Cảnh báo tình trạng lao động chui từ Thanh Hóa sang Trung Quốc: Cuộc sống chui lủi, trốn tránh và những cảnh ngộ đau lòng
Cập nhật lúc: 19/03/2019, 23:00
Cập nhật lúc: 19/03/2019, 23:00
Công an huyện Hà Trung lấy lời khai đối tượng đưa lao động trái phép sang Trung Quốc.
Cuộc sống bất hợp pháp
Nỗi ám ảnh lớn nhất của lao động Việt nói chung và lao động Thanh Hóa tại Trung Quốc nói riêng chính là cảnh sát của nước sở tại. Cũng dễ hiểu, vì họ đến lao động bằng con đường vượt biên trái phép. Do vậy, sự lưu trú ở đây là bất hợp pháp, công việc cũng không được pháp luật nước sở tại bảo hộ và thừa nhận.
Trường hợp Nguyễn Văn Cường (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết: Sau khi bỏ ra 4 triệu đồng để đưa cho “cò” dẫn đường sang Trung Quốc làm việc tại một cơ sở làm đồ điện tử tư nhân, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tưởng rằng, lương họ sẽ trả sòng phẳng cho mình, ai dè họ giữ lại 3 tháng lương đầu với lý do đề phòng mình bỏ trốn. Tháng thứ 4 họ mới trả với số tiền trừ các khoản được 12 triệu đồng tiền Việt Nam. Cứ ngỡ công việc trót lọt, ai ngờ cơ sở bất ngờ bị công an Trung Quốc ập đến truy quét, Cường và một số anh em nhanh chân chạy thoát được. Ít ngày sau quay lại hỏi nốt số tiền lương 3 tháng đầu liền bị chủ cơ sở gọi điện báo công an đến bắt.
Kết quả, Cường và một vài lao động bị ném lên xe đưa về nơi tạm giam ở Đông Hưng (Trung Quốc). Sáu tháng giam giữ với nhiều trận đòn oan vì bị chủ cơ sở tố là đối tượng tống tiền, tháng 11/2017, nhờ có người của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đến bảo lãnh, Cường mới được trở về Việt Nam.
Hay như trường hợp anh Đồng Văn Thanh (xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) vừa trở về từ Trung Quốc 2018 kể: “Năm 2014, theo chân nhiều người dân xã Hưng Lộc, anh đưa vợ và con gái xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Sau 3 năm bôn ba nơi đất khách quê người, anh phải đưa vợ con trở về bởi gặp phải nhiều rủi ro tại nước bạn. Anh Thanh nhớ lại kí ức kinh hoàng, đó là vào năm 2015, con gái anh đã bị một nhóm người bắt cóc và đòi một khoản tiền chuộc lớn. Vì thân phận cư trú trái phép, không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ nên gia đình anh buộc phải trả cho nhóm người trên 200 triệu đồng để đón con gái về. Sau biến cố đó, vợ chồng và con gái anh Thanh rời Trung Quốc về quê, từ bỏ hẳn ý định quay trở lại Trung Quốc làm lao động chui.
Những cái chết bỏ lại gia đình, vợ con
Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp và đã xuống cấp, bà Đồng Thị Hải, thôn Minh Hải, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc không giấu được nỗi chua xót, ngậm ngùi kể: “Tôi có đến 3 người con trai và cả 3 đều đã có gia đình. Do kinh tế quá khó khăn nên các con tôi chấp nhận bỏ quê để tìm kế mưu sinh. Và con trai cả là Nguyễn Văn Sĩ, sinh năm 1981, tìm kế mưu sinh ở nơi xa nhất bên tận Trung Quốc”.
Theo bà Hải, trước đây Sĩ làm ăn ở tỉnh Bình Dương nhưng trong lần về quê ăn Tết năm 2017, Sĩ nghe lời bạn bè rủ rê sang Trung Quốc làm nghề bốc vác thuê sẽ có thu nhập cao gấp 4-5 lần so với làm ở trong nước. Vì vậy, Sĩ đã bàn với vợ là Hoàng Thị Huế để sang Trung Quốc làm việc với hy vọng có tiền cải tạo, nâng cấp lại ngôi nhà đã xập xệ và xuống cấp.
Được vợ đồng ý, ăn Tết xong, Sĩ cùng mấy người trong làng cùng nhau sang Trung Quốc tìm việc. Khi sang Trung Quốc, Sĩ làm nghề gì, lương tháng được bao nhiêu, bà Hải cũng không biết, chỉ biết rằng vào khoảng tháng 9/2017, người ta báo cho bà rằng: “Con bà bị chết bên Trung Quốc!”.
Nhận được hung tin, bà như chết lặng, may nhờ bà con lối xóm, chính quyền địa phương cùng chung tay giúp đỡ, động viên, chia sẻ mới giúp bà phần nào vơi được nỗi đau. Tuy nhiên, từ khi con trai mất, gia cảnh đã khó lại càng khó gấp bội vì phải lo thêm một khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để nhờ người sang làm các thủ tục đưa hài cốt anh Sĩ về nước.
Tìm về xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, trong căn nhà nhỏ, bà Trúc ngồi ủ rũ nép mình một góc. Bà buồn tủi khi chúng tôi hỏi về trường hợp của con trai bà. Bà Trúc kể, sau Tết Nguyên đán, anh Ngô Văn Vệ - con trai bà - sau nhiều lần đi biển thua lỗ đã quyết định bỏ nghề vượt biên sang Trung Quốc. Thông tin từ người thân anh Ngô Văn Vệ cho biết, tháng 2 âm lịch, anh Vệ đã cùng vợ là chị Phạm Thị Vân vượt biên sang Trung Quốc đi lao động chui. Sau khi sang đến Trung Quốc, vợ chồng anh Vệ cùng một số lao động khác làm thuê cho một cơ sở sản xuất nhựa (trước đấy đã được môi giới liên hệ). Tuy nhiên, anh Vệ đã bị đột tử khi đang trên xe đến xưởng làm. Ngay sau đó lực lượng cảnh sát bên Trung Quốc đã ập đến bắt giữ chị Vân và một số lao động chui khác trên chuyến xe. Nhìn ba đứa cháu nội (con của anh Vệ) nô đùa ngoài sân, bà Trúc rầu rĩ: “Bố thì mất, mẹ bị bắt giữ nơi xứ người, các cháu còn quá nhỏ, tôi thì già rồi không biết mai sau tương lai của các cháu sẽ ra sao?!”.
Hay như trường hợp anh Bùi Đình Mạnh, xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa. Hiện anh Mạnh đang bị nhà chức trách phía Trung Quốc giam giữ với thời hạn 7 năm tù vì tội đánh nhau gây chết người.
Bố của Mạnh - ông Bùi Đình Kiều - cho biết: “Từ khi nó vào tù, vợ của nó đem con về quê ngoại ở huyện Vĩnh Lộc. Vừa rồi, nó xuống đây làm thủ tục chuyển hộ khẩu của 2 mẹ con nó về thẳng trên quê ngoại rồi. Con trai chịu cảnh tù tội, không biết sống chết ra sao. Con dâu, cháu nội cũng bỏ quê nội đi. Gia đình tan đàn, xẻ nghé”.
Đó là 3 trong nhiều trường hợp lao động chui sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp bị rủi ro mà người viết bài có dịp được chứng kiến. Tất cả các lao động này đều xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nên không được pháp luật Trung Quốc bảo hộ.
13:20, 06/03/2019
14:00, 01/03/2019
01:30, 26/02/2019