Cha mẹ nên làm gì để con tránh bị “bắt nạt học đường”?
Cập nhật lúc: 02/04/2019, 07:00
Cập nhật lúc: 02/04/2019, 07:00
Theo nghiên cứu, hiện có 3 loại bắt nạt học đường: bắt nạt bằng hành động, bằng lời nói (bị chê bai, nói xấu) và bằng cách tẩy chay. Khi bị bắt nạt, bé sẽ trở nên tự ti, lo lắng hay sợ hãi, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và kết quả học tập của mình.
cha mẹ thì không phải ai cũng đủ chiêu để bày cho con cách đối phó và tự giải quyết dứt điểm tình trạng này. TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khuyên cha mẹ nên có phương pháp “xử lý” cả với con mình và đám trẻ bắt nạt con mình.
Dưới đây là những cách cha mẹ nên làm để con tránh bị “bắt nạt học đường”:
1. Hỏi han và lắng nghe bé
Một cách hiệu quả để ngăn chặn bắt nạt là nói chuyện với con về vấn nạn này. Đừng chỉ mải hỏi han học tập hay thành tích, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề đang xảy ra ở trường. Bé có thể sẽ sợ hãi không dám kể chuyện bị bắt nạt, vì vậy các phụ huynh cũng cần động viên và an ủi con
Đối với con trẻ, việc được cha mẹ lắng nghe là rất quan trọng. Bạn cũng không nên trách móc hay phê phán con mà nên giải thích cho bé hiểu. Hãy làm người con tin tưởng nhất và luôn kể mọi chuyện với bạn đầu tiên để kịp thời phát hiện tình trạng bị bắt nạt học đường và có biện pháp xử lý nhé.
Ảnh minh họa |
2. Không mách cô giáo và cũng không xúi con mách cô
Tâm lý trẻ cực kì ghét kiểu “mách tội” và hoàn toàn chưa ý thức được hậu quả những việc làm của mình nên chiêu này dễ gây tác dụng ngược, khó kiểm soát hậu quả. Có khi con còn bị nhiều bạn "tẩy chay" hơn.
TS Vũ Thu Hương chia sẻ câu chuyện có thật rằng, một học sinh bị bắt nạt, bị đánh, mẹ đến mách cô. Hôm sau, lũ trẻ không đánh thằng bé nữa mà tạt nước nóng vào người nó. Trẻ không biết đâu là điểm dừng và chưa nhận thức hết những nguy hiểm của các hành động. Vì thế, nếu chúng ta dùng uy quyền của “nhà cầm quyền” là cô giáo để xử thì chúng ta rất dễ nhận hậu quả cay đắng.
3. Phân tích cho con nguyên nhân con bị bắt nạt
Cha mẹ nên ân cần phân tích cho con chính vì con bị cô lập nên khi bị bắt nạt, không ai giải cứu con. Chắc chắn các bạn sẽ chẳng dám làm gì nếu như con có một đám bạn bè đông đảo. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm ngay khi con có vẻ không có bạn. Hãy quan sát và suy nghĩ xem tại sao con không có bạn và xử lý ngay trước khi sự việc trở nên xấu hơn.
Bên cạnh đó, bạn nên động viên con phấn đấu và rèn luyện để có kết quả học tập thật tốt. Sự tự tin về kiến thức sẽ là một phần quan trọng giúp con có được sự nể phục của bạn bè và theo đó nguy cơ bị bắt nạt chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.
4. Không khuyến khích trả đũa bằng bạo lực
Một điều các phụ huynh cần lưu ý, đó là không bao giờ khuyến khích bạo lực để ngăn chặn bắt nạt. Việc đáp trả bằng bạo lực chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn, hay thậm chí biến con thành một người chuyên đi bắt nạt các bạn khác. Tùy trường hợp, cha mẹ phân tích cho bé và dạy con cách ứng xử hoặc báo với người lớn để được hỗ trợ.
5. Hướng dẫn bé cách tránh xa kẻ bắt nạt
Các bé bị bắt nạt thường sẽ lo lắng và sợ hãi, thậm chí im lặng chịu đánh mắng từ các bạn khác. Nhưng đó không phải là cách tốt để bé chống lại bắt nạt học đường. Tốt nhất, khi gặp tình trạng bị bắt nạt, bạn nên hướng dẫn bé bỏ chạy thật nhanh chứ đừng im lặng chịu trận. Sau đó bé hãy nhanh chóng cầu cứu người khác, có thể là cô giáo, phụ huynh, hay người lớn hơn có khả năng ngăn chặn sự việc.
Nếu gặp trường hợp bị trêu chọc, nói xấu, cha mẹ cũng nên dạy bé cách nhẫn nhịn, im lặng về đi về phía đông người. Khi bé không phản ứng lại, những đối tượng đó sẽ không có cơ hội hành động thêm.
6. Dạy con kết bạn
Theo nghiên cứu, trẻ em không có bạn bè thường là đối tượng bị tẩy chay và bắt nạt nhiều nhất. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con cách “chọn bạn mà chơi”. Khi có bạn bè xung quanh, con không những vui vẻ hơn, hòa đồng hơn, mà còn tránh xa được những đối tượng hay đi bắt nạt người khác.
7. Hãy để con tự giải quyết vấn đề của mình
Đơn giản vì ra đời ai cũng có thể gặp phải các tình huống bị bắt nạt. Vì vậy, để tạo kỹ năng tốt thích nghi với hoàn cảnh, bố mẹ nên để con tự xử lý khủng hoảng ngay từ nhỏ. Điều quan trọng cần làm là ủng hộ con, sát cánh cùng con, lắng nghe con chia sẻ, tâm sự hàng ngày. Nếu con tự giải quyết ổn thỏa vấn đề, cha mẹ cần có lời ca ngợi, động viên, khích lệ kịp thời để con thấy con chẳng hề kém cỏi, chẳng ai bắt nạt được con.
8. Can thiệp khi cần thiết
Nhiều người lớn đứng ngoài chuyện bắt nạt vì họ nghĩ đó là trò đùa của con trẻ. Nhiều trẻ em lại nghĩ đó là điều sai trái và xấu hổ nên không dám nói với bố mẹ. Chính điều này lại làm tình hình tệ hơn. Vì vậy các bậc phụ huynh nên thường xuyên hỏi han bé, liên lạc với thầy cô ở trường để phát hiện kịp thời khi có tình trạng bắt nạt xảy ra.
Nếu sự việc không thể giải quyết, cha mẹ cần có biện pháp mạnh hơn như gặp trực tiếp bạn bắt nạt con mình, trao đổi với nhà trường và phụ huynh những em hay đi bắt nạt người khác để có biện pháp xử lý triệt để.
Nguyễn Sinh (Tổng hợp)
08:26, 29/03/2019
08:04, 19/02/2019
10:41, 26/01/2019