23/11/2024 | 17:24 GMT+7, Hà Nội

Chỉ số kinh tế tiêu dùng Việt Nam: Điểm sáng sau mỗi đợt dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 25/03/2021, 06:00

Chính sự hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đã giúp cho thị trưởng bán lẻ Việt Nam trở thành "miền đất hứa" với cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Những con số lạc quan về chỉ số kinh tế tiêu dùng

Theo dự báo mới nhất của Fitch, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7.5% trong năm 2021 – con số gần gấp đôi năm 2020 là 2.91%. Euromonitor đưa ra con số dương 11% cho Việt Nam trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 6,2% – 9,6% của Indonesia, Thái Lan, Singapore và Phillippines.

Fitch Solutions cũng định lượng chi tiêu hộ gia đình Việt riêng năm 2021 sẽ tăng tới 9,69%, cao hơn hẳn so với các nước ASEAN khác như Thái Lan (3,9%), Malaysia (6,3%), Philippines (5,5%) và Singapore (3%). 

Chính sách phòng chống dịch hiệu quả đã giúp chỉ số kinh tế tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng lạc quan
Chính sách phòng chống dịch hiệu quả đã giúp chỉ số kinh tế tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng lạc quan

Trading Economics cũng dự báo doanh số ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ có mức tăng lên tới 11% trong năm 2021, vượt xa nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Việt Nam cũng là thị trường xếp thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong các năm trở lại đây.

Theo một báo cáo của Ipsos về hành vi của người tiêu dùng sau giãn cách xã hội, 55% người Việt vẫn tin rằng kinh tế nước nhà sẽ tốt lên trong giai đoạn 6 tháng. Con số này ở các nước khác trong khu vực (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) là 45%. Sự lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam thể hiện rõ rệt khi ngay từ quý 3/2020, nhu cầu mua sắm đã tăng trở lại.

Những con số trên cho thấy sự lạc quan đối với thị trường kinh tế tiêu dùng nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng. Điều này được lý giải do cả “cung” và “cầu” của thị trường này đã bị “nén” một thời gian dài do dịch bệnh. Cụ thể, các chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường bán lẻ đang ở 'giai đoạn 2' của hiệu ứng lò xo, chứng kiến sức bật mạnh mẽ của cả cung và cầu sau một thời gian dài chịu lực 'nén' lớn vì Covid-19 khi người tiêu dùng “giải nén” nhu cầu mua sắm sau các đợt giãn cách phòng chống dịch.

"Miền đất hứa" cho cả DN trong nước và quốc tế

Chính sách phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tăng trưởng kinh tế dương, thị trường bán lẻ giàu triển vọng và mạng lưới đối tác uy tín là bảo chứng cho quyết định đầu tư của các DN trong nước cũng như các DN nước ngoài muốn "tham gia" vào thị trường Việt Nam.

Cụ thể, nhờ vào lợi ích: tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ổn định, thị trường bán lẻ phát triển ổn định, các đối tác cho thuê mặt bằng uy tín, chất lượng, Việt Nam trở thành một "miền đất hứa" cho những nhà đầu tư vào thị trường bán lẻ nói chung. Đặc biệt sau dịch Covid-19, Việt Nam càng chứng tỏ sức hút, khi có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả cùng các chính sách kích cầu kinh tế nhanh chóng.

Các thương hiệu quốc tế tiếp tục mở rộng chi nhánh là minh chứng cho sức hút của thị trường bán lẻ VN

Nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ thu hút dòng chảy đầu tư của các thương hiệu quốc tế trong năm 2021, đặc biệt trong mảng bán lẻ nhờ sức bật mạnh mẽ sau những “dồn nén” của dịch bệnh.

Ở khía cạnh "cung", hàng loạt thương hiệu, doanh nghiệp đang tiếp tục lên kế hoạch mở rộng hệ thống, khai phá thị trường ở khu vực ngoại ô, tỉnh lẻ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ở khía cạnh “cầu”, sau khi bước vào thời kỳ “bình thường mới”, người dân đã điều chỉnh cân bằng nhu cầu và sức mua, không chỉ tập trung chi tiêu vào sản phẩm thiết yếu. Thu nhập khả dụng của người dân đang ổn định trở lại, kéo theo khả năng chi tiêu mạnh tay hơn của người tiêu dùng.

Trước đó, năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các “ông lớn” quốc tế khi thương hiệu thời trang đình đám Tây Ban Nha – Zara khai trương tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, việc trải nghiệm mua sắm các sản phẩm quốc tế trực tiếp tại cửa hàng có thể coi là “xa xỉ phẩm”, chỉ dành cho những người được ra nước ngoài. Tới nay, những lựa chọn mua sắm của người Việt đã trở nên phong phú hơn. Các thương hiệu được yêu thích trên toàn thế giới như Zara, H&M, Uniqlo, Decathlon... đều có thể dễ dàng được tìm thấy tại các trung tâm thương mại trong các thành phố lớn.

Không chỉ vậy, các “ông lớn” đã có mặt tại Việt Nam cũng liên tục mở rộng hệ thống, khai phá các thị trường mới như Haidilao, Uniqlo và Fila “tấn công” Thủ đô Hà Nội, hay MLB mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và Đà Nẵng. Phần lớn các thương hiệu này đều lựa chọn mở cửa hàng trong các chuỗi TTTM lớn với vị trí đẹp tại các quận sầm uất, trung tâm

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/chi-so-tieu-dung-viet-nam-diem-sang-sau-dot-dich-covid-19-20201231000001337.html