23/11/2024 | 14:24 GMT+7, Hà Nội

Cận Tết, “cò” đất giăng bẫy khắp nơi với vô vàn chiêu trò tinh vi

Cập nhật lúc: 10/01/2021, 09:06

Nắm bắt tâm lý mua nhà, mua đất dịp cuối năm, nhiều môi giới, “cò” đất đã tung hàng loạt chiêu trò để dụ dỗ người mua. Nếu không cảnh giác, khách hàng rất dễ sập bẫy, gây ra nhiều thiệt hại.

Đầu tư theo tin đồn, nhà đầu tư vướng phải “bẫy cọc”

Giống như truyền thống mọi năm, dịp cận Tết Nguyên đán luôn là giai đoạn cao điểm của thị trường bất động sản. Với nhiều công ty môi giới bất động sản, giai đoạn trước Tết 2 tháng được coi là “thời điểm vàng” của doanh số bán hàng.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, Thế Minh, một trưởng nhóm môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, mọi năm, doanh số bán hàng của 3 tháng cuối năm (tháng 11, tháng 12 và tháng 1 năm sau) luôn cao hơn 30% - 40% so với các tháng còn lại.

Thế nhưng, năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khiến doanh số bán hàng của nhiều công ty môi giới giảm mạnh, chỉ bằng 45% so với năm ngoái. Ngay cả thời điểm tháng 11, tháng 12 năm 2020, tổng khối lượng giao dịch cũng đã tăng mạnh so với các tháng trước, nhưng cũng chỉ bằng 70% - 80% so với năm ngoái

Do đó,  để đảm bảo doanh thu không sụt giảm quá sâu so với năm ngoái, một số đơn vị môi giới, hoặc một số cá nhân môi giới tự do đã tung hàng loạt chiêu trò để dẫn dụ nhà đầu tư, người có nhu cầu mua nhà sập “bẫy”.

Theo Minh, một số chiêu trò quen thuộc như: Thổi giá, hét giá sản phẩm bất động sản, rao bán khống, tạo “sốt đất ảo”, nói quá thông tin dự án hoặc nói xấu đối thủ;... các chiêu trò này dù đã “cũ” nhưng vẫn còn hiệu quả.

“Sau một thời gian dài bị giới “cò” dắt mũi, một số nhà đầu tư đã có thêm kinh nghiệm đối phó và cảnh giác hơn với các chiêu trò nêu trên. Vì vậy, thay vì tạo ra các “bẫy” lớn, nhiều công ty môi giới, hoặc một số “cò” đất tự do đã tạo ra “bẫy” đặt cọc, nhằm chiếm đoạt khoản đặt cọc từ 50 triệu - 100 triệu đồng”, Minh cho biết.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn có rất đông nhà đầu tư,
Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn có rất đông nhà đầu tư, "cò đất" ùn ùn kéo về khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất.

Theo ông Phan Đình Vĩnh, chuyên gia bất động sản, trên thị trường hiện nay có 2 hình thức mua bán thông qua đặt cọc, thứ nhất là “đặt cọc giữ chỗ” để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng các sản phẩm được hình thành trong tương lai; thứ hai là thỏa thuận mua bán.

Dù vậy, cả hai hình thức đặt cọc này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất là việc người mua không thể rút được cọc, khi dự án xảy ra sự cố.

Chuyên gia Phan Đình Vĩnh cho biết, ngay cả thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản trong nước có kiểu đầu tư rất lạ, đó là đầu tư theo tâm lý đám đông dựa tin đồn, hoặc đầu tư theo lời giới thiệu của người quen.

Khi đầu tư theo kiểu này, đa phần khách mua không đọc kỹ hợp đồng. Đây chính là lỗ hổng, để các doanh nghiệp môi giới tạo ra vô số điều khoản bất lợi cho người mua.

Ví dụ, nhiều bản hợp đồng nêu rất rõ trường hợp nhà đầu tư không thực hiện thanh toán theo hợp đồng sẽ bị mất cọc. Tuy nhiên, bản hợp đồng này lại không nêu trường hợp trả lại cọc cho khách hàng, nếu dự án xảy ra sự cố về pháp lý, chậm tiến độ, hoặc chủ đầu tư “bỏ chạy” và không thể hoàn thiện dự án.

“Nhà đầu tư lỡ ký vào các bản đặt cọc mà không đọc trước hợp đồng, việc mất cọc là điều gần như chắc chắn”, ông Vĩnh nói.

Cam kết lợi nhuận 50 triệu đồng sau 3 tháng đầu tư đất nền

Gần đây, thị trường bất động sản Hòa Lạc bỗng dưng sôi động trở lại sau nửa năm im ắng. Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, giới “cò” đất tích cực phát tờ rơi, dán poster quảng cáo về một số dự án phân lô, tách thửa tại Hòa Lạc với mức giá tối thiểu là 800 triệu đồng/lô 60 m2, khoảng 13,3 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, một số lô đất tại đây có vị trí đẹp hơn, gần trường, gần đường lớn, mức giá có thể lên tới 1,5 tỷ - 1,8 tỷ đồng/lô 60 m2, tương đương 25 triệu - 30 triệu đồng/m2.

Hưng, một “cò” đất đăng thông tin quảng cáo trên mạng xã hội khẳng định: Nếu có nhu cầu đầu tư lướt sóng tại Hòa Lạc, nên chọn các lô đất có giá rẻ, phù hợp với túi tiền của người mua, khoảng dưới 1 tỷ đồng.

Theo Hưng, mặc dù các lô đất giá rẻ có vị trí không đẹp, nằm sâu trong khu dân cư, nằm cách xa lộ lớn, tuy nhiên thanh khoản lại cao vì đánh trúng vào “túi tiền” của người có nhu cầu mua nhà. Hầu như, chủ đầu tư ra sản phẩm nào là hết sản phẩm đó.

“Vừa mới tuần trước, bên tôi đưa ra thị trường 27 sản phẩm, thì chỉ trong 3 ngày đã bán được 20 sản phẩm, số còn lại cũng có người đặt trước”, Hưng nói.

Chia sẻ rõ hơn về độ “hot” của đất nền Hòa Lạc, Hưng nói: Bên em cam kết nhà đầu tư khi rót vốn vào dự án, trong 3 - 6 tháng sẽ lời tối thiểu 50 triệu đồng, tốc độ sinh lời đạt 2,08%/tháng và gần 24%/năm. Để càng lâu càng có giá trị.

Nhận định mô hình đầu tư đất nền kèm theo cam kết lợi nhuận, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết: việc doanh nghiệp bất động sản đưa ra cam kết lợi nhuận chỉ là chiêu trò mê hoặc lòng tham của nhà đầu tư.

Theo ông Đính, với những doanh nghiệp có dòng vốn tự có yếu kém, họ phải sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào giai đoạn khởi đầu. Sau đó, dòng tiền mới sẽ được dùng cho việc thực hiện và hoàn thành dự án.

Không loại trừ khả năng đây chỉ là lời hứa suông của nhân viên môi giới. Nhiều trường hợp sau khi thanh toán 100% giá trị hợp đồng, phía chủ đầu tư lại không thực hiện theo cam kết, dẫn tới việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Ngoài ra, ông Đính khuyến cáo, nếu nhà đầu tư quyết tâm rót vốn vào các dự án có bản cam kết lợi nhuận, đầu tiên phải kiểm tra kỹ pháp lý, xem xét dự án có đủ điều kiện mở bán hay không. Tuyệt đối tránh các dự án có pháp lý mập mờ, nếu gặp rủi ro là mất trắng.

Thứ hai, nhà đầu tư phải xét kinh nghiệm và năng lực của chủ đầu tư, thông qua các dự án đã triển khai trước đó, có đảm bảo tiến độ không, thời gian và chất lượng công trình có đảm bảo không. Cuối cùng, nhà đầu tư phải kiểm tra năng lực về dòng vốn, xem xét dòng vốn này có phải là dòng vốn của dự án hay không, hay là vốn của cả hệ thống.

Nguồn: https://congluan.vn/can-tet-co-dat-giang-bay-khap-noi-voi-vo-van-chieu-tro-tinh-vi-post112813.html