19/01/2025 | 13:30 GMT+7, Hà Nội

Chia sẻ của người khởi xướng về chương trình Sữa học đường

Cập nhật lúc: 05/11/2018, 22:14

Khi chủ đề Sữa học đường đang được thảo luận rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi nhận được những chia sẻ của bà Thái Hương - nhà sáng lập, kiến tạo thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK - người khởi xướng, đồng hành cùng Chương trình Sữa học đường Quốc gia. Chúng tôi xin đăng tải toàn văn những chia sẻ này tới quý độc giả.

“Sữa Học Đường”- chỉ ba từ thôi nhưng chứa đầy sức mạnh của một quốc gia và niềm hạnh phúc cho con trẻ, mà trong mỗi chúng ta đều mong muốn làm được gì tốt nhất cho chúng thì đều không nề hà. Tôi đã trăn trở rất nhiều khi quyết định viết những dòng tâm tư này, để mọi người cùng đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

1 - Cơ sở khoa học: Khoa học đã chứng minh lứa tuổi vàng của một đời người, nền tảng để nâng cao sức bật về thể chất - mà chủ yếu là chiều cao - 86% được phát triển trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học - từ 2 đến 12 tuổi (là lứa tuổi tiếp nối giai đoạn một ngàn ngày vàng đầu đời từ trong bụng mẹ 0 đến 2 tuổi).

2 - Cơ sở thực tiễn của sữa học đường nhìn ra thế giới: Đất nước Nhật Bản ngay sau khi kết thúc chiến tranh, đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng với tầm nhìn xa về nguồn lực cho đất nước, họ đã ban hành ngay Luật sữa học đường. Chỉ sau mấy chục năm đã không còn hình ảnh người Nhật thấp bé mà hay gọi là “Nhật lùn”, khi mà chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản hiện nay đã lên đến mức 171,5cm. Và rất nhiều nước trên thế giới đều có Chương trình Sữa học đường cho lứa tuổi vàng này. Gần gũi nhất với Việt Nam là Thái Lan có Chương trình Sữa học đường. Và khi vua Rama IX mất thì trẻ con đã tự tay vẽ bức chân dung của ông, để thể hiện sự tri ân khi ông đưa Chương trình Sữa học đường cho con trẻ và chọn sữa tươi trang trại để thực hiện chương trình này. Đứng trước thực trạng vấn nạn an toàn thực phẩm, đất nước chúng ta được xếp vào nhóm có tỷ lệ tăng trưởng ung thư cao nhất thế giới, và chiều cao từ năm 1993 đến nay chỉ tăng được 3cm, chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn.

Và những nước đã từng làm Chương trình Sữa học đường nói trên, nền tảng là toàn bộ làm từ sữa tươi. Có nước sử dụng sữa tươi bổ sung thêm vi chất, có nước không bổ sung thêm bất kỳ chất gì mà hoàn toàn chỉ từ sữa tươi. Và tôi muốn nói, không những sữa học đường, mà trên thế giới các nước tiên tiến sữa cho người tiêu dùng thì 97% là sữa tươi thanh trùng hoặc tiệt trùng, sữa bột chỉ dùng 3% để làm sữa công thức, chủ yếu cho trẻ nhũ nhi và người già.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sức khỏe cộng đồng, nhất là con trẻ của chúng ta cũng đã được Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, thể hiện là năm 2011 ban hành “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” (Đề án 641) và đến 2016 thì chính thức bằng Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng về Chương trình Sữa học đường quốc gia và Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định những tiêu chuẩn cơ bản cho ly sữa học đường. Tại sao chương trình đầy tính nhân văn như thế - chậm ngày nào là đánh mất quyền lợi của con trẻ ngày đó - mà khi các tỉnh và thành phố vừa có Quyết định dành vốn ngân sách để đưa vào hỗ trợ Chương trình Sữa học đường, thì xôn xao và sự hoài nghi xen lẫn lo lắng như vậy?

Tất cả đều có nguyên do và tôi cho là nằm vào hai luồng suy nghĩ:

- Thứ nhất là lo lắng về chất lượng sữa học đường và sự thấu hiểu chưa đầy đủ về ý nghĩa của Chương trình Sữa học đường đối với thể chất, tầm vóc của con trẻ;

- Luồng suy nghĩ thứ hai là sự minh bạch:

+ Minh bạch về các tiêu chí mô tả về chất lượng sản phẩm ly sữa học đường;

+ Minh bạch khi lựa chọn nhà cung cấp (đấu thầu hay là dựa vào tiêu chí để chỉ định là tùy thuộc vào từng địa phương; thực sự không phải là vấn đề, mà là tính minh bạch khi chọn nhà cung cấp có bảo đảm năng lực để cung cấp ly sữa học đường như đã quy định hay không) hay lại làm sân cho tổ nhóm trục lợi mà lại ngụy biện là lợi ích cho con trẻ từ đồng vốn ngân sách quý báu.

Cả hai luồng suy nghĩ này cần phải được thỏa mãn.

Chương trình Sữa học đường là cuộc cách mạng về dinh dưỡng học đường, mà đã là cách mạng thì khác với cái hiện tại đang có, do vậy, khi triển khai cần phải tuyên truyền và đạt được sự nhận thức đầy đủ của toàn xã hội. Đặc biệt, hai đối tượng cần phải hiểu sâu sắc nhất là phụ huynh và thầy cô giáo trực tiếp chăm sóc các em ở độ tuổi này.

Chương trình Sữa học đường cần hai nguồn lực chính:

- Nguồn lực về dòng sữa tươi: Đây là điểm mấu chốt của chương trình. Thành công hay không là ở điểm này;

Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, Việt Nam đã sản xuất được trên 960 triệu lít sữa tươi một năm (xấp xỉ 1 tỷ lít sữa) tính cả trang trại và nông dân. Nếu Chương trình Sữa học đường được triển khai trên toàn quốc, hơn 12 triệu trẻ em tham gia 100%, mỗi ngày 1 ly sữa 180 ml, 5 ngày trong tuần thì 9 tháng học (theo Đề án Sữa học đường) cũng chỉ cần trên dưới 400 triệu lít.

Như vậy, nguồn lực về sữa tươi là không thiếu, nhưng để tham gia vào Chương trình Sữa học đường, thì nông dân chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ cần phải được hướng dẫn về vấn đề an toàn thực phẩm như thức ăn, quy trình vắt sữa, quy trình thú y, và khi tham gia Chương trình Sữa học đường, thì ly sữa của các hộ nông dân sẽ trở thành một mắt xích (như một nhà thầu phụ) - đó là cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp (nhà cung cấp sữa học đường) - đó là các doanh nghiệp có năng lực về trang trại, năng lực về tổ chức, phân phối. Chính những nhà cung cấp này phải hướng dẫn cụ thể quy trình tiêu chuẩn chất lượng cho người nông dân để tránh thảm họa người nông dân phải đổ sữa cách đây vài năm: do khi cần quảng cáo thì các đơn vị kinh doanh sữa coi nông dân là nguồn lực sữa của mình, nhưng khi giá sữa bột giảm sâu thì lại bảo sữa của người nông dân bẩn (hãy xem một bài báo mang tựa đề “Tính minh bạch và tính hai mặt của chuyện nông dân đổ sữa” viết ngày 09/02/2015). Thực sự người nông dân cần làm chủ quy trình này, một mình không được thì họ sẽ cùng doanh nghiệp nhất tâm đi cùng họ để tiêu thụ và hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, quy trình tiêu chuẩn, như vậy không ai có thể o ép.

Để có một ly sữa tươi đúng nghĩa đầy đủ, cần bảo đảm các chỉ số đã được mô tả, nhưng quan trọng bậc nhất vẫn là quy trình sản xuất. Để dễ hiểu tôi sẽ mô tả thế nào là ly sữa tươi đúng quy chuẩn: cô bò này được ăn khẩu phần như thế nào để khi cho sữa bảo đảm được những vi chất tốt nhất, khi chăm sóc, thú y có quy trình ra sao, có tuân thủ quy trình để khi vắt sữa không tồn dư những kháng sinh mà quy định không được tồn dư không, mủ máu không lẫn lộn, vùng tiểu khí hậu không xâm nhập,...?

- Nguồn lực về tài chính: trong quá trình khởi động chương trình Sữa học đường Quốc gia, qua khảo sát, tôi thấy rằng 90% người mẹ đang bỏ tiền cho con mình uống sữa hàng ngày, 10% còn lại thì có 4 - 5% chỉ đáp ứng được một nửa, còn 5 - 6% là người mẹ hoàn toàn không đủ khả năng mua sữa cho con. Chính vì thế, chúng tôi đã đưa ra đề án về tài chính “bà mẹ xã hội”: gồm vốn ngân sách, các nhà hảo tâm, các bà mẹ có điều kiện,… để giúp cho 10% nói trên.

Nghệ An là một tỉnh nghèo đã làm được điều này rất tốt, thì tôi cho rằng các tỉnh khác cũng làm được điều này, khi chúng ta truyền tải đúng ý nghĩa Chương trình Sữa học đường và minh bạch rõ ràng thì “không có gì là không thể, nếu như điều mong muốn của chúng ta là chính đáng”.

Từ kinh nghiệm tại Nghệ An, tôi đã đưa ra các kết luận để tất cả các tỉnh cùng tham khảo:

- Thứ nhất là phải tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của sữa học đường: là tăng bật chiều cao và thể chất cho con trẻ trong lứa tuổi vàng (mẫu giáo và tiểu học - từ 2 đến 12 tuổi). Và tất cả trẻ em, nghèo hay cận nghèo đều được xã hội, đặc biệt là Đảng và Nhà nước quan tâm và thể hiện là đều được uống sữa như nhau. Đây là ý nghĩa chính của Chương trình Sữa học đường. Và một ý nghĩa nữa, khi con trẻ được thụ hưởng Chương trình Sữa học đường sau khi lớn lên sẽ thể hiện lòng biết ơn, tri ân đối với xã hội, đối với đất nước. Các em sẽ có tinh thần phụng sự cho đất nước một cách tự nguyện.

- Thứ hai là phải công khai minh bạch quy trình sản xuất ly sữa học đường, đặc biệt là xuất xứ nguyên liệu đầu vào là sữa tươi.

- Thứ ba là triển khai Chương trình Sữa học đường, nhất thiết phải thành lập Ban chỉ đạo Đề án Sữa học đường, có các thành viên chủ chốt như: Lãnh đạo tỉnh, thành; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ huynh… tham gia theo chức năng của mình. Ví dụ Sở Y tế có vai trò giám sát các tiêu chí về chất lượng ly sữa học đường đã được Bộ Y tế đưa ra, tổ chức tập huấn cho các giáo viên thực hiện chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đề án, bao gồm tuyên truyền đến phụ huynh và thầy cô giáo, chuẩn bị cơ sở vật chất để lưu trữ sữa; Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ huynh cùng trong ban giám sát triển khai và cùng tuyên truyền cho mọi đối tượng tham gia vào chương trình này.

- Cuối cùng, điều liên quan tới tất cả mọi thành phần trong đề án này: trên cương vị của mình tập trung làm một ly sữa học đường bằng cả trái tim và tấm lòng của người mẹ thì đề án mới thành công.

Ly sữa học đường làm từ sữa tươi có những lợi ích sau:

- Thứ nhất là bổ sung đầy đủ các axit amin, đặc biệt là axit amin thiết yếu cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ thể con trẻ ở độ tuổi vàng này để nâng cao thể chất, mà nhất là chiều cao của con trẻ được phát huy tối đa; và người mẹ sẽ hoàn toàn yên tâm tham gia vào chương trình mà không cần phải đắn đo.

- Thứ hai là giảm nhập siêu (hàng năm Việt Nam nhập khẩu đến hơn 1 tỷ USD sữa bột), khích lệ sản xuất, chăn nuôi bò sữa trong nước hiệu quả và bền vững trên đồng đất của mình, phát huy tối đa điều kiện thổ nhưỡng khí hậu trong nước. Đó là một cách phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Cuối cùng, tại sao tôi lại đề cập đến nó chỉ là sữa tươi nguyên chất, không phải là sữa bột pha lại? Thông tin thêm:

- Một ly sữa tươi theo khoa học đã chứng minh có hơn 18 axit amin, trong đó đầy đủ 9 axit amin thiết yếu cùng nhiều dưỡng chất quan trọng, bao gồm nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất.

- Một ly sữa bột cũng là từ sữa tươi, nhưng đã được sử dụng công nghệ sấy phun làm bay hơi nước giữ lại các chất khô trong sữa. Công nghệ dùng nhiệt bay hơi nước nên đương nhiên các vi chất không chịu được nhiệt như các vitamin, acid amin cũng bị biến chất hoặc phá hủy.

Loại sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột chỉ là để đánh vào lòng tin của người tiêu dùng rằng đó cũng là một dạng sữa tươi vì sữa tươi tốt hơn sữa bột. Chính vì thế, đã có sự nhập nhèm khái niệm mấy chục năm qua dưới tên gọi là “sữa tiệt trùng” trong khi tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ. Bộ Y tế đã từng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, phân biệt 4 nhóm sữa dạng lỏng là:

+ Sữa tươi (sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng),

+ Sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng.

+ Sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng.

+ Sữa cô đặc và sữa đặc có đường (sữa cô đặc, sữa đặc có đường, sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật, sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật).

Người tiêu dùng cần phải được thông tin kịp thời về tất cả những dạng sữa lỏng – đây là điều người tiêu dùng có quyền được biết. Không được ngụy biện là dùng sữa dạng lỏng (sữa bột pha lại) và bổ sung thêm một số vi chất để tăng chiều cao, vì những chất đó bản thân trong sữa tươi đã đủ, chỉ khi doanh nghiệp dùng sữa bột pha lại thì mới phải bổ sung thêm.

Tôi viết bức thư này là để nói lên sự trăn trở của một người mẹ đã thấu hiểu về một ly sữa như thế nào là tốt cho con, và khi tôi dẫn dắt Tập đoàn TH đi dưới thương hiệu TH true MILK, thương hiệu sữa tươi sạch và các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, luôn công khai đấu tranh minh bạch rõ ràng cho các quy chuẩn tiêu chuẩn cho các ly sữa và bằng một tâm thế: chúng tôi chấp nhận đấu tranh không phải để đứng lên bục vinh quang mà là để mang lại giá trị sống đích thực cho bản thân, gia đình và xã hội, mà ở đó sức khỏe đang bị hủy hoại hằng ngày hằng giờ do: lòng tham và sự vô cảm.

Trên đây là những chia sẻ, xem như là món quà cho con trẻ và những người mẹ đừng đánh mất đi quyền lợi của con mình mà hãy tham gia Chương trình Sữa học đường, nhưng khi người mẹ tận tay ký lên tờ đơn tham gia Chương trình Sữa học đường cũng phải hiểu đầy đủ, phải đấu tranh để đó là ly sữa học đường theo đúng quy chuẩn mà Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành qua Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng và 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Còn nếu chưa làm như vậy thì không gọi là Chương trình Sữa học đường mà là “chương trình thương mại bán sữa vào trường học”.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, kiến tạo thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK