24/11/2024 | 11:20 GMT+7, Hà Nội

CEO Grab Việt Nam: 'Covid-19 là bài kiểm tra cho doanh nghiệp'

Cập nhật lúc: 28/04/2020, 11:27

CEO Grab Việt Nam ví Covid-19 như một kiểm nghiệm để Grab tận dụng ưu thế công nghệ của mình và khẳng định sứ mệnh "Grab vì cộng đồng" đã cam kết tại Việt Nam.

Những ngày này, ngôi nhà của bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam không khi nào vắng đi âm thanh, giọng nói. Có lúc, gia đình bốn người của nữ CEO mỗi người một thiết bị để "online".

"Trong khi bố mẹ họp hành, hai con của tôi cũng tập trung cho các lớp học", nữ CEO kể.

Bà Hải Vân chia sẻ, cũng như bao doanh nghiệp khác, duy trì toàn bộ bộ máy nhân sự từ xa, không thể gặp mặt trực tiếp là điều Grab chưa bao giờ phải trải qua. Đó là chưa kể công ty còn phải vận hành cả những đội ngũ hoạt động 24/7 để đảm bảo trải nghiệm liền mạch cho khách hàng ở các dịch vụ vận chuyển, giao thức ăn...

70 tỷ đồng hỗ trợ đối tác và cộng đồng

Dịch Covid-19 đặt Việt Nam trước nhiều biến đổi về kinh tế - xã hội. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu di chuyển tại các thành phố giảm mạnh, ảnh hưởng đến cơ hội thu nhập của các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng của Grab.

Theo bà Hải Vân, bối cảnh đó đã thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình hơn nữa. Với sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng tại Việt Nam, Grab đã dành ra khoản ngân sách lên đến 70 tỷ đồng nhằm chung tay cùng Chính phủ, cộng đồng và hỗ trợ các đối tác vượt qua những khó khăn mùa dịch.

Các đối tác tài xế Grab là đối tượng ưu tiên đầu tiên được Grab hỗ trợ về mặt tài chính. Trong trường hợp các đối tác bị cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng, Grab sẽ hỗ trợ mỗi đối tác tài xế 100.000 đồng một ngày trong suốt 14 ngày cách ly, để đảm bảo họ vẫn có chi phí để trang trải trong thời gian không thể hoạt động.

Ngoài ra, Grab triển khai chương trình "Cùng Grab chung tay - Vững vàng vượt khó", trao gần 80 tấn gạo vào 8.000 thùng mì ăn liền đã đến tay các tài xế Grab có hoàn cảnh khó khăn và hoạt động tích cực trên nền tảng tại một số tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Một phần trong ngân sách 70 tỷ đồng cũng dành cho khoảng 500 đối tác là hàng quán quy mô vừa và nhỏ và một số chuỗi thức ăn nhanh (QSR) tại Hà Nội, TPHCM. Thông qua việc thực hiện quảng cáo, khuyến mãi, tăng nhận diện truyền thông để thu hút thêm khách hàng, từ đó tăng doanh thu cho nhà hàng. Riêng với các đối tác đối tác đủ điều kiện, Grab cũng sẽ hỗ trợ một phần chi phí thuê mặt bằng, giúp họ duy trì hoạt động.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng trích từ ngân sách để hỗ trợ cộng đồng. 2 tỷ đồng đã được đóng góp vào Quỹ phòng chống Covid-19 cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM. Với các tình nguyện viên đang tham gia phục vụ cách ly tại Đại học Quốc gia TP HCM, "ông lớn" hỗ trợ chi phí đi lại và các suất ăn.

Công nghệ mở ra cơ hội mới

Covid-19 cũng mở ra cho doanh nghiệp nhiều cánh cửa mới. Khi người tiêu dùng dần thích nghi với các biện pháp hạn chế di chuyển và cách ly xã hội, bà Hải Vân cho biết đã có xu hướng gia tăng nhanh những nhu cầu giao thức ăn, giao hàng và nhu yếu phẩm hằng ngày. Bên cạnh đó, các hoạt động của người dùng cũng chuyển dịch từ offline sang online.

GrabMart và GrabAssistant được thiết kế để phục vụ kịp thời nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mọi người, chứ không phải đơn thuần để đối phó với dịch bệnh, CEO Grab Việt Nam nói.

"GrabMart và GrabAssistant được thiết kế để phục vụ kịp thời nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mọi người, chứ không phải đơn thuần để đối phó với dịch bệnh", CEO Grab Việt Nam nói.

Tận dụng ưu thế công nghệ của mình, Grab đã khởi chạy hai dịch vụ mới là GrabMart và GrabAssistant để kịp thời đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Dịch vụ GrabMart cho phép người dùng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi... từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Trong khi đó, GrabAssistant là dịch vụ mua hộ hàng hóa, cho phép người dùng đặt mua một số sản phẩm, vật dụng tại các cửa hàng không liên kết với GrabMart thông qua giải pháp giao nhận của Grab.

Trong quá trình triển khai, bà Hải Vân và đội ngũ Grab không ngừng đặt ra các câu hỏi để nâng cao trải nghiệm của người dùng với hai dịch vụ mới. Thứ nhất, sản phẩm vẫn phải tươi ngon như chính tay người dùng chọn, trong quá trình vận chuyển phải được bảo quản cẩn thận, để sản phẩm đến tay người dùng như vừa lấy ra từ cửa hàng. Bên cạnh đó, lợi thế của Grab về mạng lưới đối tác tài xế rộng lớn cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, rút ngắn thời gian giao hàng để chỉ trong vòng một tiếng khách hàng ngồi ở nhà thì chuyến shopping đã được hoàn thành.

"Chúng tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng sáng tạo, đổi mới để thích ứng với mọi hoàn cảnh, đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dùng", Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam khẳng định.