18/01/2025 | 11:53 GMT+7, Hà Nội

Các thương hiệu Việt đã "bán mình": Được cả đôi hoặc mất cả cụm!

Cập nhật lúc: 01/10/2019, 11:11

Thương hiệu là một tài sản vô hình nhưng nó cũng là một loại hàng hóa nên có thể bán hoặc mua và mục đích cuối cùng là vụ mua bán đó có lợi gì cho hai bên.

Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận thị trường Việt thông qua con đường này. Điều đó đã đem lại cả mặt lợi và hại cho các doanh nghiệp nội địa.

Được cả đôi 

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.

Đã từ lâu, M&A là hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh trên thế giới, còn ở Việt Nam, hoạt động này mới bắt đầu chưa lâu nhưng ngày càng sôi động và hứa hẹn bùng nổ trong thời gian tới. M&A cũng là cách để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta. 

“Dù mua bán bằng cách nào và vì mục đích gì thì thương hiệu cũng là một loại hàng hóa nên quan trọng là hoạt động đó có tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, công khai minh bạch và cạnh tranh hay không mà thôi”.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chuyện mua bán thương hiệu là một hoạt động bình thường của nền kinh tế thị trường. Với các thương hiệu như P/s, Diana, Highlands Coffee, X-Men,… đã bán mình cho doanh nghiệp nước ngoài và đã thành công là một hướng đi đúng đắn cả tầm vi mô và vĩ mô. Nó được chứng minh bằng kết quả kinh doanh của các thương hiệu đó trước và sau khi bán và họ đang đi đúng hướng và có tiến triển cho nền kinh tế, do đó cần phải phát triển.

Nhưng theo chuyên gia, để đánh giá chính xác được các thương hiệu Việt được các doanh nghiệp nước mua lại trong những năm qua đã phát triển như thế nào, điều này phụ thuộc vào những mục tiêu và vị thế của nhà tìm chuyển nhượng. Đơn cử như những doanh nghiệp mua lại Nguyễn Kim, P/S, X-Men đang kinh doanh đúng lĩnh vực họ đang phát triển nên họ mua để thôn tính hoặc mở rộng thị trường của mình. 

“Dù mua bán bằng cách nào và vì mục đích gì thì thương hiệu cũng là một loại hàng hóa nên quan trọng là hoạt động đó có tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, công khai minh bạch và cạnh tranh hay không mà thôi”, ông Ánh nói.

Thương vụ mua bán Highland Coffee là đã đem lại rất nhiều giá trị cho thương hiệu này.

Cùng với ý kiến của ông Ánh, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đối với những doanh nghiệp cũ hoạt động M&A đã đem về cho nhà nước một số tiền lớn, cung cấp được kinh nghiệm quản trị, bơm một dòng máu mới vào doanh nghiệp,... điều này sẽ làm mới thị trường của Việt Nam.

Còn đối với những doanh nghiệp mới cũng vậy, hoạt động M&A tạo sức sống tốt hơn cho họ. Do đó, chúng ta cần độ mở của nền kinh tế để kích thích doanh nghiệp ngoại xây dựng hạ tầng Việt Nam, như vậy sự đóng góp của vốn ngoại mới có tính lâu dài, hiệu quả.

“Cái quan trọng nhất của Nhà nước không phải bán doanh nghiệp nào mà doanh nghiệp đó vẫn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và gia tăng giá trị cho kinh tế cho đất nước”.

Ngoài ra, hoạt động M&A còn nâng cao năng lực sản xuất của Việt Nam. Ví dụ như Sabeco sau khi được thâu tóm được tái cấu trúc rất mạnh mẽ. Năm vừa rồi, Sabeco lãi đột biến lên 8.000 tỷ đồng. Lãi tăng cao sẽ đi kèm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, trong khi trước đó nhà nước cũng thu được thuế từ việc bán lại cổ phần của doanh nghiệp đó.

“Cái quan trọng nhất của Nhà nước không phải bán doanh nghiệp nào mà doanh nghiệp đó vẫn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và gia tăng giá trị cho kinh tế cho đất nước”, ông Nam chia sẻ.

"Về cơ bản, các thương hiệu Highland Coffee, X-Men, Diana, P/S, Nguyễn Kim,… sau khi bán lại cho các doanh nghiệp nước ngoài đều đã có sự thay đổi ngoạn mục, không chỉ được biết đến ở Việt Nam mà vươn ra thế giới."

Đó là đánh giá của các chuyên gia và cơ quan quản lý, còn dưới góc nhìn của chuyên gia truyền thông lại thấy có một điểm lợi mới. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long,  khi được các doanh nghiệp nước ngoài mua, điều đầu tiên phải kể đến là vốn, rồi đến quản trị, truyền thông, chuỗi cung ứng. Có những doanh nghiệp khi đứng một mình thì không được vào các chuỗi cung ứng, nhưng khi được mua lại thì họ sẽ được tham gia vào một chuỗi liên kết rộng mở và bền chặt.

Ví dụ, như P/S, khi rơi vào tay của Unilever đã được tham gia vào một chuỗi cung ứng rộng lớn khắp cả nước, từ khâu sản xuất tới phân phối và bán sản phẩm của Unilever. Như vậy, các thương hiệu sẽ được thừa hưởng chuỗi và hỗ trợ cho nhau.

"Như vậy, về cơ bản, các thương hiệu Highland Coffee, X-Men, Diana, P/S, Nguyễn Kim,… sau khi bán lại cho các doanh nghiệp nước ngoài đều đã có sự thay đổi ngoạn mục, không chỉ được biết đến ở Việt Nam mà vươn ra thế giới", ông Long nói. 

Sau khi bán mình, thương hiệu X-Men đang trở thành một trong những thương hiệu dành cho nam bán chạy nhất hiện nay

Mất mất cả cụm

Nhìn đi cũng phải nhìn lại, sau khi thực hiện các thương vụ M&A, các thương hiệu Highland Coffee, X-Men, Diana, P/S, Nguyễn Kim,… đều có sự lột xác, đem lại doanh thu khủng, nhưng nhiều thương hiệu đã bị “xóa sổ” trong “tích tắc” biến thành thương hiệu của nước ngoài.

Đơn cử như P/S do Công ty Hóa phẩm P/S thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM phát triển từ năm 1975 và nó đã có 20 năm dẫn đầu trên thị trường chăm sóc răng miệng Việt Nam. Thời kỳ đó, thương hiệu này là niềm tự hào của hàng tiêu dùng Việt, là dấu ấn khó có thể phai mờ.

Khi Unilever thâm nhập thị trường Việt năm 1995, hãng đã xúc tiến đàm phán để được chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng P/S. Ban đầu, Unilever đề nghị liên doanh, cùng hợp tác khai thác nhãn hiệu P/S. Tuy nhiên, Công ty Hóa phẩm P/S ngày càng đuối sức trong liên doanh kể từ khi liên doanh thay đổi công nghệ phát triển. Không lâu sau, năm 1998, khi không thể chống chọi với thua lỗ, ông Trịnh Thành Nhơn - ông chủ của Dạ Lan phải bán nốt 30% cổ phần còn lại cho đối tác.

Như vậy, chỉ sau vài năm liên doanh, các nhãn hiệu kem đánh răng Việt Nam - P/S hoàn toàn rơi vào tay các công ty 100% vốn nước ngoài. Đến nay, ông Trịnh Thành Nhơn – ông chủ của thương hiệu P/S vẫn còn ngậm ngùi khi nhớ lại thương vụ này.

P/S đã bị xóa xổ khỏi cái tên Dạ Lan ngay sau khi bán mình, hiện giờ, người tiêu dùng chỉ biết đó là sản phẩm của Unilever

Hay như Sabeco, ThaiBev hiện đã đưa người vào HĐQT Sabeco, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp bia này. Hiện vẫn chưa rõ ông chủ Thái ứng xử ra sao với thương hiệu Bia Sài Gòn giữa làn sóng hàng Thái đang và sẽ đổ bộ tràn ngập thị trường Việt Nam, dù cho trong điều khoản thỏa thuận, ThaiBev phải giữ cái tên Bia Sài Gòn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tương lai số phận của Sabeco không biết sẽ đi về đâu khi bị rơi vào tay người nước ngoài.

Theo ý kiến của chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khi phân tích về thương vụ M&A của P/S, chúng ta sẽ thấy rõ việc mua bán này bị mất cả cụm như thế nào. "Ban đầu, họ chỉ định bán một phần cho các đối tác nước ngoài, nhưng các đối tác nước ngoài lại rất lọc lõi trong việc đặt ra yêu cầu mua bao nhiêu %, ngoài tỉ lệ sở hữu họ lại muốn có thêm quyền điều hành. Đây là cách để họ thâu tóm dần dần các doanh nghiệp Việt bằng cách khiến cho doanh nghiệp đó bị lỗ.

Unilever liên tục duy trì lỗ đó từ năm này qua năm khác và càng ngày càng tăng vốn điều lệ lên, điều này bắt buộc Công ty Hóa phẩm P/S góp tiền vào. Doanh nghiệp trong nước bị đuối và đến một ngày họ sẽ phải tự quyết định bán luôn số cổ phần còn lại. Đó cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài từng làm”, anh Long chia sẻ.

Ngoài việc bị các doanh nghiệp thâu tóm mất đi thương hiệu, một vấn đề quan trọng khác cũng được các chuyên gia đề cập tới đó là “hoạt động M&A cho nhà đầu tư ngoại đã đóng góp được những gì cho nền công nghiệp hóa của Việt Nam”?

Các chuyên gia đánh giá, dưới làn sóng tấn công ồ ạt vào thị trường tiêu dùng Việt Nam, Nguyễn Kim sẽ dần bị mai một và sẽ trở thành thương hiệu của Thái Lan

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc tham gia hoạt động mua bán doanh nghiệp của khối nước ngoài với doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp hiện hữu vẫn thuần túy là hoạt động đầu tư thương mại đơn thuần, không đóng góp nhiều cho nền kinh tế và cho sự phát triển của Việt Nam nói chung trong tương lai. Nó khác với Trung Quốc, các hãng trên thế giới đem cả công nghệ đến Trung Quốc.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp là đóng góp cho xã hội và đóng góp cho nền kinh tế, đó là đóng lớn nhất cho định hướng phát triển của nền kinh tế chứ không thuần túy là tiền.

“Hoạt động M&A từ trước tới nay đã giúp nâng tầm công nghệ của Việt Nam, trong khi định hướng của Việt Nam trong 30 năm nay là định hướng phát triển về công nghệ. Nghị quyết phát triển của Đảng trong 2 khóa vừa qua đều là hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Hiện đại hóa, công nghiệp hóa đều là công nghệ trình độ cao”, ông Nam chia sẻ.

Kết cục, cuộc đua "bán mình" cho các doanh nghiệp nước ngoài đã khiến nhiều thương hiệu Việt đình đám một thời lui vào dĩ vãng.