19/01/2025 | 01:20 GMT+7, Hà Nội

“Cấm cửa” căn hộ 25m2: TPHCM đang mâu thuẫn trong chính sách?

Cập nhật lúc: 08/11/2017, 10:48

Câu hỏi này được ông Nguyễn Văn Đực đặt ra trong cuộc trao đổi với Reatimes trước việc TPHCM phản đối xây dựng căn hộ 25m2 vùng ngoại thành song lại “mở cửa” cho loại hình office-tel với diện tích tương đương ở khu vực trung tâm, trong khi mục đích của 2 loại hình này cũng có yếu tố “ở” như nhau.

Những ngày vừa qua, thông tin về việc xây dựng căn hộ thương mại 25m2 đang nhận được sự quan tâm của dư luận, truyền thông, đặc biệt là đối tượng người lao động có thu nhập thấp không ngừng mơ về “giấc mơ có nhà”, đảm bảo cuộc sống và công việc ở những thành phố lớn.

Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa giấc mơ ấy của người nghèo đô thị có lẽ vẫn còn xa khi quan điểm của các cấp chính quyền trong việc cho phép xây dựng căn hộ 25m2 còn nhiều khúc mắc. Trong khi Bộ Xây dựng muốn "bật đèn xanh" cho loại hình căn hộ này thì UBND TPHCM nhất quyết phản đối xây dựng căn hộ thương mại dưới diện tích 45m2.

Theo lý giải của UBND TPHCM, TP lo ngại việc xây dựng căn hộ diện tích nhỏ sẽ làm gia tăng quy mô dân số và áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, đồng thời có nguy cơ xuất hiện tình trạng “khu ổ chuột trên cao”.

Trong khi đó, phúc đáp lại ý kiến này của TP, Bộ Xây dựng cho rằng: “Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự, mỹ quan đô thị không chỉ phụ thuộc vào quy định tiêu chuẩn diện tích tối thiểu căn hộ chung cư mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác”.

Để bàn thêm về câu chuyện này, PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đơn vị đã thí điểm thành công mô hình căn hộ thương mại diện tích nhỏ chỉ từ 39 - 44 - 48 - 62m2 phù hợp với thu nhập của đại đa số cặp gia đình trẻ hiện nay.

PV: Là một trong những doanh nghiệp đã có nhiều năm theo đuổi việc xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ để phục vụ nhu cầu của bộ phận những người thu nhập thấp, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về văn bản phúc đáp của Bộ Xây dựng mới đây,đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả các dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 45m2?

Ông Nguyễn Văn Đực: Bộ Xây dựng đã ủng hộ những căn hộ nhỏ khi cho Đất Lành thí điểm loại hình này từ cách đây 8 năm, với diện tích căn hộ 30 – 40m2. Sau đó, Đất Lành kiến nghị cho phép xây dựng căn hộ 20m2, thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân sau khi vào xem căn hộ mẫu của Đất Lành cũng có quan điểm ủng hộ căn hộ 20m2 từ năm 2009.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, TP.HCM đang mâu thuẫn trong chính sách khi phản đối căn hộ 25m2 nhưng lại cho phép office-tel với diện tích tương đương song có giá cao ngất ngưởng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, TP.HCM đang mâu thuẫn trong chính sách khi phản đối căn hộ 25m2 nhưng lại cho phép office-tel với diện tích tương đương song có giá cao ngất ngưởng hoạt động.

Tuy nhiên, lúc đó TPHCM phản đối quyết liệt về câu chuyện này, thậm chí ngăn không cho Đất Lành làm nhà mẫu 20m2. TP vẫn giữ quan điểm là căn hộ ở TPHCM phải trên 45m2, không chấp nhận căn hộ dưới 45m2, dù ở vùng ven.

Trong suốt 8 năm đó, hàng triệu con người vẫn ở trong những căn phòng 15 – 20m2, tồi tàn, chật hẹp, thiếu an ninh, an sinh, an toàn PCCC.

Trong khi đó, cách đây 5 – 6 năm, Bình Dương đã làm căn hộ 30 – 40m2, lúc đó tôi là người nói rằng “Coi chừng Sài Gòn đi trước về sau”, bởi Sài Gòn phát triển trước với mục tiêu lo nhà ở cho người nghèo nhưng đến giờ vẫn chưa làm được.

Bình Dương hiện đã làm được 10.000 căn hộ diện tích 30m2, giá bán 100 – 200 triệu đồng/căn. Tiếp tục đó là Đồng Nai, Long An đang khởi công những căn hộ 30m2 với giá bán 200 triệu đồng/căn. Cho đến ngày hôm nay, TPHCM không có căn hộ nào cho người nghèo dưới 500 triệu. Vậy thì người nghèo ở đâu?

PV: Dù Bộ Xây dựng đã có văn bản phúc đáp cụ thể về vấn đề này như vậy nhưng quan điểm củaTPHCM vẫn là phản đối. Theo ông, do đâu lại có sự “vênh” nhau trong quan điểm của Bộ Xây dựng và TP như vậy?

Cách đây mấy tháng, tôi có gửi một văn bản đến Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TPHCM, Sở Xây dựng kiến nghị xác nhận lại cho phép cả nước làm căn hộ 25m2. Mặc dù đứng tên đơn là Công ty Đất Lành nhưng cần hiểu rằng, chúng tôi không kiến nghị riêng cho Đất Lành mà kiến nghị chung cho cả nước. Bộ Xây dựng đã trả lời có thể xây dựng căn hộ 25m2 như nhà ở xã hội để làm nhà thương mại cho người nghèo trong khi chờ quy chuẩn quốc gia nhà ở 25m2 sắp ban hành. Song lúc đó, TPHCM lại đưa ra 2 câu chuyện khá buồn lòng.

Thứ nhất, TPHCM nói rằng văn bản Đất Lành kiến nghị là kiến nghị cho riêng Đất Lành, và văn bản Bộ Xây dựng trả lời cũng là chỉ cho phép Đất Lành xây căn hộ 25m2. Đây là một sự hiểu sai nghiêm trọng, khiến dư luận tin rằng Bộ Xây dựng chỉ cho phép Đất Lành xây dựng căn hộ 25m2 chứ không phải cho phép tất cả các doanh nghiệp cả nước.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng thông tin, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã gửi văn bản tới Bộ Xây dựng, đề nghị xây dựng nhà ở thương mại dưới 30m2 bởi thực tế căn hộ dạng này đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình ít người…

Qua đó, Bộ Xây dựng gợi ý UBND TPHCM nên ban hành quy định về diện tích tối thiểu căn hộ chung cư thương mại. Chẳng hạn, đối với khu vực trung tâm TP chọn tỷ lệ 20 - 25% số căn hộ có diện tích nhỏ 25 - 45m2. Riêng vùng ven có thể tỷ lệ tăng hơn.

riêng trên địa bàn TP.HCM, hiện đã có khoảng 3 triệu lao động nhập cư, trong đó hơn 50% là lao động có thu nhập trung bình và thấp.

Riêng trên địa bàn TP.HCM, hiện có khoảng 3 triệu lao động nhập cư, trong đó hơn 50% là lao động có thu nhập trung bình và thấp.

Cần nhìn nhận thực tế rằng, nhu cầu về căn hộ có diện tích nhỏ (dưới 45m2) phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ 2 - 3 người tại các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp là tương đối nhiều. Chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, hiện đã có khoảng 3 triệu lao động nhập cư,trong đó hơn 50% là lao động có thu nhập trung bình và thấp. Những đối tượng này muốn có nhà phải là căn hộ diện tích nhỏ, giá từ 200 – 300 triêu đồng/căn bởi phù hợp với tiềm lực tài chính. Với những căn hộ trên 1 tỷ đồng, đòi hỏi thu nhập của họ phải trên 20 triệu đồng/tháng mới có thể mua được. Trong khi, những người có thu nhập như vậy không nhiều.

PV: Nói gì chăng nữa thì hiện tại, quan điểm của Bộ Xây dựng và TPHCM vẫn không “khớp” nhau và bên nào cũng bảo vệ quan điểm của mình. Thay vì phân tích và lo ngại, liệu nên có giải pháp thực tế nào để chứng minh cho quan điểm của 1 trong 2 đơn vị là đúng và việc cho phép thực hiện là khả thi, không ảnh hưởng tới quy hoạch?

Ông Nguyễn Văn Đực: Động thái của Bộ Xây dựng trong văn bản phúc đáp TP.HCM đã “mở cửa” để các doanh nghiệp tại TPHCM thí điểm xây dựng nhà ở thương mại với diện tích nhỏ.

Dù vậy, để thuyết phục, Bộ Xây dựng cần mạnh dạn đưa ra quy chuẩn quốc gia để xem TPHCM có phản đối nữa không.

Dư luận, truyền thông phải chung tay trong câu chuyện này. Và cần đặt vấn đề với TPHCM, tại sao lại “cấm cửa” căn hộ 25m2 cho người nghèo nhưng lại mở cửa căn hộ office-tel có diện tích tương đương với giá bán cao ngất ngưởng?

Rõ ràng, trong khi TP khăng khăng cự tuyệt căn hộ 25m2 với nhiều lý do như nghẹt đô thị, quá tải hạ tầng xã hội thì lại không có biện pháp nào khắc phục nhưng lại mâu thuẫn cho phép loại hình office-tel ra đời, hoạt động. Lợi thế của loại hình này là diện tích nhỏ, nhưng lại chiếm diện tích của dịch vụ công cộng (nhà trẻ, nhà hàng, thể dục thể thao, siêu thị thương mại...). TP. đã duyệt cho 20.000 căn, không phải ở ngoại ô mà ngay ở quận 1, quận 4,... với giá bán không hề rẻ, ở khu vực trung tâm có thể lên đến 100 triệu đồng/m2.

Đây là sự mâu thuẫn của TPHCM. Bởi về nguyên tắc, căn hộ nào cũng là 25m2, chỉ khác nhau tên gọi. Còn mục đích vẫn là để ở như nhau. Như vậy là bất công với những người nghèo đô thị.

PV: Giả định, nếu TPHCM cùng quan điểm với Bộ Xây dựng, cho phép xây căn hộ 25m2, thì với lo ngại căn hộ 25m2 làm gia tăng quy mô dân số cũng như tăng áp lực đối với hạ tầng giao thông, theo ông phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đực: Mặc dù, Bộ Xây dựng cho phép xây căn hộ 25 – 45m2 ở vùng trung tâm với tỷ lệ 20 – 25%, ở vùng ven với tỷ lệ cao hơn, tỷ lệ này cũng là hợp lý. Song theo tôi, trước mắt khoan làm ở nội thành bởi vì căn hộ này mục đích là cho người nghèo. Do đó, nên tập trung xây dựng ở các quận vùng ven như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú...

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, quy mô dân số sẽ không gia tăng bởi vì không có căn hộ 25m2 thì người dân vẫn ở trọ trong những căn phòng 15 – 20m2 cũ kỹ, chật chội, ẩm thấp. Khi có căn hộ 25m2, họ sẽ từ bỏ dần những căn trọ này. Hơn nữa, căn hộ 25m2 mà chúng tôi đề xuất ở những quận, huyện ngoại thành, sẽ góp phần kéo dân ra, hoàn toàn thuận về quy hoạch, giảm áp lực trung tâm.

- Xin cảm ơn ông!