22/11/2024 | 14:01 GMT+7, Hà Nội

Cho tồn tại sai phạm ở Tân Bình Apartment có trái Nghị định 139?

Cập nhật lúc: 17/04/2020, 11:00

Dự án Tân Bình Apartment - nơi từng là điểm nóng về tranh chấp và sai phạm xây dựng, nay lại tiếp tục gây chú ý khi nhiều hạng mục sai phạm được cho phép tồn tại.

Doanh nghiệp xin tồn tại hạng mục sai phạm

Tân Bình Apartment tọa lạc tại số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM. Theo thông tin từ báo Người Lao động, dự án vướng lùm xùm khi chủ đầu tư dính nhiều vi phạm như: Tự ý xây thêm tầng so với giấy phép xây dựng; tổ chức thi công, bán hàng khi chưa đủ điều kiện theo quy định...

Thanh tra Sở Xây dựng cũng có quyết định xử phạt Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình về hành vi thi công xây dựng sai thiết kế được duyệt với số tiền 100 triệu đồng (đã nộp phạt) và buộc chủ đầu tư tự tháo dỡ 11 hạng mục, công trình xây dựng sai thiết kế được duyệt. Quá trình tháo dỡ đến nay đã thực hiện 8/11 hạng mục, một hạng mục chủ đầu tư cam kết thực hiện khi hoàn thành công trình và 2 hạng mục chủ đầu tư đề xuất giữ lại không tháo dỡ.

Khách hàng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư tại dự án Tân Bình Apartment

Hai hạng mục chủ đầu tư đề xuất giữ lại thuộc khối I của dự án. Hạng mục 1 có diện tích 332m2 tại tầng lửng (sàn tầng 3), cao độ +8,4m, bít 18 lô thông tầng. Hạng mục 2 có diện tích hơn 42m2 tại vị trí 4 góc của công trình trục 1/A, 1/D, 9/A, 9/D, tầng kỹ thuật tại cao độ +6m đến tầng có cao độ 44,85m.

Lý do công ty đề xuất không tháo dỡ đối với 2 hạng mục này là nếu tháo dỡ sẽ không bảo đảm khả năng chịu lực và chất lượng công trình, gây mất ổn định công trình.

TP HCM có làm trái Nghị định 139 của Chính phủ?

Cũng theo thông tin trên báo chí, UBND TP HCM đã chấp thuận ý kiến đề xuất của Sở Xây dựng và Thanh tra TP về việc không tháo dỡ phần diện tích vi phạm tại dự án Tân Bình Apartment.

Trước đó, UBND TP đã yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng vào cuộc. Để có cơ sở tham mưu cho UBND TP, Thanh tra TP đã đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng thẩm định lại kết quả kiểm tra kết cấu của công trình và có ý kiến chuyên ngành cụ thể đối với từng hạng mục vi phạm.

Từ đề nghị của Thanh tra TP, Sở Xây dựng đã giao Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng kiểm tra, tính toán lại báo cáo kiểm tra hệ kết cấu do Công ty TNHH IPC Việt lập. Theo đó, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xác định kết quả tính toán của Công ty TNHH IPC Việt lập là có cơ sở. Việc tháo dỡ các diện tích sai phép còn lại tại tầng lửng và 4 góc trục 1/A, 1/D, 9/A, 9/D sẽ gây ra tình trạng không bảo đảm ổn định và khả năng chịu lực của kết cấu tổng thể công trình. Việc gia cường chống đỡ hệ kết cấu tương đối phức tạp do liên quan đến lựa chọn đơn vị thực hiện, phê duyệt biện pháp phù hợp và thời gian có thể kéo dài… Ý kiến thẩm định của Thanh tra TP cho thấy, có hạng mục công trình không thể tiến hành tháo dỡ do ảnh hưởng đến an toàn của toàn bộ công trình.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp tháo dỡ hạng mục sai phép ảnh hưởng đến kết cấu, vẫn có phương án khác là gia cường. Cho dù gia cường “phức tạp” nhưng không có nghĩa là không làm được. Do đó, lấy lý do gia cường “phức tạp” nên đề nghị buộc phải cho tồn tại, không tháo dỡ phần sai phạm chỉ là phép ngụy biện.

Việc xử lý công trình xây dựng sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đã được quy định rõ trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ đầu năm 2018. Do vậy, việc cho phép tồn tại hay không tồn tại hạng mục sai phạm ở Tân Bình Apartment cũng không nằm ngoài quy định này. Phải chăng, TP.HCM đang tìm cách hợp thức hóa cho sai phạm tại dự án này theo cách riêng, không nằm trong quy định?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Từ 1/1/2018 không cho tồn tại vi phạm xây dựng

Vấn đề vi phạm xây dựng, phạt cho tồn tại, là đề tài nóng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Trọng Nhân cho rằng, việc "du di" trong xử phạt, "phạt cho tồn tại" đang để lại rất nhiều hậu quả. Đặc biệt, có việc nhờn luật tại nhiều dự án vi phạm.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, vướng mắc trong xây dựng được các đại biểu nêu ra là rất chính đáng, song cần được giải quyết bằng việc hoàn thiện thể chế, kết hợp với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời với các cấp liên quan đến trật tự xây dựng, thanh tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Bên cạnh pháp luật xây dựng, theo Bộ trưởng Hà, việc xử lý các sai phạm trong xây dựng còn chịu sự điều chỉnh của một số luật khác như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng đất đai… Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm thành lập tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc quận, huyện một số địa phương để nâng cao hiệu quả xây dựng.

Sau khi có tổng kết đánh giá, Bộ đã có kiến nghị điều chỉnh pháp luật và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính cho hoạt động đầu tư xây dựng.

“Theo đó, từ ngày 1/1/2018, không cho tồn tại tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng. Tất cả phải cưỡng chế, không có việc phạt lại cho tồn tại. Tất nhiên, để thực hiện được điều này thì phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức, phân cấp rõ ràng trách nhiệm”, ông Hà nói.