19/01/2025 | 10:21 GMT+7, Hà Nội

Chuyển đổi số, xuất khẩu... điểm sáng 2020 - \'bàn đạp\' cho năm 2021

Cập nhật lúc: 17/01/2021, 10:30

Nếu 6 tháng đầu năm 2020 ưu tiên hướng đến kiểm soát tốt dịch bệnh thì nửa cuối năm chứng kiến những thay đổi, điểm sáng mới và là 'bàn đạp' cho năm 2021.

Đại dịch Covid-19 bấm nút “tăng tốc” cho chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và Triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững”, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khái quát “3 cái được” về mặt vĩ mô của kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Thứ nhất, theo bà Minh, đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 – đúng thời điểm Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nên kịp cho chúng ta điều chỉnh những đánh giá, yêu cầu và giải pháp cho giai đoạn chiến lược tới.

"Thứ hai, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải nhìn nhận các yêu cầu cải cách đủ sâu rộng trong thời gian tới, thay vì tư duy “chờ qua dịch rồi mọi thứ sẽ bình thường trở lại”, bà Minh nói.

Thứ ba, cũng theo bà Minh: "nhiều yêu cầu cải cách mà chúng ta nhìn nhận hậu Covid-19 thực ra không mới; đại dịch Covid-19 ít nhiều còn giúp đẩy nhanh các cải cách này. Nổi bật và rõ nét nhất là chuyển đổi số, khi những chuyển biến trong năm 2020 được cho là nhiều hơn cả các năm trước cộng lại".

"Hay như với ý tưởng phát triển mô hình kinh tế ban đêm, Đề án mà Viện chủ trì soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 7/2020, khi mà dịch vừa mới bùng phát trở lại ở Đà Nẵng", bà minh nói thêm.

Xuất khẩu trở thành “bệ đỡ”

Ông David Gottlieb – Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ôxtraylia tại Việt Nam khái quát về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2020 với từ khoá “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch hiệu quả và hỗ trợ, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng đồng thuận với chính sách của Chính phủ và chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. 

Theo đó, kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19. Nếu 6 tháng đầu năm ưu tiên hướng đến kiểm soát tốt dịch bệnh thì nửa cuối năm chứng kiến những thay đổi trong cách thức điều hành, hướng nhiều hơn tới chủ động quản trị bất định, tạo cơ sở cho khôi phục kinh tế. Ý tưởng về “gói hỗ trợ lần 2” với liều lượng đủ lớn và đủ mạnh đã được cân nhắc, thảo luận, hướng tới đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ là kích thích kinh tế.

Đặc biệt, 6 tháng cuối năm 2020 kinh tế Việt Nam diễn biến khá sôi động về hội nhập kinh tế quốc tế như Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ký kết Hiệp định RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh…Nhờ đó, tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020, số liệu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã cho thấy sự phục hồi đáng kể so với 6 tháng đầu năm.

Dù tương đối ít doanh nghiệp phải sa thải lao động, nhưng năng suất và chất lượng lao động trong toàn nền kinh tế có xu hướng cải thiện.
Dù tương đối ít doanh nghiệp phải sa thải lao động, nhưng năng suất và chất lượng lao động trong toàn nền kinh tế có xu hướng cải thiện.

Kết quả tăng trưởng của Việt Nam ít nhiều được đánh giá khá tích cực. Trong đó, tăng trưởng khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản đạt mức 2,68% trong cả năm 2020. Xuất khẩu nông sản được xem là điểm sáng trong 6 tháng cuối năm và trở thành dấu ấn của toàn khu vực nông lâm thuỷ sản.

Giải ngân đầu tư công là điểm sáng trong năm 2020 

Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Những khó khăn trên diện rộng của khu vực doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tình hình lao động-việc làm, đặc biệt sau làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19. Dù tương đối ít doanh nghiệp phải sa thải lao động, nhưng năng suất và chất lượng lao động trong toàn nền kinh tế có xu hướng cải thiện, tuy chưa thực sự rõ ràng.

Lạm phát có xu hướng ổn định hơn trong 6 tháng cuối năm, bình quân đạt 2,31% trong năm 2020. Tốc độ tăng CPI bị kiềm chế chủ yếu bởi giảm cầu, trong khi áp lực tăng đối với CPI trong 6 tháng cuối năm 2020 xuất phát từ một số nhóm hàng dịch vụ như giáo dục, giao thông.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… cũng như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển Fintech có thêm chuyển biến tích cực.

Lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ giữ xu hướng giảm. Lãi suất huy động USD vẫn được giữ ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của các cá nhân và tổ chức. Lãi suất liên ngân hàng năm 2020 có xu hướng giảm rõ rệt. Ước tính mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể trong khoảng 11-12%. Cùng với đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ, thị trường chứng khoán có khởi sắc so với năm 2019.

Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng 5,7%. Tỷ lệ đầu tư/GDP có xu hướng tăng, đạt 33,6%. Giải ngân đầu tư công là một điểm sáng trong năm 2020, ước đạt 82,8% kế hoạch. Vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ 2019, thực hiện đạt 19,98 tỷ USD, giảm 1,96%. Xu hướng gia tăng góp vốn, mua cổ phần có phần chững lại.

Xuất khẩu năm 2021 dự báo tăng 4,23%

Theo báo cáo đề dẫn chính tại hội thảo, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, phục hồi khá nhanh trong quý III và quý IV. Xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít khó khan như việc các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản phi thuế quan; cùng với đó là sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, cũng như thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào cũng như gia tăng chi phí vận chuyển, lưu kho…Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%; trong đó, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng giảm.

Tăng trưởng nhập khẩu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Việt Nam đạt thặng dư thương mại hàng hóa, ước tính cả năm xuất siêu 19,1 tỷ USD.

Con số này thể hiện phần nào hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành về xuất nhập khẩu, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ôxtraylia tại Việt Nam dự báo dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1 và 6,46% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%... 

Tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm 2020 ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung. Tổng thu NSNN so với GDP ước đạt 23,9%. Tổng chi NSNN đến thời điểm 15/12/2020 ước đạt 1.432,5 nghìn tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm. Tỷ trọng chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 28% GDP. Quy mô phát hành Trái phiếu Chính phủ gia tăng đáng kể trong 6 tháng cuối năm 2020. Tính chung cả năm, quy mô phát hành đạt hơn 323,95 nghìn tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch điều chỉnh.

Nguồn: https://congluan.vn/chuyen-doi-so-xuat-khau-diem-sang-2020--ban-dap-cho-nam-2021-post113960.html