảnh đó, nhiều dự án khu biệt thự sinh thái cũng có xu hướng tìm kiếm đất có lợi thế về thiên nhiên (chưa bị khai thác nhiều, khí hậu mát mẻ, gần biển…) và vị trí (gần tuyến đường/nút giao thông quan trọng, di chuyển dễ dàng đến các trung tâm lân cận) nên những khu vực như Lâm Đồng, ngoại ven Đà Lạt và các khu kinh tế mới như Bắc Vân Phong bắt đầu được chú ý.

Bà Nguyễn Nhất Ly - Phó chủ tịch Lean Group

Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia, bà Nguyễn Nhất Ly - Phó chủ tịch Lean Group cho biết, trong bất kể thời điểm nào thì thị trường đất vẫn giữ mức thanh khoản ổn định nhất.

“Đất tuy không nằm ngoài vòng xoáy Covid-19 nhưng vẫn có mức lợi nhuận đủ an toàn và là kênh trú ẩn lâu dài cho nhà đầu tư. Một mảnh đất chưa được khai thác xây dựng hoàn toàn phù hợp với mọi nhu cầu trong bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Đất thì có hạn nhưng nhu cầu xây dựng luôn có nên lợi nhuận về lâu dài là chắc chắn.

Tuy nhiên nếu chọn những khu vực có cơ sở hạ tầng, địa thế tốt như tại các khu kinh tế mới, giàu tiềm năng như Bắc Vân Phong, Vân Đồn… thì nhà đầu tư có thể đón đầu nhiều xu hướng mới sau các đợt khủng hoảng” - bà Ly chia sẻ.