19/01/2025 | 10:26 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo những chiêu lừa “hack” tiền trong thẻ ATM

Cập nhật lúc: 27/04/2018, 07:20

Việc bị mất tiền trong thẻ dù chủ thẻ không có giao dịch xảy ra rất nhiều trong thời gian qua. Khách hàng hãy cẩn thận với những chiêu lừa siêu tinh vi của hacker.

Vụ việc gần đây, khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) bỗng nhiên bị rút 24 triệu đồng ngay trong đêm dù thẻ ATM đang nằm trong tay khiến nhiều chủ thẻ hoang mang, lo lắng.

Hình thức trộm tiền qua tài khoản không phải mới. Trước đây, đã có rất nhiều vụ việc chủ thẻ của các ngân hàng dính phải.

Theo báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2015(Global Risk), thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế Việt Nam là 8.700 tỉ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Vì thế, các ngân hàng hiện nay đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp ngăn chặn và phát hiện tội phạm công nghệ. Tuy nhiên, tội phạm ngày một tinh vi và người tiêu dùng trên hết phải tự bảo vệ mình, tránh xa những chiêu thức lấy thông tin sau.

Đăng nhập vào link ảo

Hành vi lừa đảo tinh vi nhất là kẻ gian sẽ tiếp xúc khách hàng qua các trang mạng xã hội và gửi một đường link khiến người dùng tò mò và click vào.

Sau đó, người dùng được yêu cầu nhập thông tin như tên truy cập, mật khẩu và mã số thẻ. Nếu như bạn đống ý là đã vô tình tiếp tay cho kẻ gian lấy thông tin của thẻ và thực hiện giao dịch.

Khi gặp bất cứ đường link web nào không đòi cung cấp thông tin cá nhân, người tiêu dùng không nên nhẹ dạ cả tin mà click vào và làm theo lời hướng dẫn. Tốt hơn hết không truy cập những đường link lạ, nhất là những đường link không có chữ "s" trong cụm "https" bởi đây là những web không an toàn.

Cẩn thận khi dùng thẻ quẹt

Trường hợp này hiếm nhưng không phải không có. Hiện nay, việc mua hàng quẹt thẻ đã rất thông dụng đối với người tiêu dùng bởi sự tiện lợi và nhanh chóng.

Tuy nhiên, khi bạn quẹt thẻ, cần theo dõi trong tầm mắt bởi một khi thẻ quẹt thì hiển nhiên thông tin khách hàng cũng sẽ được cung cấp.

Thậm chí tại các máy ATM, dù có camera nhưng nhiều kẻ gian vẫn có thể gắn những thiết bị sao chép dữ liệu của khách hàng.  

Sau đó, chúng sẽ dùng dữ liệu này để sao thành một chiếc thẻ khác và dùng mã pin ăn cắp được để rút trộm tiền.

Khi quẹt thẻ, bạn cần quan sát xem các thiết bị quẹt thẻ có thiết bị lạ nào hay không, nếu phát hiện nghi vấn phải dừng ngay việc quẹt thẻ lại.

Lưu mật khẩu trên máy

Rất nhiều người có thói quen lưu lại mật khẩu trên máy tính để có thể truy cập vào các trang web của ngân hàng nhanh chóng hơn.

Nhưng chính sự tiện lợi này là cơ hội cho kẻ gian đánh cắp thông tin một cách dễ dàng nếu bạn lơ là.

Máy tính, điện thoại trúng mã độc

Việc mã độc đánh cắp thông tin người dùng vẫn đang làm đau đầu các nhà an ninh mạng khi số lượng mã độc ăn cắp thông tin trên điện thoại thông minh đang bùng nổ.

Cách thức mà mã độc lấy thông tin người dùng là các hacker sẽ tạo một ứng dụng rất hấp dẫn để người dùng click vào. Dù người dùng không cung cấp thông tin thì mã độc này sẽ kích hoạt để âm thầm lấy cắp thông tin của người dùng và gửi ra ngoài.

Mã độc có thể thu thập rất nhiều thông tin khác nhau dạng tin nhắn, danh bạ, cuộc gọi, nguy hiểm hơn là mật khẩu, tài khoản ngân hàng.

Trong trường họp này, người dùng máy tính nên cài phần mềm diệt virus, phần mềm bảo vệ tài khoản, mật khẩu của mình tránh bị đánh cắp.