Bất động sản chiếm gần 20% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế
Cập nhật lúc: 20/11/2020, 15:00
Cập nhật lúc: 20/11/2020, 15:00
Tại thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2020, dẫn nguồn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện tại tổng dư nợ tín dụng với toàn nền kinh tế là 8,3 triệu tỉ đồng, riêng đối với lĩnh vực bất động sản vào khoảng 1,6 triệu tỉ đồng chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Theo Bộ Xây dựng, quý 1/2020 so với thời điểm cuối năm 2019, tổng dư nợ toàn ngành tăng 160,1 nghìn tỉ đồng, tuy nhiên dư nợ tín dụng về bất động sản chỉ tăng 4,596 nghìn tỉ đồng, tốc độ tăng của dư nợ tín dụng là 0,88% giảm 3,48% so với cuối năm 2019, nguyên nhân của việc dư nợ tín dụng bất động sản giảm chủ yếu là do quý 1/2020 chính là khoảng thời gian đại dịch Covid 19 diễn ra phức tạp nhất, tình hình chung của thị trường bất động sản vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm.
Trong quý 2/2020 dư nợ tín dụng bất động sản của doanh nghiệp tăng đáng kể so với quý 1/2020 và có giá trị tăng thêm là 53,772 nghìn tỉ đồng, tốc độ tăng là 10,21%, điều này cho thấy quý 2/2020 thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự cải thiện, nhất là sau khi giãn cách xã hội kết thúc vào ngày 23/4, các doanh nghiệp đã dần quay lại trạng thái làm việc bình thường.
Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3%, tuy nhiên, tỉ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019, giảm còn 6,3% trong Quý 1/2020 và Quý 2/2020 tăng nhẹ lên 6,48%. Dự báo trong quý 3/2020 dư nợ tín dụng bất động sản vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc (khoảng 6,3%÷7%).
Bộ Xây dựng cũng dẫn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/6/2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 580.168 tỉ đồng. Cụ thể:
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà đạt 145.099 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 40.396 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 21.177 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 3,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 21.436 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 3,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 54.585 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 9,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt 84.720 tỉ đồng, chiếm 14,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 65.420 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 11,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 147.335 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 25,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trao đổi về vấn đề này với báo Kinh tế đô thị, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nếu so với nhiều quốc gia trên thế giới và một số nước phát triển trong khu vực châu Á, dư nợ tín dụng từ hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam vẫn thấp hơn và trong ngưỡng an toàn.
"Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hy vọng rằng trong thời gian tới, dư nợ sẽ được Nhà nước nới rộng ở mức cao hơn, tạo điều kiện cho thị trường phục hồi. Bởi hiện nay, chính sách siết chặt tín dụng bất động sản chỉ tập trung vào các đối tượng vay để kinh doanh bất động sản, còn những đối tượng vay để xây nhà, sửa nhà đang được Nhà nước ưu tiên. Vì vậy trong ngắn hạn, tôi cho rằng chính sách tín dụng có siết chặt nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thực được tiếp cận, vay vốn” – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Từ đầu năm đến nay, thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp với làn sóng thứ hai, thậm chí thứ ba ở một số nơi. Kinh tế thế giới năm 2020 dự báo suy thoái sâu (tăng trưởng âm 4 - 6%) trước khi có thể phục hồi (tăng trưởng khoảng 3 - 3,5% năm 2021, theo dự báo của các tổ chức quốc tế). Nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng, tài khóa mở rộng với những gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có nhằm giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội. Điều này mang tới nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.
14:31, 25/12/2019
13:02, 31/12/2017
07:09, 15/08/2016