22/11/2024 | 05:42 GMT+7, Hà Nội

Các phân khúc bất động sản diễn biến ra sao trong năm 2023?

Cập nhật lúc: 09/01/2023, 13:45

Bất chấp khó khăn, thị trường bất động sản 2023 vẫn có điểm sáng. Dự báo, phân khúc nhà ở, giá đi ngang, Bất động sản công nghiệp được đánh giá lạc quan, phân khúc BĐS bán lẻ khởi sắc và sẽ bị ảnh hưởng nhẹ.

Thị trường bất động sản năm 2023 được đánh giá sẽ có những chuyển biến tích cực nhờ vào nỗ lực giải quyết các tồn tại của thị trường như thúc đẩy giải quyết thủ tục pháp lý, ổn định hoạt động thị trường trái phiếu, hoàn thiện hóa khung pháp lý từ việc thông qua các dự thảo Luật sửa đổi như Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và các nội dung liên quan, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Năm 2022, thị trường bất động sản nhiều sự kiện nổi bật

Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản 2022 của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho thấy, sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 (cuối năm 2021 – đầu năm 2022), thị trường dần sôi động khi lượng giao dịch và giá một số khu vực không ngừng tăng, dẫn đến tình trạng sốt đất trên diện rộng.

Việc UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm là cơ sở để chính quyền đánh giá lại toàn bộ bức tranh thị trường, đồng thời phát triển bất động sản Thủ Thiêm một cách bền vững hơn.

Cùng với đó là chính sách siết tín dụng và tăng lãi suất cho vay ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Công tác thanh kiểm tra và xử lý sai phạm trên diện rộng đối với nhiều doanh nghiệp nhằm lành mạnh hóa thị trường, trong ngắn hạn đã có những tác động rất lớn về đối với tâm lý và niềm tin thị trường.

Đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, khách hàng, tính thanh khoản, vốn, trái phiếu…, hàng loạt chủ đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh giá sản phẩm, tái cấu trúc danh mục tài sản, bán bớt tài sản để mua lại trái phiếu trước hạn… nhằm đưa công ty về trạng thái an toàn nhất có thể.

Theo đơn vị này, trong năm vừa qua, nhiều chính sách, dự thảo nổi bật cũng được ban hành và nhận được sự quan tâm của cộng đồng, như đề xuất chính sách sở hữu chung cư có thời hạn; đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2; bỏ khung giá đất, xác định theo giá thị trường; ban hành mẫu hợp đồng mua bán & Quy định giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn hộ du lịch (condotel), FERI cho hay.

FERI  nhận định: "Các dự thảo này được đánh giá là nỗ lực của nhà nước trong việc định hình, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn, giảm tình trạng đầu cơ, sốt ảo. Tuy nhiên, cần xây dựng một hệ thống dữ liệu, đưa ra các quy định cụ thể để giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng".

Dự báo các phân khúc bất động sản 2023

Năm vừa qua, bất động sản văn phòng là một trong những phân khúc được ghi nhận phục hồi khá sau giai đoạn hậu Covid, với nguồn cung mới tăng nhẹ, giá thuê và tỷ lệ hấp thụ đã cải thiện tương đương mức trước dịch, theo FERI chia sẻ.

Đến năm 2023, dự báo phân khúc này sẽ bị ảnh hưởng nhẹ do các doanh nghiệp giảm quy mô, chi phí, thuê văn phòng diện tích nhỏ hơn, hoặc chuyển sang xu hướng chọn không gian làm việc chung với chi phí tối ưu hơn.

Ở bất động sản bán lẻ, các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường khiến giá thuê tăng cao, việc trả mặt bằng diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ từ chủ đầu tư. Giai đoạn này, ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao hơn ở khu vực ngoài trung tâm.

Dự báo, năm 2023 vẫn là một năm khởi sắc của phân khúc này khi xu hướng mở rộng của các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam (đặc biệt ngành hàng siêu thị) vẫn tăng cao.

Bất động sản công nghiệp cũng là một điểm sáng trong năm qua khi liên tục tăng về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Giá thuê cao do nguồn cung hạn chế, tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ theo năm (bình quân ước đạt trên 82%). Phân khúc này tiếp tục được đánh giá lạc quan trong năm sau khi dự báo giá thuê không giảm, ghi nhận xu hướng đầu tư vào nhà kho/nhà xưởng xây sẵn, logistics, data centers.

Còn bất động sản nhà ở chịu nhiều ảnh hưởng từ những yếu tố biến động khách quan, chủ quan của thị trường, chưa thể có sự phục hồi nhanh như kỳ vọng trong trong năm qua. Nguồn cung khan hiếm khiến giá bán tăng nhẹ, cộng với chính sách siết tín dụng bất động sản khiến tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh từ quý III/2022, và càng giảm sâu hơn trong quý IV/2022.

Nguồn cung nhà ở được dự báo vẫn chưa có cải thiện nhiều trong năm 2023 do vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ, giá bán đi ngang, tỷ lệ hấp thụ được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn từ cuối quý II đầu quý III/2023 – khi các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn thị trường từ Chính phủ và các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát huy tác dụng.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, đây là thời cơ cho người làm môi giới có kỹ năng, chất lượng phục vụ cao, kiến thức chuyên sâu kiến thức chuyên sâu trụ lại và dẫn dắt thị trường. Thị trường hiện tại còn là cơ hội cho những doanh nghiệp môi giới sở hữu mô hình, quy trình chuyên nghiệp, có liên kết tốt với chủ đầu tư, chính sách chăm sóc khách hàng tốt, tiềm lực tài chính mạnh.

Ông Hoàng khuyến nghị, người môi giới nên tiếp tục sàng lọc, lựa chọn kênh, đơn vị bán hàng có uy tín, phân khúc sản phẩm phù hợp với khả năng. Kiên định trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao kiến thức, đạo đức hành nghề.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cac-phan-khuc-bat-dong-san-dien-bien-ra-sao-trong-nam-2023-74937.html