Cách phân biệt và chọn các loại bưởi ngon
Cập nhật lúc: 07/08/2015, 08:37
Cập nhật lúc: 07/08/2015, 08:37
Bưởi là loại quả không chỉ bổ dưỡng cơ thể mà còn là một vị thuốc quý. Bưởi bổ sung vitamin C làm tăng sức đề kháng của cơ thể, chống oxy hóa, giảm stress, các bệnh liên quan với hen suyễn và viêm khớp.
Với lượng vitamin A, vitamin C cao, bưởi giúp duy trì đủ độ ẩm trong da, bảo vệ da khỏi bị khô, bệnh vảy nến, mụn trứng cá và nếp nhăn. Dưới đây là cách chọn bưởi ngon phân biệt các loại bưởi nổi tiếng ở Việt Nam.
Bưởi Năm Roi là một giống bưởi nổi tiếng ở Việt Nam được trồng nhiều ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ (nhất là Vĩnh Long và Hậu Giang). Mỗi năm, giống bưởi này cho thu hoạch hai lần vào tháng 8 và tháng Chạp âm lịch.
Trong quá trình chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã tuyển chọn được một số cá thể bưởi Năm Roi tốt, có các đặc điểm như : Dạng trái hình quả lê đẹp, vỏ vàng khi chín, con tép tróc khỏi vách múi và bó chặt nhau, nước quả khá, hương vị thơm ngon, không the đắng và đặc biệt là không hạt.
Khi chọn mua bưởi Năm Roi, nên chọn những quả có trên 1kg (bưởi Năm Roi nếu được chăm sóc kỹ khi chín có thể đạt trọng lượng gần 2kg), cầm nặng tay, cuống còn tươi, da căng và ửng vàng. Giống bưởi Năm Roi ăn ngon nhất là sau khi hái từ 1-2 tuần. Nếu chọn bưởi Năm Roi để ăn, nên chọn những quả vàng, hơi héo mới là quả ngọt.
Bưởi Diễn là tên gọi chung cho giống bưởi được trồng ở khu vực Cầu Diễn, Đức Diễn, Kiều Mai, xã Phú Diễn và xã Minh Khai, huyện Từ Liêm. Cứ đến hẹn lại lên, khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch, bưởi Diễn vào vụ chính.
Để chọn được bưởi Diễn ngon nên chọn quả có cuống nhỏ, quả tròn đều, không dài, căng vỏ, vỏ có màu vàng sẫm và cầm chắc tay, nặng từ 9 lạng – 1cân. Người mua nên chú ý loại bưởi nhỏ, chỉ to bằng khoảng 2 nắm tay, vỏ mỏng, lớp vỏ ngoài xấu, có mùi thơm nhẹ, dễ chịu.
Với những quả có vỏ đã hơi héo, người mua chỉ cần bóp nhẹ cũng đã có cảm giác thấy ruột bên trong. Những quả bưởi này phần lớn là bưởi lứa hoa 1 nên rất ngọt, thơm. Trong khi đó, các lứa hoa thứ 2 trở đi bưởi sẽ xốp, vỗ vào nghe rỗng, không chắc, ăn ngọt nhưng không đậm. Tuy nhiên, loại quả này bền, để được lâu.
Bưởi Diễn thật có thể để được từ 3 đến 4 tháng và càng để lâu, héo, ăn càng thơm, giòn, ngọt.
Bưởi da xanh hiện đang là giống bưởi có giá thành cao hơn so với các loại bưởi khác trên thị trường. Bưởi da xanh đặc biệt là giống da xanh Bến Tre, múi to, màu hồng, ngọt dịu, không đắng, dễ bóc, là loại bưởi rất được ưa thích hiện nay.
Người đầu tiên trồng giống bưởi da xanh tại Bến Tre là ông Trần Văn Luông (Sáu Luông). Khoảng năm 1940 ông Sáu Luông đi dự đám giỗ, ăn được giống bưởi ngon nên đem 3 hột về trồng. Khi thấy nhiều người xin giống về trồng ông Bùi Thiện Mỹ (Năm Mỹ) cũng đến vườn bưởi ông Sáu Luông xin chiết nhánh. Năm 1996, ông Năm Mỹ đem giống bưởi da xanh này dự thi ở Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và đoạt giải nhì.
Nếu mua ăn trong gia đình nên chọn trái nặng trung bình 1 - 1,5 kg, da láng, màu xanh vỏ bưởi hơi ngả vàng, trái nhỏ nhưng nặng. Không chọn trái có da nhăn nhúm, xanh đậm.
Để chọn được bưởi ngon ngọt, mọng nước, bạn cần chú ý tới phần vỏ bên ngoài: da bóng, gai nở, trái tròn và khi cầm lên phải nặng tay. Nhiều người không để ý đến những nốt gai trên vỏ bưởi, nhưng đó chính là dấu hiệu giúp bạn nhận biết trái bưởi đó già hay non, bưởi càng già thì nốt gai trên vỏ càng lớn.