25/01/2025 | 11:25 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm từ triệu chứng đau đầu

Cập nhật lúc: 15/08/2019, 12:00

Bệnh đau đầu xuất phát do nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong số đó, một phần không nhỏ nguyên nhân của triệu chứng đau đầu xuất phát từ các bệnh nguy hiểm...

Bệnh đau đầu xuất phát do nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong số đó, một phần không nhỏ nguyên nhân của triệu chứng đau đầu xuất phát từ các bệnh nguy hiểm như tụ máu dưới màng cứng não, u não, xuất huyết màng não,… nhất là ở đối tượng người cao tuổi.

Những nguyên nhân gây đau đầu

Theo nghiên cứu, không phải cơn đau đầu nào cũng nghiêm trọng. Đối với những cơn đau đầu xuất phát từ nguyên nhân làm việc quá sức, đầu óc căng thẳng, lo âu, áp lực công việc, thời tiết thay đổi,… thì có thể cải thiện bằng việc nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập thể dục thường xuyên, vừa sức, bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể có sức đề kháng tốt nhất…

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh khác cũng có thể gây đau đầu như nhóm nitrates, một số thuốc giãn mạch như diltiazem, nifedipine, minoxidil… Trường hợp này bạn cần báo lại với bác sĩ để có sự điều chỉnh thích hợp.

Tuy nhiên, có không ít cơn đau đầu là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng do người bệnh còn lơ là, chủ quan.

canh bao nguy co mac benh nguy hiem tu trieu chung dau dau

Đau đầu rất có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nguy hiểm. Ảnh minh họa

Đau đầu nguyên phát: Đây là trường hợp đau không có nguyên nhân rõ ràng, thường là đau nửa đầu, đau đầu căng thẳng, đau đầu do thiếu ngủ… và có khuynh hướng giảm dần sau tuổi 40.

Đau đầu thứ phát: Trường hợp này đau đầu là do bệnh nhân mắc các bệnh nguy hiểm như u não, viêm mạch máu, tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết màng não, viêm động mạch thái dương, dùng aspirin hay các thuốc kháng đông để điều trị bệnh lý khác… Chứng đau đầu này thường gặp ở những người lớn tuổi và chỉ khoảng 1,5% người dưới 65 tuổi bị đau đầu do các nguyên nhân tương tự.

Đối với nguyên nhân này, ngoài triệu chứng đau đầu còn kèm theo các dấu hiệu đặc trưng như đau cơ, sốt, sút cân, liệt mặt, đi đứng không vững, đau nhiều hơn khi ho, rặn hay sinh hoạt tình dục,…

Những bệnh lý nguy hiểm do đau đầu

Theo nhiều chuyên gia, đau đầu kéo dài có nguy cơ mắc bệnh Parkinson, trầm cảm và các bệnh lý nghiêm trọng khác. Cụ thể:

- Đột quỵ, đau tim: Cơn đột quỵ gây ra do một cục máu đông, làm suy giảm nghiêm trọng các chức năng cả về thể chất lẫn tinh thần, làm mất khả năng nói và trí nhớ của người bệnh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên quan nhất định giữa đột quỵ và đau nửa đầu, đặc biệt là ở phụ nữ bị đau nửa đầu có kèm theo biểu hiện thoáng qua về cảm giác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là do lưu lượng máu bị hạn chế, đau đầu là kết quả của việc bị tắc nghẽn các mạch máu trong não từ một số yếu tố nào đó, ví dụ như căng thẳng tinh thần. Ngoài ra, chứng đau nửa đầu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, theo nghiên cứu trên Tạp chí Thần kinh học châu Âu.

canh bao nguy co mac benh nguy hiem tu trieu chung dau dau
Đau đầu - nỗi ám ảnh của nhiều người do áp lực công việc, cuộc sống, hoặc có thể do môi trường ô nhiễm,... Ảnh minh họa

- Trầm cảm: Theo nghiên cứu, có mối liên quan mạnh mẽ giữa đau đầu và bệnh trầm cảm, đặc biệt là ở phụ nữ, chiếm khoảng 18%. Các triệu chứng bệnh trầm cảm gây ra bởi cơn đau không được xác định cũng tương tự như nhiều bệnh lý khác. Trầm cảm cũng xuất hiện khi đau đầu do sự mất cân bằng hóa chất xảy ra trong não.

- Bệnh Parkinson: Những người có triệu chứng đau đầu trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn có nhiều khả năng phát triển bệnh Parkinson. Đau đầu thường gặp ở người trong độ tuổi trung niên, mà trong đó bệnh Parkinson là minh chứng cụ thể. Bệnh Parkinson gây hại cho não, gây khó khăn cho các chức năng vận động và gây run tay, chân

- Vấn đề về thị lực: Ở một số người, đau đầu có ảnh hưởng nhất định đến tầm nhìn. Mặc dù những triệu chứng này thường xảy ra tạm thời và không có gì đáng lo ngại nhưng đau đầu võng mạc có thể tạm thời gây mù hoàn toàn trong thời gian ngắn lại là dấu hiệu đáng báo động. Vì vậy, tốt nhất là cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra.

Điều trị đau đầu như thế nào?

Để điều trị bệnh đau đầu hiệu quả cần xuất phát từ nguyên nhân mắc bệnh được điều trị tận gốc. Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như paracetamol hay thuốc kháng viêm không steroid.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập khoa học cũng cần được duy trì để không chỉ hỗ trợ điều trị chứng đau đầu hiệu quả mà còn cải thiện sức khỏe cơ thể.

Lời khuyên tốt nhất là bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám nếu thấy những biểu hiện nghi ngờ đau đầu bất thường để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/canh-bao-nguy-co-mac-benh-nguy-hiem-tu-trieu-chung-dau-dau-7908.html