22/01/2025 | 22:40 GMT+7, Hà Nội

Cấm nhắn tin, gọi điện quảng cáo: Hướng đi nào cho môi giới địa ốc?

Cập nhật lúc: 01/12/2020, 13:30

Nghị định 91 mới được ban hành về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã đẩy nhiều môi giới bất động sản vào thế khó khi đây vốn được coi là hình thức tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất.

Ngày 28/10/2020, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính ông Lê Mạnh Dũng, trú tại quận Long Biên, Hà Nội về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.

Trước động thái cứng rắn của chính quyền, các môi giới bất động sản đang bị đẩy vào tình thế nan giải hơn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng. Đặc biệt vào giai đoạn cao điểm cuối năm, các môi giới buộc phải "trong cái khó ló cái khôn" để thích ứng, gấp rút chạy chỉ tiêu để về đích. 

Đứng ngồi không yên trước nghị định mới

Chị L.T.H.Trang (26 tuổi) mới chân ướt chân ráo bước vào nghề môi giới hơn hai năm. Theo như kinh nghiệm từ các “tiền bối” đi trước truyền lại, chị lập nhóm với một vài bạn trẻ, bàn kế hoạch hùn tiền mua danh sách khách hàng rồi thuê một đại lý, công ty quảng cáo truyền thông sử dụng phần mềm gửi tin nhắn hàng loạt đến khách hàng.

Chị soạn trước nội dung tin với những lời mời chào hoa mỹ, ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách. Mặt khác, chị cùng cùng đồng nghiệp chia nhau “data” và trực tiếp gọi cho khách theo các khung giờ đẹp trong ngày.

“Gọi điện thoại tư vấn là cách làm mà tôi và đồng nghiệp vẫn thực hiện nhiều năm nay. Chúng tôi có thể tiếp cận khách hàng tại bất cứ địa điểm và thời gian nào trong ngày. Số lượng giao dịch thành công của tôi phần lớn cũng đến từ hình thức phổ biến này”, chị Trang cho biết.

Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ký quyết định ban hành Nghị định 91, mỗi ngày chị đều phải cân nhắc, kiểm tra kỹ những số đã gọi để tránh làm phiền và bị khách phản ánh tiêu cực. Đã có trường hợp môi giới nhà đất bị phạt hành chính và xuất hiện trên báo chí khiến chị Trang càng thận trọng hơn trong quá trình làm việc.

Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Có cùng quan điểm, anh P.V.Hưng (31 tuổi) là một môi giới địa ốc có tiếng tại Hà Nội, anh thừa nhận, nhắn tin, gọi điện quảng cáo là một trong những kênh bán hàng đạt hiệu quả với mức chi phí hợp lý so với các hình thức khác.

“Không phải sale nào cũng có nhiều vốn để chạy marketing quảng cáo dự án, đặc biệt khi dịch bệnh Covid - 19 vẫn chưa chấm dứt, khó khăn bủa vây kinh tế và công việc của chúng tôi. Do vậy, gọi điện cho khách hàng theo data luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Chi phí tính ra rẻ hơn rất nhiều so với các hình thức tìm kiếm khách hàng khác mà số lượng người có thể tiếp cận được cũng cao hơn hẳn”.

Chưa kể, nhiều khách hàng lớn tuổi không có thói quen lên mạng tìm hiểu, thậm chí khá ngại ngần trước internet, họ cần được tiếp cận trực tiếp thông qua điện thoại. Nếu bị cấm, đây sẽ là thiệt thòi với tất cả các ngành nghề, không riêng gì bất động sản.

“Nghị định mới chẳng khác nào là “tảng đá lớn” đè lên môi giới chúng tôi. Sự cạnh tranh ngành nghề ngày càng lớn, thị trường phức tạp, khách hàng khắt khe, nay chúng tôi phải thích nghi thêm với sự điều chỉnh của pháp luật. Khó càng thêm khó”, anh Hưng chia sẻ.

Không được “keo này” thì bày “keo khác”

Nghị định 91 khi mới được ban hành đã gây ra không ít rào cản khiến cánh môi giới đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục ngồi “than khó”, các nhân viên tư vấn đã chủ động chuyển sang nhiều hình thức khác để tiếp cận khách hàng, thích ứng với quy định mới.

Nếu như trước đây, chị Trang chỉ cần ở văn phòng cũng có thể tiếp cận được khách hàng thì nay chị cùng với các đồng nghiệp chăm chỉ hơn ra ngoài phát tờ rơi về dự án.

Ban đầu còn ngại chưa quen “phơi mặt” ngoài đường vì sợ ảnh hưởng đến “hình tượng” của mình, nhưng sau đó, chị đánh giá đây là cách làm có tính hiệu quả cao. Nhóm của chị Trang có thể tư vấn trực tiếp và lấy được thông tin những khách quan tâm đến sản phẩm của mình để tiện “chăm sóc” về sau.

Chị lập một danh sách riêng và ghi các khách tiếp xúc thông qua phát tờ rơi vào tệp “khách hàng tiềm năng”. Đây là dấu hiệu khả quan khi chị đã chốt được 2 giao dịch từ những khách “qua đường” này.

Nhiều môi giới bất động sản phải chăm chỉ phát tờ rơi để tìm kiếm khách hàng sau khi Nghị định 91 được ban hành.

Dù đánh giá phương pháp gọi điện tư vấn, nhắn tin quảng cáo mang lại hiệu quả cao nhưng anh Hưng cũng khẳng định, chiến lược “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” này của các sale vô tình đẩy data khách hàng ngày càng trở nên kém chất lượng hơn. Do vậy, trước khi có Nghị định 91, anh đã chuyển hướng sang các cách tìm kiếm khách hàng khác.

Chỉ cần anh Hưng nắm được thông tin có đơn vị tổ chức tọa đàm, hội thảo hay các buổi giao lưu liên quan đến bất động sản, anh đều sắp xếp công việc để tham gia. Anh cho rằng đây có thể chưa phải phương pháp đạt hiệu quả tức thời vì khách tham dự chủ yếu là các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm nhưng biết đâu trong tương lai, đây có thể trở thành tệp khách hàng VIP của anh.

Ngoài ra, anh Hưng vẫn tìm kiếm khách hàng thông qua các hình thức truyền thống như đầu tư vào Marketing, quảng cáo trên Google Adwords, Facebook, đăng tin trên các website rao vặt bất động sản,…

Trước Nghị định 91 được đi vào thực tế, nhiều chuyên gia đã đưa ra quan điểm rằng, với các nhà môi giới chuyên nghiệp, hiểu biết và giàu kinh nghiệm, Nghị định mới chính là phép sàng lọc vô cùng hiệu quả với những data tràn lan được rao bán trên mạng hiện nay.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Nghị định 91 sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn cho lĩnh vực bán hàng. Nhiều công ty bán hàng nếu không thích ứng được sẽ phải “chết” vì xưa nay chủ yếu tìm khách bằng các cuộc gọi điện thoại. Do đó, đòi hỏi các đơn vị này muốn tồn tại phải thay đổi chiến lược, phương thức marketing để tiếp cận khách hàng.

Theo các chuyên gia, người môi giới cần tập trung vào những khách hàng tiềm năng, nâng cao chất lượng thay vì “tung hỏa mù” như trước đây. Mặt khác, Nghị định 91 có hiệu lực sẽ xử lý mạnh tay đối với tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác, đồng nghĩa với chất lượng của đội ngũ sale bất động sản cũng cần được nâng cấp trình độ chuyên môn lẫn hiểu biết pháp lý. Một vài trường hợp bị xử lý cứng rắn sẽ là lời cảnh báo hiệu quả nhất tới các môi giới.

“Tôi nghĩ, thời gian sắp tới, thị trường sẽ xuất hiện nhiều kênh marketing khác từ các đơn vị kinh doanh, sàn giao dịch, và chủ đầu tư để tìm các phương án khác đa dạng trong kênh tiếp cận khách hàng mua sản phẩm”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam nhận định. 

Nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ:

1. Không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này hoặc Người sử dụng không đồng ý nhận quảng cáo trước đó.

2. Đối với quảng cáo qua tin nhắn và đối với số điện thoại ngoài Danh sách không quảng cáo, Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo.

3. Trường hợp Người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, Người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.

4. Phải chấm dứt việc gửi đến Người sử dụng nhận các tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo hoặc thực hiện gọi điện thoại quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của Người sử dụng.

5. Mỗi Người quảng cáo không được phép gửi quá 03 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại, 03 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử, 01 cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.

6. Chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.

7. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.

8. Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.