23/11/2024 | 05:15 GMT+7, Hà Nội

Chậm, hủy chuyến bay tăng bất thường, Cục Hàng không nói gì?

Cập nhật lúc: 08/08/2015, 22:00

Tình trạng các chuyến bay liên tục chậm, hủy chuyến đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Điều này khiến nhiều khách đi máy bay đã tỏ thái độ bức xúc.

Búc xúc vì bị chậm chuyến

Ngày 13/7, anh Lê Văn Kiên (ở Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đi chuyến bay BL800 của hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines từ TP.HCM về Hà Nội.

Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 15h10, tuy nhiên, lúc 11h30 anh Kiên nhận được tin nhắn xin lỗi từ hãng do máy bay về chậm vì lỗi kỹ thuật, chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 18h35.

Không muốn lỡ kế hoạch công việc, anh Kiên đã gọi điện cho tổng đài của Jetstar yêu cầu bồi hoàn lại tiền vé theo quy định để mua vé của hãng bay khác về Hà Nội.

Thế nhưng phải nhiều lần gọi điện bằng các số điện thoại khác nhau anh Kiên mới liên hệ được nhân viên tổng đài và yêu cầu được hãng chấp nhận bồi hoàn lại tiền vé theo quy định.

Điều đáng nói, sự việc xảy ra từ 13/7, nhưng mãi đến ngày 25/7 sau nhiều lần gọi điện cho hãng anh Kiên mới nhận được thông báo đã hoàn lại tiền vé cho khách vào ngày 25/7.

Về vấn đề này, đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines xác nhận với PV đúng là có việc chuyến bay BL800 hôm 13/7 do lỗi kỹ thuật đã chậm hơn 3h đồng đồng hồ. Sự việc đã được hãng thông báo và cáo lỗi với hành khách.

Về việc hành khách Lê Văn Kiên yêu cầu được bồi hoàn lại tiền vé theo quy định, nhưng phải điện thoại nhiều lần mới liên hệ được với tổng đài, đại diện Jetstar cho biết, có thể do tổng đài có nhiều cuộc gọi liên tiếp nên nhân viên chưa kịp nghe.

Đại diện Jetstar cũng thừa nhận, việc xử lý bồi hoàn tiền vé có chậm và hãng sẽ lưu ý, quán triệt việc này. Tuy nhiên, do hành khách không có mặt ở sân bay nên theo quy định khách mua vé theo hình thức nào thì hoàn vé theo hình thức đó.

Đứng đầu về tỉ lệ chậm chuyến là Vietjet Air với 24,2%.

Chậm hủy chuyến tăng vọt

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tháng 7 vừa qua, tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không đột nhiên tăng vọt.

Theo thống kê, tháng 7/2015, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 17.856 chuyến bay với 3.817 chuyến bay bị chậm, chiếm 21,4%, tăng đột biến so với 6 tháng đầu năm 2015.

Đứng đầu về tỉ lệ chậm chuyến là Vietjet Air với 24,2%, tiếp đến là Vietnam Airlines với 21,5%. Jetstar Pacific đứng cuối bảng là 19,9%. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm chuyến chiếm 25,8%, khách quan chiếm 4,4%, tàu bay về muộn chiếm 69,8%.

Trả lời về nguyên nhân chậm chuyến, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đây là mùa cao điểm trong năm, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao; các hãng hàng không tăng chuyến bay khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Do đó, đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại các đường lăn, sân đỗ, đường cất hạ cánh; chuyến bay phải xếp hàng để chờ cất, hạ cánh, gây chậm dây chuyền cho các chuyến bay khác.

Đồng thời, trong tháng 7, Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất phải sửa chữa đường băng do sét đánh từ ngày 16/7 đến ngày 19/7 và do thời tiết bất thường với nhiều trận mưa lớn ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực phía Nam cũng là một nguyên nhân khiến số lượng các chuyến bay bị chậm tăng vọt trong tháng 7.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho hay, một nguyên nhân khác là tàu bay chậm khai thác do phát hiện ra hỏng hóc kỹ thuật trước chuyến bay.

Giải pháp để giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đối với hãng hàng không cần điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, huỷ chuyến.

Rà soát, chấn chỉnh các quy trình chuẩn bị và thực hiện chuyến bay, đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn hàng không; Tổ chức đánh giá năng lực hạ tầng, trang thiết bị và phục vụ mặt đất tại toàn bộ hệ thống cảng hàng không, sân bay để điều chỉnh lịch bay phù hợp.

Đối với Tổng công ty Quản lý bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu nâng cao năng lực điều hành quản lý bay, đặc biệt trong các thời điểm thời tiết xấu, mở rộng vòng chờ và giảm phân cách giữa các tàu bay…

Đồng thời, nhiều giải pháp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam triển khai nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến./.