18/01/2025 | 20:02 GMT+7, Hà Nội

Cần xem tình trạng vi phạm về xuất xứ hàng hóa như "quốc nạn"

Cập nhật lúc: 13/11/2019, 17:01

Chuyên gia cho rằng, cần nhìn rộng vấn đề để thấy vi phạm xuất xứ hàng hóa, đột lốt hàng hóa Việt Nam để hưởng lợi, lừa dối người tiêu dùng là một “quốc nạn”.

Trước hàng loạt hãng thời trang danh tiếng bị nghi vấn cắt mác Trung Quốc, gắn mác Made in Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng bán với mức giá cao, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam cho rằng, nhìn rộng vấn đề thì tình trạng vi phạm xuất xứ hàng hóa cần được xem như một "quốc nạn".

Cửa hàng kinh doanh thời trang thương hiệu Seven.Am tại số 267 Lạc Long Quân đã khóa trái cửa. Ảnh: Tú Anh

Lý giải cho khẳng định trên với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, hiện nay, không chỉ hãng thời trang Seven.AM, IFU hay NEM bị báo chí "phanh phui" những hành động nghi cắt mác nước ngoài để gắn lên sản phẩm mác "made in Việt Nam", mà trước đó, hàng loạt nhãn hàng khác đã bị chính người tiêu dùng "phanh phui", như hãng điện tử Asanzo, Nhật Cường, hãng lụa Khaisilk…

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, đây chỉ là số ít những trường hợp bị người tiêu dùng phát hiện và "phanh phui", sẽ còn đó rất nhiều những cá nhân, tổ chức đang thực hiện hành vi tương tự mà chưa bị phát hiện. Vì vậy, nếu nhìn rộng vấn đề ra, có thể thấy, tình trạng vi phạm về xuất xứ hàng hóa cần xem như "quốc nạn". Vấn đề này rất cần lực lượng chức năng quyết liệt, tăng cường hơn nữa để kiểm tra, phát hiện thêm những "tụ điểm" lớn hơn nữa đang tồn tại trên thị trường.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam trao đổi với PV.

Về lý giải của ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng giám đốc công ty CP MHA (Seven.AM) cho rằng, việc cắt mác sản phẩm là do "khách hàng kêu ngứa" và sản phẩm được sản xuất trong nước, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú khẳng định: "Đây là sự ngụy biện. Nếu không ngụy biện thì đại diện hãng thời trang này hãy lý giải về hành động gỡ toàn bộ hình ảnh và giá tiền trên website và các sản phẩm túi trên kệ? Tôi cho rằng đây là sự bao biện và người tiêu dùng khó mà rộng lượng chấp nhận".

Một sản phẩm áo sơ mi mang thương hiệu thế giới Mango gắn mác "made in Viet Nam" được bán tại phố Cầu Giấy với giá hơn 300.000 đồng.

Ông Phú cho rằng, để dẫn đến tình trạng như ngày hôm nay là vì lợi nhuận "khủng" mà cá nhân, tổ chức sẵn sàng bất chấp để làm tất cả. 

"Khi chiến dịch "người Việt dùng hàng Việt" càng gây được tiếng vang và chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ có sự bất chấp để hưởng lợi, sau chữ hưởng lợi là sự lừa dối người tiêu dùng. Lừa dối cả về giá cả lẫn chất lượng, xuất xứ hàng hóa", chuyên gia cho hay.

Hơn 9.000 sản phẩm của thương hiệu thời trang Seven.Am đang bị cơ quan chức năng tạm giữ.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thẳng thắn: "Hành vi buôn lậu, làm hàng giả, làm sai lệch thông tin xuất xứ hàng hóa rất cần được nghiêm trị. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để xử lý tình trạng này, đặc biệt là ngăn chặn từ gốc là khu vực biên giới để hàng lậu hàng giả không lọt tới thị trường nội địa thì người tiêu dùng cũng rất cần việc siết chặt kỷ luật, tự làm trong sạch mình của lực lượng chức năng trước công cuộc chống buôn lậu nói chung và thị trường thời trang nói riêng".

Ghi nhận của PV ngày 12/11, sau khi lực lượng quản lý thị trường thu giữ hơn 9.000 sản phẩm điều tra, làm rõ việc bóc tem Trung Quốc gắn mác Việt Nam thì chuỗi cửa hàng Seven.Am đã bắt đầu đóng cửa từ sáng ngày 12/11.

Thương hiệu này cũng không có bất kỳ thông báo nào tại cửa hàng, website, fanpage… về sự việc trên.