19/01/2025 | 06:03 GMT+7, Hà Nội

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 1,54%

Cập nhật lúc: 05/05/2020, 16:00

Theo Tổng cục Thống kê nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm đáng kể sau khi tăng cao trước đó là do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là mức thấp nhất của CPI tháng 4 trong

Theo Tổng cục Thống kê nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm đáng kể sau khi tăng cao trước đó là do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là mức thấp nhất của CPI tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh trong tháng 4/2020. Ảnh TL.

CPI tháng 4/2020 giảm 1,54%

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 đã giảm 1,54% so với tháng 3, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 4 giảm do nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 làm giá xăng dầu giảm mạnh.

Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất, với 13,86%, do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/3/2020 và thời điểm 13/4/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 28,48% tác động làm CPI chung giảm 1,18%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,33%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,4%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,17%; nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác giảm 0,13%.

Ngoài các nhóm hàng giảm giá này, vẫn còn có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2020, Báo cáo của Ban chỉ đạo điều hành giá cho thấy, những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước quý I và đầu quý II cho thấy mặc dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất (CPI sẽ tăng hơn mức 4%) vẫn có thể xảy ra. Lợi thế hiện nay là giá xăng dầu đang được điều hành giảm mạnh; giá gas trong nước cũng giảm khá sâu theo giá thế giới. Giá điện được miễn giảm cho một số đối tượng trong 3 tháng (4, 5, 6) theo công văn của Bộ Công Thương.

Trong thời gian tới, cần phải tiếp tục quyết liệt trong việc điều hành với các giải pháp mạnh để bảo đảm đủ nguồn cung trên cơ sở đó điều hành giảm giá thịt heo xuống mức 60.000 đồng/kg, đồng thời có giải pháp quản lý phù hợp để giữ bình ổn giá gạo trong nước không để tăng đột biến.

Như vậy, các giải pháp kiềm chế CPI đã bắt đầu có hiệu quả trong tháng 4, tạo cơ hội thực hiện mục tiêu CPI trong các tháng tới. Theo đó, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 2 mức dự báo CPI với mức cao là 4,0 - 4,3%, mức thấp là 3,3 - 3,7%.