19/01/2025 | 16:14 GMT+7, Hà Nội

Cần sự công bằng trong hoạt động cho vay tài chính

Cập nhật lúc: 27/03/2020, 10:59

Có vay - có trả đó là nguyên tắc “bất di bất dịch” trong quan hệ tín dụng giữa khách hàng vay vốn tiêu dùng và công ty tài chính. Tuy nhiên, dường như pháp luật hiện nay vẫn "ưu ái" bảo vệ người đi vay nhiều hơn.

Trong tương lai, phải có điều chỉnh để cả bên cho vay - các công ty tài chính và khách hàng vay đều được pháp luật bảo vệ ngang nhau.

Đòi nợ khổ như… đi ăn xin

Vay 50 triệu đồng của một công ty tài chính trên địa bàn để góp vốn cùng bạn mở quán café nhỏ. Tuy nhiên, vì làm ăn không thuận lợi, vốn lại mỏng không thể duy trì được công việc kinh doanh nên anh Hoàng Ngọc H. (huyện Vũ Thư, Thái Bình) rơi vào tình trạng “mất thanh khoản” và không trả được nợ. Anh đã không dám nghe máy khi nhân viên của công ty tài chính liên tục gọi điện nhắc nợ, đòi nợ.

Hay như trường hợp của anh Ngô Văn B. (Phủ Lý, Hà Nam) có vay tiền mặt tiêu dùng từ trước tết, đã 4 tháng nay không thanh toán. Nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính cho biết thuê bao này không thể liên lạc được.

Nói về những khó khăn trong việc đòi nợ, anh P.V. Hải – nhân viên một công ty tài chính lớn trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Khi khách hàng không trả nợ thì việc nhắc nợ là chuyện mà các công ty tài chính nào cũng phải thực hiện. Từ đầu năm, công ty yêu cầu chúng tôi không được phép gọi điện tới những số người thân mà khách hàng cung cấp. Gọi tới số chính người vay mới đầu còn bắt máy, sau họ cũng tắt máy luôn”.

Đồng cảnh ngộ, anh T.H. Hùng cho biết: “Trễ hạn thanh toán 2 tháng, tôi gọi điện nhắc nợ còn bị khách hàng chửi bới, dọa nạt. Đến nhà đòi nợ thì khách hàng trốn không gặp, người nhà mang gậy ra đuổi, khổ như đi ăn xin”.

Đòi nợ - hoạt động hợp pháp của các công ty tài chính

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Đỗ Hoài Linh cũng phải thừa nhận, do kiến thức về tài chính tiêu dùng của người dân hiện còn nhiều hạn chế so với các nước lân cận như Singapore, Malaysia, Thailand… nên không ít khách hàng vay tiêu dùng chưa nhận thức đúng, đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với khoản vay. Thậm chí còn có cái nhìn tiêu cực đối với việc đòi nợ của các công ty cho vay tiêu dùng.

Theo bà Linh, có vay phải có trả. Đến thời hạn cam kết mà không trả nợ được thì bên cho vay có quyền nhắc nợ. Thậm chí, các công ty tài chính còn được phát mại tài sản đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

“Với tín dụng tiêu dùng mua sắm tài sản như vay mua xe máy, thì đó chính là tài sản đảm bảo cho khoản vay, nên các công ty tài chính có thể thu hồi để bù đắp tổn thất”, vị chuyên gia này dẫn chứng. Công ty tài chính còn có thể bán nợ cho bên thứ ba và trong trường hợp này bắt buộc người vay phải đồng ý để cho công ty tài chính bán nợ.

Dưới góc độ luật sư, ông Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP HCM khẳng định, dựa trên các điều khoản của pháp luật thì việc nhắc nợ, đòi nợ của các công ty tài chính là hoạt động hợp pháp của các công ty tài chính tiêu dùng.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng: “Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật”.

Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN: “Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan...”.

Về hoạt động bán nợ, công ty tài chính được bán khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay và khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh cho bên thứ ba theo các quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều kiện để công ty tài chính được phép bán các khoản nợ nêu trên cho bên thứ 3 được quy định tại Điều 4 Thông tư 09.

Cụ thể, 1. Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật; 2. Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; 3. Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.

Đồng tình với phân tích trên, Luật sư Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Công ty luật Trí Minh nhấn mạnh, nếu như khách hàng chây ỳ trả nợ, các biện pháp thu hồi nợ mà công ty tài chính có thể áp dụng bao gồm: Đôn đốc, thuyết phục khách hàng trả nợ; Xử lý tài sản bảo đảm (nếu có); Khởi kiện để thu hồi nợ; Bán khoản nợ cho bên thứ 3; Sử dụng dịch vụ đòi nợ (đòi nợ thuê); Tố giác tội phạm trong trường hợp khách hàng là cá nhân có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả nợ: ngoài việc bắt buộc phải trả nợ, khách hàng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Mặc dù đã có hành lang pháp lý cho việc thu hồi nợ của các công ty cho vay tiêu dùng song trên thực tế, theo TS Đỗ Hoài Linh, pháp luật hiện nay vẫn thiên về người đi vay nhiều hơn. “Trong tương lai phải có điều chỉnh để cả bên cho vay ở đây là các công ty tài chính và khách hàng vay đều được pháp luật bảo vệ ngang nhau”, bà Linh khuyến nghị.