23/01/2025 | 01:17 GMT+7, Hà Nội

Cao su tăng giá sau 3 năm rớt giá

Cập nhật lúc: 07/03/2019, 15:00

Trong tháng 2/2019, giá xuất khẩu cao su đã đạt bình quân 1.271,3 USD/tấn. Đây là mức giá đã tăng và đem đến dự báo cho một năm với những hứa hẹn cho ngành cao su.

Nhựa cao su các loại đã tăng 1.200 đồng/kg trong thời gian gần đây (Ảnh TL)

Nhựa cao su các loại đã tăng 1.200 đồng/kg trong thời gian gần đây (Ảnh TL)

Tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước – nơi được coi là thủ phủ của cao sau Việt Nam trong thời gian này, giá thu mua cao su tại các đại lý từ đã đạt 3.200 đồng – 10.200 đồng/kg cao su các loại (tăng nhẹ 1.200 đồng/kg). Đây đang được coi là tín hiệu đáng mừng cho người trồng cao su sau 3 năm rớt giá vừa qua.

Hiện nay theo thống kê, Trung Quốc vẫn đang là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam. Trong tháng 2/2019, thị trường này đã tiêu thụ cao su Việt Nam với tổng trị giá là 131,63 triệu USD. Thị trường Trung Quốc chiếm 65,9% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, tăng mạnh so với mức tỷ trọng 54,9% của cùng kỳ năm 2018. Các thị trường khác cũng đang tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam đầu năm 2019 là  Hà Lan tăng 182,6%, Phần Lan 100%, Mexico 78,5%...

Xuất khẩu cao su Việt Nam đang được coi là gặp thuận lợi khi ngay từ đầu năm 2019, 3 quốc gia sản xuất cao su lớn tại khu vực ASEAN là Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm khoảng 70% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới) đã đưa ra kế hoạch giảm số lượng cao su xuất khẩu để đẩy giá tăng hơn. Theo đó, các nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 300.000 tấn cao su xuất khẩu trong năm 2019 này.

Để ngành cao su phát triển bền vững và tạo hướng đi ổn định lâu dài, ngành cao su đã được Chính phủ đưa vào hệ thống pháp lý từ cách đây nhiều năm. Chính phủ đã ban hành Quyết định 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020...

Trong năm 2017, Thủ tướng cũng đã ra Quyết định 419/QĐ-TTg về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng. Trong đó, cao su là 1 trong 4 nông sản được đưa vào thí điểm mô hình phát triển bền vững. 

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Việt Nam hiện đang là một trong những nước dẫn đầu về năng suất ở châu Á, là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan và Indonesia.

Ngoài xuất khẩu, tiêu thụ nội địa các sản phẩm của ngành cao su cũng ngày càng được mở rộng, với nhiều thành phần kinh tế tham gia, từ khâu sản xuất, trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động tham gia trong các khâu khác nhau của chuỗi cung và trên 260.000 hộ gia đình trực tiếp tham gia khâu sản xuất.