19/01/2025 | 12:02 GMT+7, Hà Nội

Cách giúp trẻ đối phó với bắt nạt trên mạng

Cập nhật lúc: 06/12/2019, 20:00

Phụ huynh không nên cùng con trả thù những kẻ bắt nạt trên mạng mà cần trấn an, trao quyền để con có những hành động tích cực.

Bắt nạt trên mạng là việc sử dụng các công cụ truyền thông kỹ thuật số (như Internet, điện thoại di động) để khiến người khác cảm thấy tức giận, buồn bã hoặc sợ hãi nhiều lần. Ví dụ điển hình cho hình thức bắt nạt này là gửi tin nhắn, nhắn tin gây tổn thương, đăng ảnh hoặc video đáng xấu hổ của người khác lên mạng xã hội và lan truyền những tin đồn.

Phụ huynh nên làm gì nếu con bị bắt nạt?

Phát hiện ra con bị bắt nạt sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái có phần tiêu cực. Bạn và con có thể muốn trả đũa nhưng cách tốt nhất là hãy giúp con xoa dịu tình hình, bảo vệ bản thân và nỗ lực để ngăn chặn hành vi bắt nạt. Dưới đây là một số bước bạn có thể làm:

- Hãy trấn an con rằng bạn luôn yêu thương và ủng hộ con.

- Giúp con bước ra khỏi thế giới máy tính hoặc các thiết bị và nghỉ ngơi.

- Nếu bạn có thể xác định được người bắt nạt, hãy xem xét việc nói chuyện với phụ huynh của người đó.

- Hãy xem xét việc liên hệ với trường của con bởi nếu bắt nạt đang diễn ra trên mạng thì rất có thể nó cũng đang xảy ra ở thực tế.

- Trao quyền cho con với các bước cụ thể mà chúng có thể thực hiện.

Shutterstock

Phụ huynh nên khuyên con làm gì?

Không phải lúc nào con cũng nhận ra mình bị trêu chọc và bắt nạt. Một số trẻ cũng có thể quá xấu hổ hoặc bối rối khi nói chuyện với bố mẹ về điều đó. Đó là lý do tại sao việc nói về các hành vi bắt nạt trực tuyến trước khi con sử dụng điện thoại và tương tác với người khác qua mạng xã hội là rất quan trọng.

Để chuẩn bị cho con sử dụng điện thoại di động hoặc mạng xã hội, hoặc nếu biết con đã bị bắt nạt trực tuyến, hãy đưa ra các bước con có thể thực hiện ngay như sau:

- Đăng xuất khỏi máy tính, bỏ qua các cuộc tấn công qua mạng.

- Không trả lời hoặc trả đũa. Nếu tức giận hoặc bị tổn thương, con có thể nghĩ đến những điều khiến con hối hận về sau. Kẻ bắt nạt trên mạng thường muốn nhận phản ứng từ con. Vì vậy, đừng để họ thấy kế hoạch của họ hiệu quả.

- Chặn kẻ bắt nạt bằng cách xóa người đó ra khỏi danh sách bạn bè nếu nhận được tin nhắn mang thông điệp xấu, xóa tin nhắn mà không cần đọc chúng.

- Nếu vẫn tiếp tục bị quấy rối, hãy lưu và in tất cả tin nhắn mang tính bắt nạt lại để làm bằng chứng. Đây có thể là bằng chứng quan trọng để chỉ cho phụ huynh hoặc giáo viên biết nếu việc bắt nạt không dừng lại.

- Chia sẻ với một người bạn đáng tin cậy khi cảm thấy tồi tệ.

- Nói với người lớn đáng tin cậy - người có thể sẵn sàng lắng nghe con và có kỹ năng, mong muốn, quyền hạn để giúp đỡ con.

Phụ huynh làm thế nào để báo cáo về bắt nạt trực tuyến?

- Nếu con bị bắt nạt trên một trang web hay ứng dụng, hãy truy cập vào website chính thức của đơn vị đó và tìm phần hỗ trợ, chẳng hạn như "Trung tâm an toàn", "Lời khuyên an toàn" hoặc những mục tương tự. Nó có thể đưa ra các đề xuất như chặn kẻ bắt nạt hoặc thay đổi cài đặt đối với những người có thể liên hệ với con.

- Nếu con bị bắt nạt hoặc quấy rối qua tin nhắn văn bản, hãy gọi cho nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại để báo cáo về số máy đó. Con có thể chặn số đó hoặc thay đổi số điện thoại của mình.
- Nếu vẫn tiếp tục bị quấy rầy, hãy tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng như trường học, các phụ huynh khác. Nếu các tin nhắn bắt nạt có chứa nội dung tiềm ẩn các mối đe dọa nghiêm trọng, con cần báo cho cơ quan thực thi pháp luật.

Trao quyền cho con để có hành động tích cực

Các chuyên gia cho rằng các cuộc bắt nạt trực tuyến thường có sự tham gia của nhiều trẻ, khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt, khi việc bắt nạt được đăng công khai trên mạng, mọi người đều có thể tham gia vào. Con bạn có lúc bị bắt nạt nhưng rất có thể ở một tình huống khác lại trở thành kẻ đi bắt nạt người khác, hùa theo những trò quấy rối của những đứa trẻ trên mạng.

Vì vậy, bạn nên giúp con xác định vai trò trong các tình huống bắt nạt trực tuyến, qua đó giúp con phát triển sự tự nhận thức và cảm giác đồng cảm. Những điều này sẽ đi theo con đến mãi sau này, giúp con trau dồi văn hóa tôn trọng và trách nhiệm khi tham gia các hoạt động trực tuyến.

Bạn cần dạy để con nhận ra rằng xây dựng thế giới an toàn là trách nhiệm của mọi người. Bạn nên trao quyền để con thực hiện các hành động tích cực như tố cáo một kẻ bắt nạt, báo cáo bình luận độc ác hoặc không chuyển tiếp một bức ảnh, video làm nhục người khác trên mạng.