25/01/2025 | 00:40 GMT+7, Hà Nội

Các phân khúc bất động sản cuối năm: Chỗ tăng cao, chỗ vẫn leo lắt phục hồi

Cập nhật lúc: 23/11/2020, 13:30

Thị trường BĐS giai đoạn cuối năm trở nên sôi động hơn với xu hướng tăng giá ở phân khúc bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những "nốt trầm" với bất động sản du lịch.


Báo cáo quý III/2020 của Bộ Xây dựng cho hay, mặc dù trải qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần 2 nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường bất động sản trong quý III đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ… vẫn rất lớn. Đặc biệt, trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản.

Bất động sản công nghiệp tăng tới 30%

Theo báo cáo này, trong quý III/2020, tỷ lệ lấp đầy bình quân ghi nhận tại các khu công nghiệp của bốn tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%.

Đặc biệt, các khu công nghiệp đang hoạt động ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đã đạt tỷ lệ lấp bình quân trên 80%, riêng đối với TP.HCM, tỷ lệ này đã đạt trên 90%. Mức giá chào thuê đất tại một số khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai và Long An tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng duy trì ở mức tích cực, khoảng 78%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%. Giá thuê của một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương tăng từ 20% đến 30% so với năm trước.

Trong quý III/2020, mức giá chào thuê đất tại một số khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai và Long An tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm 2019. (Ảnh: Sưu tầm)

Như vậy, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam, hay việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam…

Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Bất chấp những khó khăn chung của thị trường và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Dự báo trong trung và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn 2020 và thời gian tới”.

Tuy nhiên, trước những đánh giá về tốc độ phát triển, cũng như tiềm năng của phân khúc này thì một số chuyên gia vẫn cho rằng, không nên quá chủ quan để rồi đầu tư một cách ồ ạt thiếu kiểm soát.

Bất động sản nhà ở: Nguồn cung trên đà tăng cao

Bên cạnh bất động sản công nghiệp, Báo cáo cũng công bố số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý III/2020 tăng mạnh. Tổng số nhà ở đủ điều kiện được bán tăng khoảng 82% so với quý trước. Nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, trong quý III vừa qua có 77 dự án với 35.614 căn hộ được các Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội có 13.300 căn hộ, tăng 79,5%; tại TP.HCM có 6.722 căn hộ, tăng 70%.

Về lượng giao dịch, Bộ Xây dựng cho biết, có 36.884 giao dịch bất động sản thành công, tăng khoảng 110 - 125% so với quý II/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Riêng tại Hà Nội có 2.966 giao dịch thành công (bằng 219% quý II/2020), tại TP.HCM có 6.722 giao dịch thành công (bằng 170,6% quý II/2020).

Bất động sản du lịch: Giá thuê giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái

Do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế chỉ mở với một số khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh nên trong quý III/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019).

Ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi vào cuối quý II và đầu quý III/2020 khi Chính phủ thực hiện kích cầu du lịch trong nước, lượng khách du lịch nội địa trong tháng 6, 7 tăng cao trở lại.

BĐS du lịch: Tăng nhẹ so với quý trước nhưng giá thuê vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Sưu tầm)

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 lần 2 đã tiếp tục tạo thêm cú sốc bất lợi mới cho phân khúc khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng.

Theo đó, công suất thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường trong quý III/2020 tăng nhẹ so với quý trước, tuy nhiên, lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do lượng khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế giảm mạnh. Giá cho thuê phòng bình quân toàn thị trường vẫn có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Gần như phân khúc bất động sản du lịch là phân khúc ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 nên sự phục hồi của nó trong toàn bộ thị trường sẽ cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát ổn định và những chính sách nhằm mở cửa du lịch trở lại thì phân khúc này được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ khôi phục nhanh chóng.

TS. Sử Ngọc Khương, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp thị trường bất động sản nhận định: “Mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, tuy nhiên, ngành dịch vụ du lịch và khách sạn được đành giá là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát. Covid-19 cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sản xuất, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam”.

Như vậy, dù ở thời điểm hiện tại, phân khúc bất động sản du lịch còn gặp nhiều khó khăn so với những phân khúc bất động sản khác, nhưng đây vẫn là phân khúc được các chuyên gia đánh giá cao với khả năng sẽ khôi phục mạnh khi dịch bệnh hoàn toàn kết thúc.