22/01/2025 | 17:56 GMT+7, Hà Nội

Chuẩn bị mâm cỗ mặn Rằm tháng Giêng Tân Sửu 2021 chuẩn nhất

Cập nhật lúc: 25/02/2021, 17:21

Thời hiện đại, mâm cỗ Rằm tháng Giêng đủ đầy và mang màu sắc đa dạng hơn. Tuy nhiên, mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị truyền thống.

Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm (15 âm lịch) được xem là ngày Rằm linh thiêng nhất bởi đây là thời điểm trăng sáng nhất năm. Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào ngày 26/2 Dương lịch. Ý nghĩa chung nhất của ngày rằm này đó chính là để các thành viên trong gia đình sum vầy, đoàn viên. Ngoài ra, ngày rằm tháng Giêng cũng là dịp để con cháu nhớ đến ông bà, tổ tiên, cùng tỏ lòng thành kính, biết ơn trước các bậc bề trên.

Trước đây, mâm cỗ Rằm tháng Giêng của người Việt cơ bản thường có xôi gà hoặc mâm cỗ chay tùy thuộc tín ngưỡng của gia chủ. Thời hiện đại, mâm cỗ Rằm tháng Giêng đủ đầy và mang màu sắc đa dạng hơn. Tuy nhiên, mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.

Đối với mâm cỗ mặn cúng gia tiên, gia chủ cần chuẩn bị hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, một vài món ăn mặn.

Thông thường mâm cỗ mặn có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng tròn 10 món để tạo thành mâm cơm đầy đủ, tươm tất.

- 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến, bát mọc.

- 6 đĩa gồm: Thịt gà trống luộc (hoặc thịt lợn), giò/chả), nem, đĩa xào, dưa muối/hành muối, xôi/bánh chưng, ngoài ra có thêm nước chấm.

Mỗi món ăn trong mâm cơm cúng rằm tháng Giêng đều thể hiện mong muốn rất riêng của người Việt. Ví dụ như bánh chưng thể hiện cho sự sinh sôi, nảy nở; dưa hành thuộc về Dương, thịt lợn đã chế biến thuộc về Âm... Mâm cơm cúng rằm tháng Giêng cũng như nhiều mâm cơm cúng khác của người Việt đều có được hài hòa, cân bằng Âm, Dương.

Bên cạnh mâm cỗ mặn, lễ vật đi kèm gồm:

- Hương, hoa

- Vàng mã.

- Đèn nến

- Trầu cau

- Rượu

Lưu ý, lễ vật cúng của lễ Phật và lễ gia tiên cần phải để riêng. Tuyệt đối không để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên bàn thờ hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng. Hoa quả có thể để ở ban trên, còn đồ cúng mặn nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.

Dù là ngày linh thiêng nhất trong năm nhưng không phải nhất nhất gia chủ đều bày biện quá mức. Một mâm cúng Rằm tháng Giêng phù hợp với kinh tế mang lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên sẽ là một bữa cơm cúng ý nghĩa nhất, mới thể hiện được tấm lòng thành kính, biết ơn gia tiên và gửi lời cầu mong một năm mới trọn vẹn, an lành.

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/chuan-bi-mam-co-ram-thang-gieng-tan-suu-2021-chuan-nhat-20201231000001026.html