19/01/2025 | 11:50 GMT+7, Hà Nội

Thị trường hàng hóa biến động ra sao khi dịch Covid-19 quay trở lại?

Cập nhật lúc: 29/07/2020, 06:00

Trong đợt giãn cách xã hội lần này, nhu cầu về cung ứng thực phẩm vẫn được đáp ứng cho người dân. Một số mặt hàng thiết yếu như khẩu trang và nước sát khuẩn có tăng nhẹ.

Khẩu trang, nước sát khuẩn

Tính từ chiều 26/7, Đà Nẵng ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam bắt đầu có biến động, nhất là ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng.

Biến động đầu tiên là thị trường khẩu trang. Ngay lập tức trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài đăng bán khẩu trang 4 lớp, khẩu trang dành cho trẻ em.

Những giờ đầu sau khi công bố dịch bệnh, khẩu trang y tế 4 lớp mới chỉ 60.000 – 70.000 đồng/hộp nhưng nhích lên theo từng giờ và từng ngày. Cho đến thời điểm hiện tại, khẩu trang đã vượt mốc 100.000 đồng/hộp, có nơi còn bán đến gần 200.000/hộp.

Không chỉ khẩu trang y tế bị "đẩy" giá mà giá các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cũng được nhiều dân buôn tăng giá thêm 20 - 30% so với cách đây một tuần. Nhiều đầu mối bán khẩu trang vải kháng khuẩn 3 lớp gói 3 cái với giá lên tới 150.000 đồng.

Khẩu trang tăng giá theo từng giờ.

Tại các nhà thuốc và siêu thị, giá khẩu trang y tế vẫn bình ổn ở mức dưới 100.000 đồng. Giá khẩu trang vải không tăng nhiều so với trước đây. Cụ thể, khẩu trang 3 - 4 lớp có giá phổ biến là 50.000 - 55.000 đồng/hộp loại 20 chiếc; 75.000 - 80.000 đồng/hộp loại 50 chiếc. Giá cồn sát khuẩn 25.000 - 28.000 đồng/lọ, giá dung dịch rửa tay khô sát khuẩn 35.000 - 90.000 đồng/lọ tùy dung tích.

Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị AEON, Vinmart và cửa hàng tiện ích Vinmart+, siêu thị Co.opmart…, lượng khẩu trang, nước sát khuẩn rất phong phú, giá không đổi.

Điều đáng mừng là người dân đã ý thức được khẩu trang vải có thể kháng khuẩn cho nên mặc cho dân buôn tăng giá từng giây từng phút, nhiều người đã bắt đầu chuyển sang sử dụng khẩu trang vải vì tiết kiệm tài chính và bảo vệ môi trường hơn.

Chị Hạnh – Một người bán khẩu trang online cho hay "Giá tăng đúng kiểu lật mặt. Tối hôm qua tôi lấy buôn đang 1,7 triệu đồng/thùng (50 hộp) khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn, sáng nay đã tăng lên 2,4 triệu, chiều tăng lên 2,8 triệu, rồi 3 triệu/thùng, không kém một xu. Lấy số lượng lớn cũng không được giảm giá. Đến thời điểm hiện tại lại nâng lên đến 5 - 6 triệu/thùng”.

Thậm chí trang Facebook có tên gọi "Mua khẩu trang y tế - hàng công ty" rao bán khẩu trang thương hiệu Q.A với giá 75.000 - 85.000 đồng/hộp nhưng người bán giới hạn "mỗi khách chỉ được mua 3 hộp". Bài đăng trên sau vài ngày đã thu hút hơn 1.000 lượt bình luận đặt hàng, trao đổi.

Mặt hàng nước sát khuẩn vẫn được bày bán nhiều tại các siêu thị.

Thị trường nước rửa tay thì tăng giá ít hơn so với khẩu trang. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù nhu cầu không nhiều như khẩu trang nhưng hai ngày qua hoạt động mua bán nước rửa tay diệt khuẩn sôi động hẳn lên và giá có xu hướng tăng nhẹ. Các thương hiệu như On, Xaki... hiện được nhiều trang mạng quảng cáo hàng công ty với giá bán phổ biến 40.000 - 500.000 đồng/chai tùy loại.

Không chỉ thị trường Đà Nẵng sôi sục giá khẩu trang mà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM khẩu trang cũng rơi vào tình trạng khan hiếm. Theo ghi nhận của PV, nhiều nơi ở Hà Nội bắt đầu đẩy giá khẩu trang lên 200.000 đồng/hộp loại 4 lớp. Mặt hàng như nước sát khuẩn cũng bắt đầu xuất hiện sôi động trở lại.

Có thể thấy, mặc dù ca nhiễm Covid-19 ở tại Đà Nẵng, nhưng người dân ở một số nơi lại có tâm lý tích trữ khẩu trang song giá cũng không cao bằng đợt dịch trước.

Đối với thị trường Quảng Nam, có vẻ giá khẩu trang, nước sát khuẩn bình ổn nhất trong cả nước, khẩu trang tại đây không tăng quá nhiều. Các nhà thuốc cũng đã ký cam kết bình ổn giá mặt hàng này.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân không nên quá hoang mang và tích trữ khẩu trang, nước sát khuẩn, đồng thời có thể sử dụng khẩu trang vải khi ra đường. Điều này cũng hạn chế được việc nhiều đối tượng lợi dụng đầu cơ, tích trữ đẩy giá khẩu trang lên cao.

Lương thực thực phẩm

Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, hàng hóa dồi dào không lo thiếu hụt, trong đợt giãn cách xã hội lần này, thành phố Đà Nẵng vẫn đủ cung ứng thực phẩm cho người dân. 

Chỉ một bộ phận nhỏ những người dân lo lắng về việc giãn cách xã hội gom thực phẩm cho những ngày cách ly nhưng không nhiều. Những cửa hàng nhu yếu phẩm, chợ dân sinh và siêu thị vẫn được mở hàng ngày để cung ứng thực phẩm cho người dân.

Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin, đến nay thị trường hàng hoá tiêu dùng đang ổn định, hàng hoá dồi dào đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đời sống người dân.

Người dân Đà Nẵng vẫn đang được cung ứng thực phẩm đầy đủ

Hiện tại, một số siêu thị tại Đà Nẵng đã công bố số điện thoại “hotline” đặt hàng, giao hàng tại nhà. Cụ thể: Siêu thị Big C: 0236.3666.085; Siêu thị Lotte Mart: 0905.587.592 - 0395.144.948; 0905.443.926 - 0867.520.922; 0911.467.763; Siêu thị MM Mega Market: 0935.476.195; Siêu thị Co.opmart: 0236.3925.333 - 0917.578.058.

Sở Công thương cũng yêu cầu lập danh sách, số điện thoại các tiểu thương tại các chợ có thể cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu thông qua hình thức đặt hàng, giao hàng tại nhà. Sở Công thương Đà Nẵng sẽ công khai danh sách để người dân được biết.

Ngày 28/7, để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân thành phố Đà Nẵng trước dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã công bố số điện thoại đường dây nóng để xử lý hành vi "chặt chém, găm hàng" trong thời gian thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng khuyến nghị người dân khi phát hiện hành vi kinh doanh, buôn bán liên quan đến các vi phạm về đầu cơ, găm hàng; nâng giá quá mức quy định; giá bán ra không theo giá niêm yết với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế dùng cho việc bảo vệ sức khỏe trên địa bàn thành phố, thì thông tin, phản ánh vào đường dây nóng 02363 624154 hoặc số điện thoại di động của ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: 089 8243333.