18/01/2025 | 17:21 GMT+7, Hà Nội

CBRE: Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ dẫn đầu giai đoạn phục hồi

Cập nhật lúc: 07/09/2020, 06:01

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu "cú đấm" nặng nề từ đại dịch Covid-19, song, giới chuyên gia dự báo, phân khúc này sẽ dẫn đầu giai đoạn phục hồi với tốc độ nhanh và sớm nhất.


Mặc dù tình trạng giãn cách xã hội cùng với những hạn chế trong việc đi lại đã được nới lỏng tại hầu hết các khu vực nhưng mức độ hồi phục của các hoạt động kinh tế và thị trường bất động sản nhìn chung không đồng đều tại các nước và vùng lãnh thổ.

Trong đó, Việt Nam, New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan đang dẫn đầu về chỉ số đo lường mức độ phục hồi của các nước do CBRE đánh giá dựa trên hoạt động kinh tế, vận tải, hoạt động mua sắm, giải trí, du lịch, làm việc.

Bất động sản Việt Nam nằm trong top phục hồi của châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam dự báo: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm nay cho đến hết năm 2021. Trong khủng hoảng kinh tế lần này, lãi suất sẽ được giữ ở mức thấp nhất. Điều này nhằm giúp kích cầu cho thị trường bất động sản thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh chênh lệch giữa tỷ suất đầu tư vào bất động sản và trái phiếu chính phủ ngày càng lớn. Các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm vào bất động sản thương mại và các cơ hội đầu tư khác như tài sản có doanh thu ổn định”.

Tuy nhiên, chuyên gia CBRE cho rằng, tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản thương mại sẽ chậm hơn nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, bà Đặng Phương Hằng khẳng định, phân khúc được kỳ vọng sẽ dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình hồi phục là du lịch nghỉ dưỡng. Tại một số khu vực châu Á - Thái Bình Dương với quy mô thị trường khách nội địa lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường khách sạn đã từng bước ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực trong vài tháng trở lại đây, chủ yếu nhờ vào sự lên ngôi của xu hướng bình thường mới "staycation". Tuy nhiên, chỉ đến khi nhóm khách du lịch theo mục đích công tác hoặc khách đoàn hoạt động sôi nổi trở lại thì thị trường khách sạn mới có thể phục hồi hoàn toàn.

CBRE cũng dự báo, du lịch theo hình thức doanh nghiệp và du lịch đại trà (mass tourism) có thể sẽ tiếp tục sôi động trở lại trong năm 2021. Ngoài ra, một số nhà đầu tư trên thị trường cũng đang tìm kiếm cơ hội chuyển đổi khách sạn thành các mô hình chia sẻ không gian sống chung "co-living" nhằm tối ưu hóa hoạt động và lợi nhuận cho thuê. 

Cùng với đó, bà Hằng cho hay, sự khởi sắc trở lại của thị trường sẽ nhờ vào diễn biến sôi động của phân khúc bất động sản công nghiệp và kho vận cũng như dấu hiệu phục hồi từ nhu cầu thuê văn phòng. Đáng chú ý, thị trường công nghiệp và kho vận toàn cầu sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn thị trường văn phòng, bán lẻ và khách sạn.

Triển vọng giá thuê bất động sản, kho vận.

Với phân khúc văn phòng, CBRE nhận thấy xu hướng khách thuê trả mặt bằng hoặc thu hẹp diện tích thuê, dẫn đến sự tỷ lệ trống tăng nhẹ, giá thuê dự kiến sẽ giảm từ 3 - 6% trong năm 2021. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chính sách vừa làm việc tại nhà và tại văn phòng xen kẽ các ngày trong tuần.

Một vài văn phòng cũng trang bị những biện pháp phòng chống dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội trong ngắn hạn như: đề biển báo, tạm thời đóng những khu vực sinh hoạt chung; giảm tải số lượng nhân viên trong văn phòng hoặc chuyển văn phòng ra khu vực ngoài trung tâm.

Nhu cầu thuê văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây và kỳ vọng số lượng yêu cầu thuê sẽ tăng mạnh trở lại vào quý IV/2020.

Triển vọng giá thuê bán lẻ.

Đối với thương mại bán lẻ, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, người tiêu dùng có thể không đến các cửa hàng nhiều như trước đây nhưng lại chi mạnh tay hơn cho những lần đến. Và họ cũng rất ưa chuộng những trung tâm thương mại ngoài trời hơn trung tâm mua sắm đóng kín. Dịch vụ nhận hàng ngoài trung tâm sẽ trở thành xu hướng của nhiều nhà bán lẻ. Tại những khu vực khác, tuy các kênh bán hàng trực tuyến vẫn chiếm sóng nhưng mô hình cửa hàng truyền thống tạo trải nghiệm cho người tiêu dùng vẫn sẽ là xu hướng chính một khi đại dịch lắng xuống.