18/01/2025 | 11:55 GMT+7, Hà Nội

Chiêu “hái ra tiền” của các thương hiệu dưới góc nhìn luật sư

Cập nhật lúc: 29/03/2019, 06:00

Thời đại số, thời đại truyền thông bùng nổ khiến nhiều nhãn hàng nhắm mũi tên vào đích là nỗi sợ hãi người tiêu dùng để thu về lợi nhuận có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Trước vấn đề này, Luật sư đã có những phân tích cụ thể dưới góc độ pháp lý.

 

Trong buổi làm việc với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, những chia sẻ vô cùng hữu ích cho người tiêu dùng đã được Luật sư chia sẻ.

 PV: Thưa Luật sư, hiện nay có một vấn đề như dịch bệnh, thực phẩm không đảm bảo, các bệnh ngoài da, hay ung thư…đã và đang được các trang website của các phòng khám, đơn vị phân phối dược phẩm lợi dụng chiêu trò truyền thông đăng tải bài viết, những cảnh báo mang tính chất nguy hiểm gây hoang mang cho người tiêu dùng. Cụ thể nhiều cá nhân, tổ chức đăng tải, quảng cáo bán các loại thực phẩm chức năng có công dụng “thần thánh” bằng cách sử dụng truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng, quan điểm của luật sư như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Trong trường hợp này cần phân biệt làm 2  trường hợp cụ thể để xác định hành vi của phòng khám, đơn vị có vi phạm pháp luật hay không? Cụ thể nếu thông tin, bài viết cảnh báo chủ yếu mang tính chất phân tích, tìm hiểu, hướng dẫn cho người dân sử dụng thực phẩm đúng cách, an toàn theo chủ trương tuyên truyền pháp luật thì việc đăng tin như vậy của website là hoàn toàn đúng luật. Tuy nhiên, trường hợp lợi dụng việc đăng tin, cảnh báo nguy hiểm gây hoang mang cho người tiêu dùng, ở đây có thể hiểu là việc quảng cáo ảnh hưởng đến an toàn xã hội. Như việc đăng các thông tin, hình ảnh, điểm dịch nhưng không nói rõ ở đâu, không trích dẫn nguồn thông tin được kiểm chứng, gây hoang mang cho người dân, xã hội nhằm mục đích trục lợi, ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể các hành vi trên vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Truyền thông thời đại công nghệ đang khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận sản phẩm hàng hoá kém chất lượng.

Truyền thông thời đại công nghệ đang khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận sản phẩm hàng hoá kém chất lượng.

PV: Vậy theo luật sư, nếu những cá nhân, tổ chức đưa ra cảnh báo thiếu căn cứ như vậy sẽ bị xử lý như nào?.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 51 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước.

Lợi dụng truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi người tiêu dùng là một hành vi vi phạm pháp luật.

Lợi dụng truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi người tiêu dùng là một hành vi vi phạm pháp luật.

PV: Trong trường hệ quả của việc quảng cáo, phát tán thông tin sai sự thật về công dụng, chất lượng từ một đơn vị, tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền lợi gì không?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Đây là hành vi xâm phạm trực tiếp hoạt động quản lý Nhà nước, vì vậy chỉ có quy định xử phạt vi phạm hành chính và buộc cơ sở chấm dứt hành vi vi phạm. Chính vì thế, rất khó xem xét, giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng ở đây.

Về quyền lợi người tiêu dùng: Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 về Quyền của người tiêu dùng: 

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối.

PV: Theo luật sư, đối với những sự vụ như vậy thì các cơ quan chức năng nào cần vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng.

 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Đối với vụ việc như thế này, đương nhiên thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý về văn hóa, thông tin và cần thiết cơ quan điều tra có thể vào cuộc để xác minh có dấu hiệu phạm tội hay không.

Tuy nhiên, chính người tiêu dùng cũng cần tích luỹ cho mình những kiến thức cơ bản về sức khoẻ, y tế,… Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng chưa tìm hiểu rõ nguồn gốc một sản phẩm đã vội vàng tin dùng vì những quảng cáo mà bỏ qua các khuyến cáo. Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu về thành phần nguyên liệu trong từng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng được phép lưu hành của Nhà nước, Bộ Y Tế cho phép để tránh những rủi ro.

Xin cảm ơn Luật sư!

Đón đọc kỳ tiếp theo: Chuyên gia truyền thông tiết lộ những thông tin bất ngờ