Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Tầm nhìn xa chiến lược
Cập nhật lúc: 22/12/2018, 14:14
Cập nhật lúc: 22/12/2018, 14:14
Chiến thắng vang dội này đã buộc đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, buộc chúng phải ngồi ký vào Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút quân về nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Để có được chiến thắng này phải nhắc tới tầm nhìn chiến lược của Bác để chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ nhất trong cuộc chiến đấu lịch sử…
Tiên đoán tài tình
Trước khi Mỹ mở chiến dịch Linebacker II tấn công ra miền Bắc năm 1972, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ta lúc đó đã sớm dự đoán được âm mưu này của địch nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp cả trên chiến trường và “mặt trận” ngoại giao đang diễn ra ở Paris để rồi cuối cùng toàn thắng đã thuộc về ta. Năm 1947, trong lời giới thiệu 13 chương Binh pháp Tôn Tử, Bác Hồ nhấn mạnh: “Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc”. Từ năm 1962, khi đồng chí Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh phòng không, Bác đã hỏi: “Chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Nói xong Bác cười độ lượng: “Nói thế thôi chứ có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ bây giờ, là Tư lệnh bộ đội phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm tới loại máy bay B-52 này”.
Sau khi quân đội ta có Trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2 đầu tiên, trong sự quan tâm, ưu ái dành chung cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - không quân, Bác đã đặc biệt quan tâm đến đơn vị này. Bởi đây là loại vũ khí duy nhất ta có trong tay có thể trừng trị được B-52. Bác đã gọi đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng lên báo cáo về tình hình huấn luyện, đời sống của đoàn. Và ngày 19-7-1965, trước 5 ngày khi tên lửa của ta ra quân đánh thắng trận đầu ở Hà Tây, Bác đã đến thăm Quân chủng và cho những lời chỉ dạy vô cùng quý báu: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay B gì đi nữa, chúng ta cũng đánh, mà đánh là nhất định thắng…”. Lời dạy của Bác ngày ấy cũng vào thời điểm đúng sau một tháng khi lần đầu tiên đế quốc Mỹ cho 30 chiếc máy bay B-52 từ đảo Guam vượt chặng đường dài gần 9.000km mở cuộc đánh phá vào khu Bến Cát ở miền Nam.
Trong hồi ký của mình, đồng chí Phùng Thế Tài đã viết: Theo tôi với lời dạy lịch sử đó, chính Bác Hồ là người đã đặt nền móng, đã chuẩn bị tư tưởng cho chúng ta đánh thắng B-52 ngay từ những chiếc B-52 đầu tiên đến Việt Nam. Ngày 12-4-1966, B-52 lần đầu tiên ra đánh một điểm ở miền Bắc là đèo Mụ Giạ. Sau đó thường xuyên ném bom khu vực Vĩnh Linh. Trước tình hình đó, theo chỉ thị của Bác, Quân chủng Phòng không - không quân cho một đơn vị tên lửa vào chiến đấu ở phía nam Quân khu 4. Sau trận thắng đầu tiên bắn rơi 2 máy bay B-52 của Tiểu đoàn 84 ngày 17-9-1967, Bác cho gọi tôi lên báo cáo thêm tình hình. Bác vui mừng với chiến công đầu tiên diệt được B-52 của tên lửa phòng không ta, nhưng ngay sau đó nét mặt Bác trở nên trầm ngâm: “Sớm muộn gì rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống mà suy nghĩ, mà chuẩn bị”. Cuối cùng Bác nhấn mạnh thêm: “Chú nhớ là khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi chịu thua trên bầu trời Hà Nội…”. Đây là những lời tiên tri, lời dạy của Bác cách trận “Điện Biên Phủ trên không” khá xa.
Xúc động hơn nữa, Tết Kỷ Dậu năm 1969 - Tết cuối cùng của Bác khi Bác đã rất yếu và mặc dù ngày đó Giôn-xơn đã ngừng ném bom miền Bắc, Bác vẫn tới thăm và chúc Tết Quân chủng Phòng không - không quân. Trong không khí hòa bình, Bác vẫn nghĩ tới những điều tiên tri của mình về những trận chiến đấu ác liệt trong tương lai.
Dù sức khỏe yếu, Bác vẫn đứng lâu tươi cười nhìn đàn con cháu của mình: “Buổi họp mặt hôm nay có mấy đồng chí là Anh hùng Quân đội?”, Bác hỏi. “Thưa Bác, có năm đồng chí ạ!”, đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng báo cáo với Bác. Bác gật đầu rồi hỏi: “Đồng chí nào hạ nhiều máy bay Mỹ nhất?”. “Thưa Bác đồng chí Nguyễn Văn Cốc, đồng chí bắn rơi 9 chiếc”, đồng chí Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo với Bác. Bác liền gọi: “Chú Cốc lên đây” và Bác cười rất vui: “Năm nay Bác mong có nhiều Cốc hơn nữa”. Đồng chí Nguyễn Văn Cốc náo nức bước lên đứng bên cạnh Bác. Bác thân thiết ôm hôn Cốc giữa tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt, rồi Bác quay xuống hàng quân bảo đồng chí Đặng Tính cử một y tá, một bác sĩ, một chiến sĩ nuôi quân lên để bắt tay.
Những tràng pháo tay lại nổi lên dồn dập, Bác giới thiệu Thượng tướng Văn Tiến Dũng lên phát biểu, sau đó Bác đứng dậy tươi cười căn dặn: “Hiện nay, giặc Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc. Nhưng các cô, các chú phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao. Không tin được giặc Mỹ đâu. Chúng xảo quyệt lắm. Phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao để nó giở quẻ là mình dập lại được ngay”. Đến lúc ra về, một lần nữa, Bác lại nắm tay Nguyễn Văn Cốc giơ lên nói: “Chúc các cô, các chú năm nay lập nhiều chiến công mới, có nhiều Cốc mới hơn nữa”.
Trong 12 ngày đêm từ 18 đến 30-12-1972, quân và dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay các loại của quân đội Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52. Riêng quân và dân Thủ đô bắn rơi 23 chiếc, làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: TTXVN
Thăng Long bất khuất và kiên cường
Từ những lời tiên tri, lời dạy đó của Bác mà ngày 16-4-1972, khi Nixon bất ngờ đánh phá miền Bắc, quân và dân ta đã chủ động đánh trả quyết liệt, bắn tan xác ngay 12 máy bay Mỹ. Và đến 12 ngày đêm tháng chạp khi lời tiên tri của Bác thành sự thật thì bầu trời Hà Nội đã thật sự trở thành một biển lửa dữ dội chưa từng có, thiêu cháy hàng đàn “pháo đài bay” B-52 của giặc Mỹ, làm cho nhân dân nhiều nước trên thế giới từ lo sợ cho Việt Nam, lần này lại sửng sốt vô cùng cảm phục các con cháu của Bác Hồ. Họ sửng sốt vì không ngờ quân và dân miền Bắc ta lại chiến đấu có hiệu quả cao khi đế quốc Mỹ đã đưa cuộc chiến tranh phá hoại đến tột đỉnh về sức mạnh như vậy.
Hình ảnh “con bồ câu” của Nixon trong khi vận động tái tranh cử đã lộ nguyên hình “con diều hâu” hiếu chiến điên rồ sau khi vừa tái cử. Nixon và giới quân sự chóp bu Lầu Năm Góc đã quá ảo tưởng về sức mạnh của pháo đài bay B-52 “bất khả chiến bại”. Đây là một chiến dịch đã được chuẩn bị sẵn từ trước với cái tên “Linebacker II”. Nhưng có một điều mà ông ta và các chiến lược gia Hoa Kỳ chưa biết rõ. Đó là Thăng Long địa linh, Thăng Long bất khuất và kiên cường đã chôn vùi nhiều mộng tưởng ngoại xâm. Lưới lửa phòng không của chiến tranh nhân dân đã giăng kín trời Hà Nội và các nơi khác. Quân và dân ta đã sẵn sàng đối mặt với B-52 Mỹ. Một kế hoạch khả thi với những phương án độc đáo và sáng tạo đánh trả máy bay B-52 ném bom Hà Nội đã được Đảng và Bác Hồ chỉ đạo chuẩn bị chu đáo từ trước.
Để làm nên chiến tích kỳ diệu này, bộ đội Phòng không - không quân học từ chính lời dạy của Bác: “Muốn bắt cọp phải vào tận hang cọp”, khi Mỹ đưa B-52 ra đánh đèo Mụ Giạ. Ngày đó theo chỉ thị của Bác, Quân chủng đã đưa Trung đoàn tên lửa Hạ Long vào tuyến lửa Vĩnh Linh đánh B-52 để vừa “chia lửa với miền Nam” vừa tập dượt tìm ra cách đánh B-52 có hiệu quả.
Biết bao khó khăn, thử thách, ác liệt. Chỉ hành quân từ Hà Nội vào được đến Vĩnh Linh cũng mất 7 tháng trời. Đến đầu năm 1967, cả 4 tiểu đoàn đều bị địch đánh thiệt hại nặng phải kéo quân ra Bắc củng cố, nhận khí tài mới. Sau đó lại kéo quân vào tiếp tục chịu đựng mọi thử thách hy sinh để có được chiến công đầu bắn rơi 2 máy bay B-52 ngày 17-9-1967.
Cùng với bộ đội tên lửa, bộ đội không quân cũng bí mật bay từ Hà Nội vào “ém” mình ở các sân bay dã chiến miền Trung để thử sức mình với B-52. Đã có bao đêm phải cất cánh trong điều kiện nguy hiểm của các phi công: Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, Nguyễn Văn Quang… để đến đêm 21-9-1971, Vũ Đình Rạng mới có thời cơ tiêu diệt được B-52 Mỹ. Công sức và kinh nghiệm quý báu đó đã là yếu tố không nhỏ giúp cho các phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều lập công bắn rơi được B-52, đặc biệt là Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi tại chỗ “pháo đài bay” Mỹ trong tháng chạp năm 1972 này.
Cũng như vậy, từ kinh nghiệm đã rút ra được bằng cả xương máu của các chiến sĩ Đoàn tên lửa Hạ Long và các đoàn ra-đa, tên lửa tiếp tục vào tuyến lửa sau đó và với trí tuệ của cả một Quân chủng khoa học kỹ thuật đã là tiền đề để bộ đội ra-đa và tên lửa phòng không của ta “vạch nhiễu để tìm rõ kẻ thù”, phóng chính xác vào lũ pháo đài bay B-52 làm nên “Điện Biên Phủ trên không”. Tự hào và ôn lại những bài học về trận “Điện Biên Phủ trên không” này, chúng ta càng không quên được nó đã bắt nguồn trước hết từ tầm nhìn xa của Bác Hồ vô vàn kính yêu.
21:21, 21/12/2018
12:00, 21/12/2018
06:01, 20/12/2018
15:01, 17/12/2018
15:01, 25/11/2018
10:11, 28/08/2018