22/11/2024 | 14:58 GMT+7, Hà Nội

Cấm các hãng bia, rượu quảng cáo, tài trợ: Nên không?

Cập nhật lúc: 24/05/2019, 09:40

Xung quanh việc cấm quảng cáo, tài trợ đối với các nhãn hàng bia rượu, đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nên hay không?

Tranh cãi việc cấm các hãng bia, rượu quảng cáo, tài trợ

Quốc hội đang thảo luận Luật Phòng, chống tác hại của bia, rượu, có ý kiến đề xuất nên cấm các hãng bia, rượu quảng cáo, tài trợ.

Tuy nhiên, phân tích về phía quyền lợi của doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, cấm quảng cáo, tài trợ đối với các hãng bia, rượu, các doanh nghiệp quảng cáo sẽ chịu thiệt hại “ghê gớm”.

Ông Hiếu dẫn chứng: Khoảng 4 - 5% doanh thu của doanh nghiệp bia chi cho quảng cáo. Với doanh số ước tính 10.000 tỷ đồng của Habeco, 34.000 tỷ đồng của Sabeco, 21.000 tỷ đồng của Heniken thì chi phí quảng cáo là rất lớn… Quan điểm này được ông Vũ Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đồng tình.

Tuy nhiên, có một con số khác, hằng năm các doanh nghiệp bia, rượu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 50.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước lại chi 65.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả từ bia, rượu. Với con số này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải cấm các nhãn hàng bia, rượu quảng cáo, tài trợ.

cam quang cao ruou bia giadinhvietnam

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc cấm các hãng bia rượu quảng cáo, tài trợ 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tỷ lệ sử dụng bia, rượu ở Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn mỗi năm. Năm 2017, người Việt đã uống 305 triệu lít rượu bia, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương 161 triệu lít cồn. Dự báo đến năm 2025, mức tiêu thụ bình quân của mỗi người Việt Nam là 7 lít cồn một năm.

 

“Uống rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân tử vong sớm và tàn tật trên thế giới”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đó là những thống kê con số nhìn từ góc độ kinh tế và bệnh tật. Nhưng có nhiều tác hại từ bia, rượu mà chúng ta chưa đo đếm, thống kê một cách chi tiết, cụ thể, đó là những băng hoại đạo đức, xuống cấp các giá trị sống từ gia đình, cộng đồng. Những hệ lụy từ các vụ án, những va chạm, xô lệch trong các mối quan hệ đời sống của người dân. Cũng như những thiệt hại kinh tế, công việc, niềm tin liên quan rượu, bia xảy ra ở công sở, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, nhức nhối nhất là tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng bia, rượu. Các vụ tai nạn thảm khốc xảy ra gần đây đã khiến nhiều người xuống đường với khẩu hiệu “Đã uống bia rượu – Không lái xe”.

Có một điều cũng khiến người dân có ý kiến trái chiều là tài trợ cho chương trình “Đã uống rượu bia- Không lái xe” là hãng bia Heniken.

Đã có ý kiến cần xử lý hình sự (bỏ tù) những người uống rượu bia (kể cả chưa gây tai nạn) lái xe. Chỉ xử phạt tiền thì không thay đổi được hành vi, đặc biệt trong bối cảnh mà rượu bia tràn lan, và thói quen sử dụng bia rượu ở mọi nơi, mọi dịp.

Cấm các hãng bia, rượu quảng cáo, tài trợ, là góp hạn chế hình ảnh bia, rượu lan truyền rộng rãi trong cộng đồng cũng như hạn chế kích thích người dân sử dụng bia, rượu.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ ba châu Á, và nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về tiêu thụ bia rượu. Hệ lụy, tác hại bia, rượu đối với đời sống kinh tế, thể chất, tình cảm… của người dân thì khó mà đo đếm hết được.

Cấm quảng cáo, tài trợ đối với các nhãn hàng bia, rượu, tại sao không?