19/01/2025 | 10:34 GMT+7, Hà Nội

Bác sĩ trẻ cũng chết vì căn bệnh này và khuyến cáo những người cần phải tầm soát bệnh kẻo ân hận cả đời

Cập nhật lúc: 30/01/2019, 16:30

Mới đây, một bác sĩ 40 tuổi ở TP Cần Thơ đang khỏe mạnh bỗng đột ngột qua đời. Theo TS BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, nguyên nhân khiến vị bác sĩ này tử vong là do bị vỡ phình mạch máu não, dẫn đến xuất huyết tràn trong não.

Đột quỵ không “chừa” bất kỳ ai

BS Trần Chí Cường cho biết, với những bệnh nhân như vậy, lúc chưa vỡ thường không có biểu hiện lâm sàng, cho tới lúc nào đó có một cơn tăng huyết áp hay mạch máu không chịu nổi rồi vỡ dẫn đến xuất huyết não, hôn mê sâu, nặng sẽ tử vong.

Đề cập đến bệnh đột quỵ, GS.TS Lê Đức Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết, nếu một người bình thường khỏe mạnh đột nhiên đau đầu dữ dội hoặc bất chợt tê một tay, tê nửa người, nói khó, chóng mặt, không nhận thức được hoàn cảnh xung quanh… tức là đã bị đột quỵ. Trường hợp này xảy ra nhanh, đột ngột, rất nguy hiểm, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Theo GS.TS Lê Đức Hinh, có 2 dạng của đột quỵ não là nhồi máu não và chảy máu não. Cả hai đều xảy ra đột ngột. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý…

Tầm soát sớm để dự phòng bệnh đột quỵ. Ảnh TL

Tầm soát sớm để dự phòng bệnh đột quỵ. Ảnh TL

GS.TS Lê Đức Hinh cho biết thêm, ở người lớn tuổi thường là do nhồi máu não hoặc xuất huyết não trên nền yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường… Còn ở người trẻ nguy cơ này ít hơn nhiều. Thông thường đột quỵ não ở người trẻ tuổi thường là người dị dạng mạch não, chỉ thêm một yếu tố thuận lợi như thay đổi thời tiết đột ngột, có tâm lý lo lắng là có thể vỡ chỗ phình mạch máu não đó ra.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn rất nhiều người do chưa thật sự hiểu biết về căn bệnh đột quỵ não dẫn đến nhầm tưởng với một cơn cảm gió hoặc đau đầu thông thường. Lúc này, người bệnh không đến bệnh viện ngay mà lại tự ý mua thuốc cảm uống hoặc chỉ đánh gió cho đến khi bệnh trở nên nặng mới nhập viện thì lúc này khả năng để hồi phục là rất khó khăn và để lại di chứng nặng nề.

Tầm soát sớm để phòng ngừa đột quỵ

Đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm, có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai. Do đó, tầm soát sớm để dự phòng bệnh là vô cùng cần thiết.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cũng như các biến chứng, bệnh nhân đột quỵ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Theo đó, những người hay bị đau đầu, đau nửa đầu hoặc đau khi thời tiết thay đổi nên đi khám để theo dõi bệnh.

Bên cạnh đó, với người lớn tuổi nên đi khám định kỳ để phát hiệm sớm loại trừ những yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường. Đặc biệt, với những người còn trẻ hoặc ở độ tuổi trung niên, nhất là nhóm đối tượng hút thuốc lá, uống bia rượu, dùng các chất kích thích; người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp cần “đi trước một bước”, tức là dự phòng, tầm soát bệnh càng sớm càng tốt để ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cho biết, Hội Đột quỵ thế giới có một thang dự báo đột quỵ. Ví dụ, mỗi ngưỡng tuổi sẽ cho một thang điểm, thêm một yếu tố nguy cơ như hút thuốc, có bệnh lý mạch vành, bệnh lý tim mạch… sẽ quy sang điểm cộng dồn vào điểm của ngưỡng tuổi.

Theo đó, ứng với thang điểm đó sẽ có dự báo trong vòng 5 – 10 năm tới khả năng người này sẽ có bao nhiêu phần trăm xảy ra cơn đột quỵ. Như vậy, dựa vào đó, các bác sĩ sẽ có phác đồ can thiệp để giảm thiểu nguy cơ phát bệnh.

Tuy nhiên, BS Kim Thanh nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là việc chủ động đi khám để dự phòng sớm đột quỵ. Bệnh nhân sẽ được chụp cộng hưởng từ sọ não. Nếu phát hiện bất thường trên mạch não của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

N.Mai