Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay còn cao, ngân hàng nên giảm tiếp lãi vay?
Cập nhật lúc: 29/06/2021, 06:45
Cập nhật lúc: 29/06/2021, 06:45
Thời gian gần đây, lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,02-0,03% đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng.
Diễn biến tăng lãi suất huy động VND chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hoá nhỏ (quy mô dưới 5.000 tỷ đồng), với mức tăng 0,06% ở cả 2 loại kỳ hạn.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng vốn hoá lớn có quy mô trên 5.000 tỷ đồng vẫn gần như không thay đổi, khi tăng 0,01% với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005% với kỳ hạn 6 tháng.
Tuy nhiên lãi suất huy động đi lên được nhìn nhận là diễn biến mang tính cục bộ, chủ yếu xuất hiện tại một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Thực tế ở nhóm các ngân hàng thương mại có gốc quốc doanh, thống kê của BVSC cho thấy, lãi suất tiếp tục duy trì mức lãi suất huy động của tháng trước đó.
Trong khi đó lãi suất cho vay - yếu tố đầu ra lại đang ở ngưỡng cao.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn đang khá cao so với thị trường các nước trong khu vực, dao động 7-8%.
"Con số này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường. Bởi Trung Quốc, Thái Lan là những nước có lãi suất thấp hơn, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tốt hơn", ông Tú Anh nhận định và cho rằng giảm lãi suất là một nhu cầu cần thiết hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ khách vay trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sau chỉ đạo của NHNN, chỉ một số ít ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay.
Chẳng hạn, Vietcombank công bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh từ ngày 1-6 đến 31-8.
BIDV công bố giảm 1%/năm so với cùng kỳ năm 2020 đối với lãi suất cho vay của gói vay vốn trung dài hạn mới 2021 với quy mô 50.000 tỉ đồng.
HDBank cũng giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp nhất chỉ có 3%/năm dành cho các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, hạn mức lên đến 3 tỉ đồng và ân hạn vốn gốc 6 tháng…
Thực tế, thời gian qua, một số ngân hàng tung ra gói tín dụng ưu đãi nhưng để tiếp cận là không dễ. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người dân phải vay với lãi suất cao.
Dù nhiều ngân hàng công bố lãi khủng, lên tới 7.000 - 8.000 tỷ đồng trong quý 1/2021, và các chuyên gia khẳng định vẫn còn nhiều dư địa cho việc giảm lãi suất cho vay, nhưng các ngân hàng lại cho rằng chỉ có thể giảm lãi suất cho vay sau khi giảm lãi suất huy động.
Tuy nhiên, với việc lạm phát có xu hướng tăng, ngân hàng khó có thể giảm lãi suất huy động nên khó giảm lãi suất cho vay.
Theo thống kê của Công ty CP chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã giảm khoảng 2-2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm từ 1-1,5%. Do vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay.
Nguồn: https://congluan.vn/chenh-lech-giua-lai-suat-huy-dong-va-cho-vay-con-cao-ngan-hang-nen-giam-tiep-lai-vay-post141169.html
13:42, 10/06/2021
06:29, 08/06/2021
16:25, 31/05/2021