Cần đảm bảo an toàn khi thiết kế lan can, ban công tại chung cư
Cập nhật lúc: 01/03/2021, 15:06
Cập nhật lúc: 01/03/2021, 15:06
Trong thời gian qua, đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra liên quan đến tai nạn ngã từ trên cao tại các khu chung cư khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ lan can, lôgia nhưng nhiều gia đình sống tại các khu chung cư, nhà cao tầng vẫn rất chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Mới đây nhất, ngày 28/02/2021, một bé gái 3 tuổi ở tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ bò từ trong nhà rồi trèo ra lan can. Sau đó, bé gái bám vào lan can, treo mình lơ lửng. Một số người dân ở tòa bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán người tới cứu giúp. Lúc này, một người đàn ông phía dưới trèo lên mái che của sảnh và may mắn kịp thời đỡ được cháu bé thoát khỏi "tử thần".
Trước đó, sáng 31/8/2020, lãnh đạo CA phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một bé gái 6 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở ngõ Hoàng Ngân tử vong thương tâm. Thời điểm xảy ra vụ việc đau lòng bố mẹ bé gái không có ở nhà. Bước đầu xác định cháu bé bị rơi ngã ra ngoài vì không có thanh chắn song sắt ở ban công.
21/04/2019, bé trai 4 tuổi bị rơi từ tầng 11 của chung cư Vina Hud Cửu Long trên đường Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội đã không qua khỏi do chấn thương quá nặng.
04/03/2019, một cháu bé khoảng 5 tuổi thiệt mạng ở chung cư Rice City Linh Đàm (Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng với lý do tương tự.
Ngày 15/11/2018, một bé gái khoảng 5 tuổi rơi từ ban công tầng 7 chung cư N03 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) xuống đất, được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Trên thực tế, trẻ ở độ tuổi từ 5 - 10 tuổi, hiếm có trẻ nào ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh mình bởi đó là độ tuổi rất hiếu động, thích chạy nhảy, leo trèo, khám phá mọi thứ xung quanh. Thế nhưng, trong căn nhà của chúng ta lại có vô vàn những mối hiểm nguy đang chực chờ trẻ, có những thứ vô hại đối với người lớn nhưng lại là mối đe dọa đến sự an toàn của trẻ nhỏ. Cho dù có người lớn ở nhà mà không để ý đến trẻ thì cũng không chắc có thể kiểm soát được tất cả các tình huống bất ngờ xảy ra.
Những tai nạn trên đây như một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả cư dân đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ về sự an toàn ở các chung cư cao tầng, khi lan can, giếng trời, cửa sổ không song sắt đều trở thành những cái "bẫy" cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em đang ở lứa tuổi hiếu động, mải chơi, không để ý nguy cơ tiềm ẩn xung quanh mình.
Tuy nhiên, điều đáng báo động là dù nhiều vụ việc đau lòng từng xảy ra, báo chí, mạng xã hội đăng tin liên tục nhưng nhiều gia đình vẫn còn chủ quan, mất cảnh giác hoặc nhận thức chưa đầy đủ về thực hiện các biện pháp an toàn, che chắn cửa sổ, ban công…
Theo ghi nhận thực tế, tại các chung cư nơi xảy ra hàng loạt sự việc đau lòng, cửa sổ của các căn hộ không hề có chấn song. Trong khi đó, rất nhiều gia đình lại kê giường ngủ ngay dưới cửa sổ. Về phía ban công, các hộ dân thường sử dụng để bố trí máy giặt, trồng cây cảnh... vô tình tạo điều kiện cho trẻ có thể leo trèo lên các vật dụng này và khả năng xảy ra tai nạn là rất cao.
Chị N.T.V - cư dân đang sinh sống tại chung cư 38 Trần Nguyên Đán (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khi nhận căn hộ tại đây, chị đã phải gắn thêm song sắt và lưới an toàn cho cửa sổ và lan can: "Chỉ có như thế mới đảm bảo an toàn cho hai đứa con của tôi". Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng chú trọng đến yếu tố an toàn khi sống tại chung cư. Ngay tại thời điểm PV ghi nhận thực tế, tại tầng 4 của tòa nhà này, một em bé đang chơi rất sát khu vực cửa sổ, ban công không có thiết bị bảo vệ an toàn, chỉ một chút sơ sảy sẽ dẫn đến những sự việc đau lòng.
“Trẻ nhỏ chơi một mình ở nhà cao tầng là rất nguy hiểm, do đó những gia đình có con nhỏ phải luôn ở bên cạnh con, không thể lơ đễnh để con chơi một mình, hậu quả đáng tiếc và cha mẹ sẽ ân hận cả đời. Sau hàng loạt sự cố, gia đình tôi cũng phải tự "cảnh tỉnh" chính mình, không dám chủ quan" - một cư dân tại chung cư 38 Trần Nguyên Đán bày tỏ.
Nhiều người cho rằng thiết kế xây dựng các khu nhà cao tầng, chung cư cần quan tâm đến các yếu tố như cửa sổ có khung bảo vệ; lan can hành lang làm cao hơn và khít để tránh trẻ em leo trèo nhằm tránh tai nạn thương tâm xảy ra. “Để trẻ chơi một mình, trong khi trẻ nhỏ chưa có nhận thức về sự nguy hiểm và rất hiếu động hay leo trèo… là không nên. Ngoài ra, khi mua căn hộ chung cư, người mua, nhất là những gia đình có con nhỏ cần chú ý đến lan can, cửa sổ, những điểm có thể nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Cần lắp đặt rào chắn lan can, cửa sổ… để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thêm vào đó, việc nhiều người trồng lan, cây cảnh ở hành lang, để ghế đứng tưới nước, trẻ trèo lên ghế té rất nguy hiểm” là chia sẻ của anh H.M (cư dân chung cư CT36).
Trả lời về vấn đề này, đa số chủ dự án, ban quản lý của các khu chung cư đều cho biết việc thiết kế, xây dựng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và thông qua, đảm bảo an toàn cho cư dân. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, nhận thấy có phát sinh vấn đề bất cập đối với gia đình có con nhỏ, ban quản lý cũng đã khuyên nên chủ động lắp đặt thêm chấn song nơi cửa sổ và gắn lưới an toàn tại khu vực lan can nhưng không phải gia đình nào cũng thực hiện theo.
PGS.TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam từng cho biết, quy chuẩn 05 về An toàn sinh mạng đã quy định rất rõ các điều kiện để đảm bảo an toàn cho con người. Đối với lan can chung cư thì không thấp hơn 1,4 mét, bền vững, không đổ và các cấu tạo như xếp song theo chiều dọc, không được tạo điều kiện cho trẻ em leo trèo như tạo hoa văn, hay kể cả các vật dụng khác không dễ dàng rơi lọt.
Chính vì vậy, một chung cư trước khi đưa vào sử dụng thì phải được nghiệm thu đúng theo quy chuẩn hiện hành. Các gia đình phải chú ý đừng biến lan can thành nhà kho để tạo điều kiện cho các cháu nhỏ leo trèo như hộp xốp, ghế... Phụ huynh phải có kiến thức an toàn ở chung cư để giảm thiểu rủi ro cho gia đình.
Việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng ở Việt Nam đều có quy định rõ. Đối với nhà cao tầng, không có ban công chỉ có logia (là phần hành lang hướng ra ngoài nhưng được xây âm vào trong mặt bằng nhà). Lan can của logia cao ít nhất 1m1, các khe hở giữa các lan can cần có khoảng cách dưới 10cm và không được làm thanh ngang để đề phòng việc trẻ em leo trèo, hoặc chui đầu qua được.
Theo PGS-TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, trường hợp bé 3 tuổi bị rơi từ tầng 12 của một chung cư tại Hà Nội được cứu sống là sự may mắn vô cùng. Tuy nhiên, nhiều trẻ sau tai nạn rơi từ trên cao được cứu sống thường bị ảnh hưởng tâm lý.
“Tất nhiên di chứng này không phải xảy ra với tất cả trẻ bị ngã, rơi từ trên cao xuống. Bởi có trẻ vẫn vượt qua được nhưng có bé lại không-biểu hiện bằng sự hoảng sợ, sau này cứ ở trên cao là sợ (hội chứng sợ độ cao). Vì vậy, việc phòng tránh tai nạn thương tích tại nhà cho trẻ cực kỳ quan trọng”, PGS-TS. Nguyễn Tiến Dũng nói.
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, ở nhiều nước có hẳn các chuyên đề dạy phòng tránh trai nạn thương tích cho trẻ ở nhà. Tại Việt Nam dù có chương trình, tuyên truyền nhiều nhưng hầu như năm nào cũng có trẻ bị tai nạn tại nhà. Đó là trường hợp trẻ nuốt phải dị vật, trẻ ngã cầu thang, trẻ uống nhầm thuốc, trẻ ngộ độc thuỷ ngân do vỡ nhiệt kế… Đặc biệt nguy hiểm là việc rơi từ ban công toà chung cư xuống đất.
Dù được nói rất nhiều nhưng năm nào cũng có trẻ rơi từ ban công xuống đất tử vong. Bé gái ở chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng rơi ban công ngày hôm qua là trường hợp hi hữu may mắn được cứu sống. Vì vậy, người lớn không nên dời mắt khỏi trẻ nhỏ. Khi nhà có trẻ nhỏ cần phải quan sát toàn bộ căn nhà, các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ví dụ, với ban công thì các bậc phụ huynh cần phải quan sát với lan can như thế, trẻ con có thể trèo qua được không, hoặc có cái lỗ nào ở bên ngoài có thể khiến trẻ chui qua được không?. “Khi con biết bò hoặc chập chững biết đi, trẻ có thể chui qua được lỗ đấy không?. Hoặc trẻ lớn hơn chút có thể trèo lên được lan can và rơi xuống… Tốt nhất, bố mẹ cần phải gia cố lan can, lắp lưới chắn… ban công khi nhà có trẻ nhỏ-TS. Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời khuyên.
Để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ thì các cha mẹ nên lưu ý những điều dưới đây:
Những nhà ở chung cư khi xây dựng cần được thiết kế rào lan can cao để đề phòng trường hợp trẻ em leo ra ngoài chơi và xảy ra điều đáng tiếc. Đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ thì các cha mẹ, phụ huynh nên chủ động lắp lưới an toàn cho các lan can ban công hoặc các loại cửa của căn hộ.
Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng nên nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa bằng cách rà soát lại hết những đồ đạc, vật dụng, thiết bị trong nhà của mình, thẳng tay loại bỏ những thứ có thể gây nguy hiểm cho con trẻ, hoặc phải cất chúng ở những chỗ ngoài tầm với của trẻ. Nếu ở tầng cao, các cha mẹ nên chú ý không được để bàn, ghế, tủ... hay những thứ gì có thể để trẻ leo lên, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, một số bác sĩ đưa ra lời khuyên cho các gia đình có con nhỏ sống tại chung cư như sau: Cần lắp đặt rào chắn lan can, cửa sổ, cất giấu hết các đồ dùng có khả năng leo trèo được ở gần ban công, cửa sổ chung cư để đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi xảy ra tai nạn nên biết cách sơ cứu cơ bản như cố định nẹp cổ, chân tay và cách di chuyển bệnh nhi an toàn. Luôn để mắt đến trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ phải luôn ở bên cạnh con, không thể lơ đễnh để con chơi một mình, rất dễ xảy ra sự cố đáng tiếc.
Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư. Trong đó nêu rõ: Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe theo quy chuẩn 05 của Bộ xây dựng.
Theo đó, để bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập, quy chuẩn 05 của Bộ xây dựng có quy định về lan can như sau:
- Chiều cao tối thiểu của lan can logia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng phải từ 1400mm (1,4m) trở lên, ở các vị trí khác, chiều cao tối thiểu phải từ 1,1m.
- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Vì thế không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can.
Về an toàn sử dụng kính, quy chuẩn 05 có quy định: Cửa sổ, cửa mái và cửa thông gió phải đảm bảo đóng, mở hoặc điều chỉnh độ mở một cách an toàn.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/can-dam-bao-an-toan-khi-thiet-ke-ban-cong-tai-chung-cu-20201231000001112.html
16:41, 29/01/2021
09:56, 16/12/2020
13:00, 02/12/2020