19/01/2025 | 13:25 GMT+7, Hà Nội

Cho trẻ dùng vòng hổ phách có tốt không?

Cập nhật lúc: 31/12/2018, 23:40

Hổ phách có nhiều màu sắc khác nhau từ vàng, nâu đến xanh lá cây. Nhiều phụ huynh thắc mắc, liệu vòng hổ phách có thực sự tốt như quảng cáo "giúp trẻ ăn ngon, giảm đau"?

Cẩn trọng khi cho trẻ dùng vòng hổ phách

Có những đồ dùng cha mẹ thường xuyên mua và sử dụng cho bé theo kinh nghiệm của những người đi trước hay hướng dẫn của người bán hàng mà đôi khi lại không hề biết rõ chức năng và mức độ an toàn của chúng đối với sức khỏe của bé. Trong số những sản phẩm đó phải kể đến vòng hổ phách dùng cho các bé ở độ tuổi bắt đầu mọc răng sữa.

Hổ phách không giống như một số loại đá thông thường hoặc đá quý được sử dụng để làm đồ trang sức bởi nó được hình thành từ nhựa thông hóa thạch. Hổ phách có nhiều màu sắc khác nhau từ vàng, nâu đến xanh lá cây. Vì vậy, bên trong hổ phách có thể chứa những con côn trùng “lâu đời”.

Ngoài những con côn trùng đã chết, hổ phách còn có chứa axit succinic. Và đây là lý do tại sao trẻ nhỏ nên đeo những loại trang sức làm từ vật liệu này. Sau khi đeo vào cổ, một lượng nhỏ axit succinic sẽ được giải phóng. Loại axit này có đặc tính giảm đau.

Đây hiện đang là sản phẩm được nhiều bà mẹ quan tâm và tìm mua cho con em mình, tuy nhiên các chuyên gia Nhi khoa lại cảnh báo mối nguy hiểm tiềm ẩn gây hại cho các bé sau một loạt các tai nạn, thậm chí tử vong do trẻ đeo những loại vòng này.

ho-phach

Những chuỗi hạt ngậm mọc răng tiềm ẩn nguy cơ hóc nghẹn, nghẹt thở cao cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Ảnh minh họa).

Nguy cơ trẻ bị ngạt, tử vong do hóc hạt vòng hổ phách

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới đây đưa ra cảnh báo về sự an toàn và hiệu quả của vòng ngậm mọc răng trong việc làm giảm triệu chứng đau nhức khi trẻ mọc răng và kích thích các giác quan chưa phát triển của trẻ.

Người đại diện FDA cho biết: "Trong quá trình sử dụng, chiếc vòng này tiềm ẩn nguy cơ khiến cho trẻ bị thít cổ, ngạt thở, tổn thương vùng miệng và nhiễm trùng. Các hạt nhỏ trên chiếc vòng hoặc các mảnh vỡ khi chiếc vòng bị đứt, vỡ sẽ đi vào miệng, xuống đường thở và làm tắc đường thở, trẻ bị ngạt và tử vong nhanh chóng sau đó".

Đây không phải là lời cảnh báo vô căn cứ bởi thực tế đã ghi nhận trường hợp em bé 18 tháng tuổi bị chính chiếc vòng hổ phách thít vào cổ dẫn đến ngạt thở và bé tử vong khi đang ngủ trưa. "Tai nạn này có thể xảy ra khi bố mẹ đeo vòng cổ cho bé quá chật, vòng sẽ quấn chặt vào cổ bé, hoặc vòng bị mắc vào cũi ngủ và siết vào cổ bé", vị đại diện này tiếp tục giải thích. Một trường hợp khác cũng xảy ra khi bé 7 tháng tuổi bị hóc nghẹn hạt cườm của một chiếc vòng tay mọc răng bằng gỗ mặc dù lúc đó bố mẹ bé đang ở bên cạnh trông bé.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cảnh báo ngạt thở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 1 tuổi và là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ từ 1 đến 4 tuổi. AAP khuyến nghị cha mẹ không nên đeo bất kỳ món đồ nào trên người của các bé.

Còn cơ quan quản lý Cạnh tranh và Tiêu dùng của Australia (ACCC) thì cho hay, một số sản phẩm vòng ngậm mọc răng trong đó có vòng hổ phách không đáp ứng tiêu chuẩn bắt buộc nghiêm ngặt dành cho người dùng ví dụ như có nhiều màu sắc, thiết kế đa dạng nên dễ bị nhầm lẫn với đồ chơi. Trẻ nhầm và dùng sai cách dẫn đến nguy cơ bị hóc nghẹn, ngạt thở là rất cao. ACCC khuyên cha mẹ không nên đeo bất cứ thứ gì ở cổ của bé trong lúc ngủ, vì nó có thể siết chặt cổ bé trong khi ngủ, gây khó thở và thậm chí có thể làm cho bé chết ngạt. Hơn nữa, chuỗi hạt có thể bị vỡ và từng hạt nhỏ có thể rơi vào miệng bé, tạo ra mối nguy hiểm nghẹt thở, hóc nghẹn.

Ngoài ra, chiếc vòng hổ phách đeo cổ được quảng cáo có đặc tính "chữa bệnh" như giúp bé giảm đau, sốt và các triệu chứng khó chịu khác khi mọc răng cũng không có bằng chứng khoa học nào để chứng minh tác dụng kì diệu như vậy.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archives de Pédiatrie đã kết luận chuỗi hạt này là một "phương thuốc lang băm" với nguy cơ thực sự là trẻ bị siết cổ hoặc hóc hạt mà thôi. Bởi theo Giáo sư Allan Blackman của Đại học Auckland: "Hổ phách có chứa axit succinic nhưng bạn sẽ phải đun nóng đến ít nhất 200 độ C để chất này chảy ra khỏi hổ phách và đưa vào máu, điều này là không thể khi mà nhiệt độ cơ thể của bé là 36,9 độ C".