CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021
Cập nhật lúc: 18/01/2021, 14:06
Cập nhật lúc: 18/01/2021, 14:06
Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, dù bối cảnh kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 còn nhiều bất định song những thành tựu và kinh nghiệm quan trọng trong năm 2020 đã giúp Việt Nam bước vào năm 2021 với nhiều lạc quan.
Việt Nam duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, năm 2020 chứng kiến nhiều biến động của kinh tế Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đòi hỏi nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới phải thực hiện những biện pháp phòng chống chưa từng có tiền lệ như giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới... Điều này đóng góp đáng kể vào thành công của Việt Nam trong phòng chống, khống chế dịch bệnh, tuy nhiên cũng kéo theo hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế. Việc phát triển vắc-xin Covid-19 cũng chuyển biến nhanh ở bình diện toàn cầu, dù còn lo ngại về khả năng tiếp cận.
Trong bối cảnh đó, TS. Hồng Minh khẳng định, công tác chỉ đạo và điều hành năm 2020 của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng đồng thuận với chính sách của Chính phủ và chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
"Nếu 6 tháng đầu năm ưu tiên hướng đến kiểm soát tốt dịch bệnh thì nửa cuối năm chứng kiến những thay đổi trong cách thức điều hành, hướng nhiều hơn tới chủ động quản trị bất định, tạo cơ sở cho khôi phục kinh tế", Viện trưởng CIEM nói.
"Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Đổi mới để thích ứng" của CIEM nêu rõ, năm 2020, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là nhiệm vụ xuyên suốt. Trong khi đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế và chưa hoàn thành một số mục tiêu. Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 chứng kiến diễn biến khá sôi động về hội nhập kinh tế quốc tế như Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ký kết Hiệp định RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland UKVFTA.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, với tốc độ tăng GDP năm 2020 đạt 2,91%, kết quả tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá khá tích cực. Số liệu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã cho thấy sự phục hồi đáng kể so với 6 tháng đầu năm.
Lạm phát có xu hướng ổn định hơn trong 6 tháng cuối năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân đạt 2,31% trong năm 2020. Tốc độ tăng CPI bị kiềm chế chủ yếu bởi giảm cầu do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nhiều tháng liên tục và các chính sách hỗ trợ, ứng phó của Chính phủ. Áp lực tăng đối với CPI trong 6 tháng cuối năm 2020 xuất phát từ một số nhóm hàng dịch vụ như giáo dục, giao thông.
Đối với khu vực doanh nghiệp, tuy gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Những khó khăn trên diện rộng của khu vực doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tình hình lao động - việc làm, đặc biệt sau làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19. Dù không nhiều doanh nghiệp phải sa thải lao động nhưng cũng đã phải giảm lương và giờ làm. Ngoài ra, dịch bệnh cũng làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Năng suất và chất lượng lao động trong toàn nền kinh tế có xu hướng cải thiện, tuy chưa thực sự rõ ràng.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021 có thể đạt 6,46%
Trên cơ sở đó, Báo cáo dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 dựa trên đánh giá của các cơ quan tổ chức về triển vọng kinh tế thế giới, tiến triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng sử dụng một số công cụ chính sách kinh tế trong nước.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1 và 6,46% theo Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78% theo 2 kịch bản.
Cụ thể, đối với Kịch bản 1 đặt ra bối cảnh GDP của thế giới đạt tăng trưởng 4%/năm và chỉ số giá của Mỹ tăng 1,924%; giá hàng nông sản xuất khẩu tăng khoảng 12,6%, giá dầu thô thế giới tăng 11,4%. Trong nước, tỷ giá VNĐ/USD của ngân hàng thương mại giảm 0,5%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% và dư nợ tín dụng tăng 12%... Bên cạnh đó, vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 2% so với năm 2020 và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức 420.000 tỷ đồng.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, đồng thời có điều chỉnh về giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 15%, giá dầu thô thế giới tăng 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14%, tín dụng tăng 13%, vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 5% và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức 477.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM cũng chỉ ra một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 như: Kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; Dịch Covid-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo; Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu;
Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam; Khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài; Nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước. Thêm nữa, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ... không chỉ ở thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương đánh giá lạc quan nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể sẽ gia tăng nhanh hơn, do vậy các doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh thông điệp: Cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro - đặc biệt gắn với COVID-19 - trong bối cảnh “bình thường mới”. Các nỗ lực này không tách rời, mà là một phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Việt Nam./.
Nguồn: https://reatimes.vn/ciem-du-bao-2-kich-ban-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2021-20201224000000516.html