18/04/2024 | 20:08 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản ven sông ở Hà Nội trong năm 2021: Xu thế tất yếu

Cập nhật lúc: 21/11/2020, 13:30

Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, tại Việt Nam, bất động sản tận dụng lợi thế sông nước từ lâu đã và đang được các chủ đầu tư ưu tiên.

Xu hướng trong tương lai gần

Quỹ trong nội đô đất đang ngày càng cạn kiệt, không gian sống trong các đô thị đang ngày càng chật hẹp, bức bối cùng với cường độ làm việc và áp lực cuộc sống gia tăng sẽ khiến các nhà đầu tư tìm đến với môi trường trong lành, tìm về với những không gian mở, sự yên tĩnh, gần gũi, thân thiện, hòa mình với thiên nhiên để lấy lại sự cân bằng; và yếu tố sông nước đáp ứng được tương đối đầy đủ nhu cầu này. Chính vì lẽ đó nên việc quan tâm vào bất động sản ven sông ở Hà Nội được cho là xu hướng tất yếu trong tương lai gần.

Nói thêm về xu hướng này, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết: “Sông nước mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ lại nằm trong tay chủ dự án. Đó là phải làm sao phát huy, khai thác, kết hợp được hài hòa giữa yếu tố phong thủy, văn hóa, di sản, với yếu tố văn minh, hiện đại và đặc biệt là môi trường. Ở đây, môi trường có vai trò rất quan trọng, có thể nói là then chốt cho sự thành công của một dự án. Nó không chỉ là sự bảo vệ, thân thiện, hài hòa mà còn là làm sao phát huy được môi trường sông nước một cách hiệu quả nhất”.

Cũng theo ông Doanh, ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, yếu tố khí hậu chi phối rất nhiều đến việc khai thác lợi thế của các dòng sông. Dòng chảy, thủy văn của các con sông không điều hòa, thường là hung dữ vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô.

Đi sâu phân tích về xu hướng này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định: “Bất động sản ven sông đó là một tiềm năng bởi khu đô thị ven sông được đánh giá là có nhiều lợi thế về cảnh quan, môi trường, quy hoạch và xu hướng đô thị hóa ra vùng lân cận. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý về điều kiện lưỡng thổ, địa chất cũng như biến đổi khí hậu, vì hiện nay, hiện tượng thiên tai, lũ lụt, sạt lở vẫn rất khó lường mà khi phát triển đô thị chúng ta cần phải hướng đến sự bền vững”.

Như vậy, việc khai thác và sử dụng dòng chảy các con sông giữa các mùa trong năm là không giống nhau. Các con sông lớn lại đều có đê điều bảo vệ. Đây có thể là lợi thế, cũng có thể là trở ngại cho việc phát huy yếu tố sông nước trong việc phát triển bất động sản ven sông. 

Tuy nhiên, dù sẽ còn nhiều yếu tố tác động, nhưng bất động sản ven sông vẫn sẽ trở thành xu hướng trong tương lai gần. Còn thành công đến đâu phụ thuộc vào cái tâm và cái tầm của lãnh đạo chính quyền và chủ dự án.

Hà Nội tái khởi động quy hoạch hai bên bờ sông Hồng

Những công trình giao thông quy mô lớn dần hình thành, hiện thực hóa ước mơ về một “thành phố ven sông”. Được biết, cuối năm 2019, công trình mở rộng đường Âu Cơ, đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với chiều dài khoảng 3,7km, đã khởi công.

Công trình nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm thành phố, kịp thời phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN và SEA Games 31.

Cùng dự án mở rộng đường đê Âu Cơ, Hà Nội cũng phát triển hệ thống cầu nối hai bờ sông Hồng. Dự kiến có tổng cộng 18 cây cầu đi qua sông Hồng trong địa bàn Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội hiện có 8 cây cầu hiện hữu bắc ngang sông Hồng, bao gồm: cầu Thăng Long đang tiến hành sửa chữa, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Long Biên và cầu Việt Trì - Ba Vì.

Theo quy hoạch, bên cạnh 8 cây cầu kể trên, Hà Nội sẽ xây mới 10 cây cầu, dự kiến có: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (vành đai 4), cầu Thăng Long mới (vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn hai), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).

Trong đó, 5 cây cầu sắp được triển khai xây dựng trong là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo (nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên), cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn hai), cầu Ngọc Hồi (nối Thanh Trì và Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (nối huyện Văn Giang và huyện Thanh Trì), với tổng mức đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, UBND Hà Nội đã đưa ra bàn thảo về việc thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng khiến giới đầu tư kỳ vọng vào sự bứt phá của khu vực này.