19/01/2025 | 22:13 GMT+7, Hà Nội

Chủ động “bắt tay” đối tác nước ngoài, doanh nghiệp địa ốc Việt được gì?

Cập nhật lúc: 26/03/2019, 07:40

Giới chuyên gia cho rằng, sự chủ động giới thiệu các dự án cũng như cơ hội hợp tác với doanh nghiệp ngoại của một số ông lớn địa ốc sẽ tạo luồng gió mới cho thị trường bất động sản Việt Nam. Sự chủ động này còn là minh chứng cho bản lĩnh và tính chuyên nghiệp của các “đại gia” bất động sản.

Xu hướng hợp tác với đối tác nước ngoài

Nổi lên mạnh mẽ từ năm 2014, khi thị trường bất động sản khởi động lại một chu kỳ mới sau khoảng thời gian dài đóng băng, xu hướng bắt tay liên kết với doanh nghiệp ngoại của các ông lớn bất động sản bắt đầu nổi lên mạnh mẽ. Thay vì “đơn phương độc mã” như trước đây, các doanh nghiệp bất động sản đã tìm kiếm những đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp Việt bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng mạnh tại Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, vốn đăng ký vào bất động sản đạt trên 6,6 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất. Tính chung trong tháng 1/2019, tổng vốn đầu tư đăng ký vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 179,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Dự án TMS Hotel Da Nang Beach.

Sự hợp tác của nhà đầu tư Việt và nước ngoài sẽ tạo ra những sản phẩm bất động sản chất lượng (Trong ảnh là Khách sạn TMS Hotel Da Nang Beach, một dự án thành công của TMS)

Không chỉ tăng về số lượng các “cuộc bắt tay” với doanh nghiệp ngoại mà cách thức hợp tác cũng biến chuyển về chất. Nếu trước đây, sự hợp tác chỉ dừng lại ở việc chủ đầu tư Việt tự phát triển dự án và thuê các doanh nghiệp nước ngoài tham gia kiểm duyệt, vận hành dự án thì đến hiện tại, sự hợp tác đó ngày càng trở nên khăng khít hơn.

Các ông lớn bất động sản bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài trong việc cùng góp vốn, cùng tham gia xây dựng và phát triển dự án.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự hợp tác của nhà đầu tư Việt và nước ngoài là xu hướng tất yếu trên thị trường bất động sản. Bởi đã đến lúc, trước yêu cầu tạo ra dòng sản phẩm chất lượng, hiện đại, bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng thì những “cuộc bắt tay” sẽ mang lại hơi thở mới cho thị trường. Đặc biệt, khi ngân hàng thắt chặt nguồn cung vốn thì việc hợp tác sẽ mang lại nguồn tài chính vững chắc cho các dự án bất động sản.

Một điểm lợi của hợp tác với doanh nghiệp ngoại còn là tạo ra phân khúc khách hàng nước ngoài mới. Đây là nhóm khách hàng được đánh giá đầy tiềm năng, trở thành bệ đỡ cho thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.

Doanh nghiệp tự chủ động giới thiệu về cơ hội hợp tác

Nhìn vào diễn biến thị trường cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và ngày càng rót tiền nhiều vào thị trường bất động sản Việt Nam, tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chính các doanh nghiệp nội mới là những nhân tố “dẫn dắt” cuộc chơi.

Có thể thấy, thay vì chờ đợi doanh nghiệp nước ngoài tiến tới đề xuất bắt tay như năm 2017, 2018, thì hiện nay, đã có một số doanh nghiệp tự chủ động giới thiệu các dự án, kêu gọi sự hợp tác.

Điển hình có thể kể tới trong thời gian gần đây là Hội nghị xúc tiến tại Nhật Bản vào tháng 4 của Tập đoàn TMS. Theo đó, doanh nghiệp địa ốc này dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tại 3 thành phố lớn Tokyo - Osaka – Fukuoka của Nhật Bản. Chia sẻ với báo chí, Tập đoàn TMS tổ chức sự kiện nhằm mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản nắm bắt những xu hướng đầu tư mới nhất tại thị trường Việt Nam.

Dự án TMS Metropolis Bắc Giang nằm trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư

Dự án TMS Metropolis Bac Giang nằm trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của Tập đoàn TMS.

Sự chủ động của doanh nghiệp như Tập đoàn TMS được kỳ vọng sẽ bắt đầu mở ra xu hướng mới trong những cuộc hợp tác với nhà đầu tư ngoại. Giới chuyên gia cũng khẳng định, khi doanh nghiệp Việt chủ động giới thiệu hình ảnh, cơ hội và tiềm năng rót vốn đầu tư tại thị trường bất động sản Việt Nam thì đồng nghĩa với việc chính doanh nghiệp Việt đang nắm thế chủ động trong bàn cờ thương trường, khẳng định sự bản lĩnh và tính chuyên nghiệp. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt thể hiện vị trí “dẫn dắt” trên thương trường. Chưa kể, những “cuộc bắt tay” còn là cách để doanh nghiệp Việt khẳng định thương hiệu trên thị trường bất động sản ngoại cũng như tạo ra thị phần nhóm khách hàng ngoại quốc.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam nhận định, cuộc bắt tay giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài đang ngày càng diễn ra mạnh là dấu hiệu cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại. Và trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng sẽ là bên hưởng lợi nhất.

Nhật Minh