19/01/2025 | 07:18 GMT+7, Hà Nội

Căn bệnh có thể khiến 30% dân số nước ta bị máu “trắng như sữa”

Cập nhật lúc: 04/03/2019, 07:01

Ăn quá nhiều chất béo từ động vật; nạp nhiều tinh bột, đường; sử dụng rượu, bia, thuốc lá… là những nguyên nhân khiến máu có nguy cơ bị “trắng như sữa”.

Mới đây, một người đàn ông 39 tuổi sống tại Đức được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, mất ý thức, buồn nôn và khó thở. Bệnh nhân có tiểu sử mắc bệnh tiểu đường và đang dùng nhiều loại thuốc điều trị.

Tuy nhiên, khi lấy máu bệnh nhân ra để làm các xét nghiệm, các bác sĩ rất bất ngờ vì máu của người này phân thành hai tầng và có màu trắng đục khác thường.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, người đàn ông này có lượng chất béo trung tính (triglyceride) rất cao trong máu, ở mức hơn 18.000 mg/dL (trong khi đó, mức triglyceride bình thường là 160mg/dL trở xuống). Đây được coi là nguyên nhân khiến máu của người này có màu trắng đục như sữa.

Máu của bệnh nhân này phân thành 2 tầng riêng biệt, có màu đục như sữa. Ảnh Internet

Máu của bệnh nhân này phân thành 2 tầng riêng biệt, có màu đục như sữa. Ảnh Internet

Các bác sĩ chẩn đoán, người đàn ông này bị máu nhiễm mỡ do chế độ ăn uống không phù hợp kết hợp với bệnh tiểu đường được điều trị chưa khoa học nên dẫn đến tình trạng bệnh nêu trên.

Bệnh máu nhiễm mỡ là gì?

Theo các bác sĩ, mỡ trong máu hay còn gọi là máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển đổi chất béo trong cơ thể, làm cho lượng chất béo trong máu quá cao. Mỡ trong máu có hai dạng chính là cholesterol và triglycerid. Triglycerid có trị số bình thường dưới 160 mg%, nếu trên 200 mg% sẽ không tốt, gây hại cho sức khỏe. Triglycerid là một chất béo trung hòa có hai nguồn gốc: Ngoại sinh do tái hấp thu mỡ thức ăn ở ruột và nội sinh do tổng hợp ở gan.

Khi bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu, xét nghiệm máu nếu thấy huyết thanh bị đục, thậm chí đục như sữa thì nguyên nhân chính là do tăng triglycerid trong máu. Mức tăng có thể tới 40-50 lần so với bình thường. Bệnh thường tiến triển thầm lặng trong nhiều năm cho tới khi có biến chứng nặng người bệnh mới phát hiện ra được.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Hội Tim mạch, khoảng 30% dân số nước ta mắc bệnh máu nhiễm mỡ, trong đó 50% bệnh nhân ở lứa tuổi trung niên (nam trên 55 tuổi, nữ trên 45 tuổi). Ngoài ra, những người mắc bệnh máu nhiễm mỡ có thể ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên và người cao tuổi.

Căn bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa ngày càng dày khiến máu không lưu thông được, gây tắc mạch máu cục bộ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các căn bệnh nguy hiểm chết người như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Đối tượng nào dễ bị mỡ máu cao?

Thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo làm tăng lượng triglyceride trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.

Bên cạnh đó, máu nhiễm mỡ còn do biến chứng của các bệnh như: Đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai…

Làm sao để phòng ngừa máu nhiễm mỡ?

Theo các chuyên gia, máu nhiễm mỡ xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện đại, trong đó có tới 80% bệnh nhân mắc căn bệnh này xuất phát từ chế độ dinh dưỡng. Do đó, để phòng ngừa bệnh, trước hết mọi người cần có chế độ ăn uống khoa học.

Ăn quá nhiều mỡ động vật, đồ ăn chiên xào, thức ăn nhanh và sử dụng rượu bia được coi là nguyên nhân dẫn đến bệnh máu nhiễm mỡ. Ảnh minh họa

Ăn quá nhiều mỡ động vật, đồ ăn chiên xào, thức ăn nhanh và sử dụng rượu bia được coi là nguyên nhân dẫn đến bệnh máu nhiễm mỡ. Ảnh minh họa

Việc đầu tiên để hạn chế bệnh máu nhiễm mỡ là hạn chế ăn thịt quá mỡ, các món ăn từ mỡ, nội tạng động vật, các đồ ăn chiên xào… đồng thời tránh dùng rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích vì đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu.

Bên cạnh đó, đảm bảo lượng tinh bột vừa phải trong khẩu phần ăn hàng ngày. Với người bình thường, tinh bột chiếm 30% khẩu phần là phù hợp với tháp dinh dưỡng. Do đó, không nên ăn quá nhiều tinh bột vượt ngưỡng cho phép để tránh dẫn đến hiện tượng tích lũy mỡ thừa, từ đó gây ra máu nhiễm mỡ.

Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên để giải phóng năng lượng dư thừa cũng rất quan trọng. Mọi người nên đảm bảo duy trì tập thể thao hàng ngày để tăng cường trao đổi chất, tăng lượng máu lưu thông, giảm cholesterol xấu trong máu, từ đó, giảm nguy cơ máu bị nhiễm mỡ cao.

Đặc biệt, tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh máu nhiễm mỡ nếu có.

Minh Trang (th)