18/01/2025 | 15:52 GMT+7, Hà Nội

Cảnh đi làm lại sau nới lỏng giãn cách xã hội trên thế giới

Cập nhật lúc: 25/04/2020, 06:00

Dù dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng lệnh phong tỏa. Và khi các công ty hoạt động trở lại, các biện pháp y tế cũng được thực hiện chặt chẽ.

Nước Anh đang là nước có số ca nhiễm Covid-19 thuộc top đầu thế giới nhưng nước này cũng không phong tỏa các thành phố lớn quá lâu và hiện nay lệnh phong tỏa đang dần được nới lỏng. Cho đến nay, phần lớn các công ty có trụ sở tại Anh đã đi làm trở lại và sẽ phải thực hiện việc giãn cách về mặt vật lý, bao gồm việc yêu cầu nhân viên và khách hàng giữ khoảng cách với nhau tối thiểu là 2m. Cùng với đó, việc đeo khẩu trang ở các công sở cũng có thể trở thành quy định bắt buộc.

Một công ty ở Anh thực hiện giãn cách xã hội sau khi làm việc lại

Các hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng cũng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội giống như một số thành phố lớn trên thế giới đang làm. Cục vận tải London (TfL)cũng đã thử nghiệm việc lên xe bus thông qua cửa giữa nhằm bảo vệ các lái xe khỏi các bệnh truyền nhiễm.

Các công ty tại Thủ đô của nước Anh được yêu cầu sắp xếp cho các nhân viên  bắt đầu và kết thúc các ca làm việc vào những thời điểm khác nhau trong ngày hoặc xen kẽ những ngày làm việc tại nhà để tránh tạo áp lực lớn lên mạng lưới giao thông công cộng trong những giờ cao điểm.

Trong khi đó, các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và các nhà bán lẻ thiết yếu khác vẫn mở cửa trong thời gian phong tỏa đã đưa ra các biện pháp an toàn để có sự ngăn cách giữa người mua hàng và nhân viên. Họ đã lắp đặt tấm chắn nhựa tại các quầy thanh toán, hạn chế số lượng người vào mua hàng trong một thời điểm và đánh dấu giãn cách 2m để ngăn cách người mua hàng. 

Châu Âu tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội sau khi mở cửa

Ba chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh lớn tại Anh là Burger King, KFC và Pret a Manger cũng đã mở lại một số chi nhánh với số lượng giới hạn sau khi đã áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ cho nhân viên của các chuỗi cửa hàng này.

Trong khi đó, Hiệp hội Bia và Quán rượu Anh (BBPA) cũng cho biết, các quán rượu cần ít nhất 3 tuần thông báo trước để chuẩn bị mở cửa trở lại nhằm cho phép các nhà máy bia tăng cường sản xuất, gọi trở lại các nhân viên và làm sạch trang thiết bị.

Người dân đi siêu thị phải giữ khoảng cách

Còn tại nhà máy sản xuất ô tô Ford, công tác chuẩn bị đón công nhân đi làm trở lại trong tháng 5 này đang gấp rút hoàn thiện nhất.

Ford sẽ trang bị loại vòng tay cho nhân viên của mình. Vòng tay trên sẽ tự rung khi phát hiện có một thiết bị khác trong khoảng cách 2m trở lại, qua đó giúp các nhân viên Ford cách ly hiệu quả hơn. Hiện một đội ngũ tình nguyện viên của Ford tại Plymouth, Michigan đang gấp rút hoàn thiện trang bị này để đưa vào chế tạo số lượng lớn.

Nhân viên đi làm được kiểm tra thân nhiệt chặt chẽ

Máy quét thân nhiệt cũng sẽ được bố trí rải rác trong khuôn viên nhà máy Ford theo phát ngôn viên của hãng là Kelli Felker.

Ngoài ra, mỗi nhân viên Ford khi đến nhà máy đều sẽ được phát khẩu trang liên tục trong giờ làm, một số phân xưởng đặc biệt sẽ dùng mặt nạ bảo hộ. Bên cạnh việc lắp ráp ô tô trở lại, Ford cũng nhận sản xuất cả máy thở và mặt nạ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Chính quyền Đức đã cho phép các cửa hàng có diện tích dưới 800m2 được mở trở lại từ ngày 20/4. Trong khi đó, các nhà máy được khuyến cáo trở lại hoạt động bình thường.

Volwagen của Đức đã làm việc trở lại

Nhiều bang tại Đức đã ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tại Đan Mạch, các cửa hàng kinh doanh nhỏ cũng đã mở cửa từ ngày 20/4 nhưng phải thực hiện các quy định về vệ sinh và giãn cách xã hội. Pháp và Hà Lan cũng đã quyết định mở cửa trường học từ ngày 11/5.

Iran là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 tại khu vực Trung Đông với hơn 80.000 ca nhiễm, trong số đó có 5.031 người đã tử vong.

Các cửa hàng ở Thủ đô Tehran đã mở cửa trở lại

Tuy nhiên, bắt đầu từ sáng 19/4, đường phố tại thủ đô Tehran đã đông đúc hơn với nhiều cửa hàng mở cửa trở lại. Theo tuyên bố của chính quyền Tehran, hầu hết các doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại, ngoại trừ trung tâm mua sắm, nhà hát, phòng tập thể dục thể thao và trường học.

Iran khẳng định, nếu tiếp tục kéo dài thời gian ngừng hoạt động kinh tế sẽ khiến hơn 4 triệu người dân mất việc, ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia.