19/01/2025 | 19:37 GMT+7, Hà Nội

Cần hàng rào kỹ thuật thương mại để bảo hộ hàng hóa trong nước

Cập nhật lúc: 23/05/2023, 09:30

Trong năm nay khi hàng xuất khẩu trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thị trường nội địa luôn là cứu cánh cho các doanh nghiệp trong nước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hạn chế rủi ro đến từ hàng ngoại nhập

Trong những ngày gần đây gà loại thải được phản ánh nhập khẩu ồ ạt, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam. Điều này khiến chăn nuôi gia cầm trong nước 'kiệt quệ'.

Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên việc đàm phán không phân biệt đối xử bất cứ một sản phẩm nào đáp ứng tiêu chuẩn khi được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, hay thịt gia cầm nhập khẩu, Cục Thú y đã thẩm định kỹ các hồ sơ về dịch bệnh cũng như là cả quá trình giám sát về an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, nói là sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp. Tuy nhiên, sắp tới, Cục sẽ rà soát lại các tiêu chuẩn sản phẩm tại một số nước mà Việt Nam đang nhập khẩu lớn như Hàn Quốc, Brazil.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm: Gà loại thải là những loại gà sau khi khai thác (đẻ trứng), doanh nghiệp mua về với giá rẻ. Tuy nhiên, sản phẩm cũng đạt chất lượng và các quy định kiểm dịch. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Việt Nam cần có những biện pháp chọn lọc phù hợp, trên tinh thần bảo vệ chăn nuôi trong nước.

Việc bảo hộ sản xuất trong nước là xu thế chung của tất cả các quốc gia. Các công cụ, rào chắn đều được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để ngăn hàng ngoại nhập vào trong nước. Và nhà quản lý nước ta cũng đã có những giải pháp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội trước sự xâm nhập mạnh mẽ của hàng ngoại nhập.

Dư luận xã hội vẫn chưa thể quên vụ việc của ngành mía đường. Thời điểm năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đối với ngành mía đường, với thuế nhập khẩu giảm còn 5%. Đường nhập khẩu giá rẻ chiếm lĩnh thị trường thời điểm đó, hàng loạt nhà máy đường trong nước phải đóng cửa, kéo theo khoảng hàng nghìn lao động bị mất việc làm, nhiều nông dân trồng mía bị ảnh hưởng.

Trước những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán phá giá, 6 nhà máy đường phối hợp cùng đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam. Trước công cụ phòng vệ mà nhà quản lý đưa ra nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan ngay sau đó đã giảm tới 75%.

Nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định kỹ thuật về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ. Như việc việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới kể cả ở Việt Nam (vì có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng) từ năm 2014

Tuy nhiên, nghịch lý là hằng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt heo, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng hai chất nêu trên cho gia súc, gia cầm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hằng năm tăng liên tục, mà theo ước tính chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở Việt Nam.

Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt từ các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay tại thị trường trong nước.
Do vậy, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước, đặc biệt là không tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.

Để bảo hộ sản xuất trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần tăng cường các hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước.

Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam đang diễn ra phức tạp, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã gửi công văn lên Thủ tướng. Sau khi nhận được công văn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp ký Công điện số 426 yêu cầu các bộ liên quan ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-hang-rao-ky-thuat-thuong-mai-de-bao-ho-hang-hoa-trong-nuoc-337124.html