Các nhà bán lẻ tối ưu hoá chi phí, tận dụng cơ hội tăng tốc dịp cuối năm
Cập nhật lúc: 19/09/2023, 11:42
Cập nhật lúc: 19/09/2023, 11:42
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%). Với mức tăng này, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng thị trường nội địa đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Do đó, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng được ở mức 2 con số.
Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm vẫn là quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách đối với các nhà bán lẻ. Trong thời gian còn lại của năm, thách thức vẫn đang đón chờ các doanh nghiệp. Nhiệm vụ không chỉ là hoàn thành kế hoạch, mở rộng thị trường, mà còn là khả năng thích nghi với sự biến đổi của thị trường và thay đổi thói quen của người tiêu dùng… Vậy, các nhà bán lẻ đang làm gì để vượt qua thời điểm khó khăn, tiếp tục tạo đà tăng tốc trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Tối ưu hoá chi phí, tăng khuyến mãi để hút người dùng
Chia sẻ với Thương Trường, các nhà bán lẻ cho rằng trước sức ép của thị trường, các đơn vị bán lẻ đã nỗ lực không ngừng trong khâu quản lý, chăm sóc khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt. Trong đó, phần lớn các nhà bán lẻ đều ưu tiên cắt giảm và tối ưu hoá chi phí.
Trong số các ông lớn bán lẻ trong nước, có lẽ Thế giới di động là đơn vị gặp nhiều áp lực nhất trong những tháng đầu năm nay. Trước khó khăn, đơn vị này đã liên tục cắt giảm nhân sự, với quy mô giảm khoảng 4% (vào khoảng 7.000 nhân viên). Theo các chuyên gia, động thái này của Thế giới di động là nhằm cải thiện biên lợi nhuận để ứng phó với tình trạng doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.
Bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc – Trưởng phòng Phân tích khối Doanh nghiệp của công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng: "ngay cả trong giai đoạn thuận lợi, việc xoay chuyển, diễn biến nhanh của ngành bán lẻ đã diễn ra vì đây là đặc điểm của ngành. Trong giai đoạn khó khăn tần suất sẽ được đẩy nhanh hơn nữa để tối ưu hiệu quả”.
Mặc dù doanh thu phục hồi đáng kể trong năm 2022, song các ông lớn bán lẻ khác như Saigon Co.op, Central Retail cũng đã phải dùng nhiều cách để cắt giảm và tối ưu chi phí. Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, ông Olivier Langlet, chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng tiết giảm nhiều nhất có thể tất cả các loại chi phí phát sinh trong chuỗi cung ứng. Ngay từ khâu đàm phán giá với đối tác cho đến khi sản phẩm đó được bán đến tay người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để đạt hiệu quả".
Ở mảng bán lẻ công nghệ, giá smartphone đã hạ nhiệt nhưng mức thu nhập, chi tiêu khách hàng cũng giảm nhiều khiến doanh số nhóm sản phẩm này không được như kỳ vọng. Doanh thu nhiều ngành hàng công nghệ sụt giảm còn 60%, do đó, các biện pháp cắt giảm chi phí đều được các nhà bán lẻ lĩnh vực này ưu tiên.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động. Lạm phát toàn cầu dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn suy giảm. Điều này khiến nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng tích cực chủ động làm việc với các nhà cung ứng để giảm một phần áp lực chi phí của khách hàng, hạ biên lợi nhuận. Đồng thời sắp xếp, đa dạng hóa các sản phẩm, và ưu tiên phân khúc hàng hoá bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhân các tháng lễ hội, kỳ nghỉ, cũng như tham gia tích cực chương trình kích cầu tiêu dùng của Bộ Công Thương và tại các địa phương trên cả nước. Đơn cử như hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh đã thực hiện khuyến mãi lớn cho hơn 2.000 mặt hàng, như: Mua 2 tính tiền 1, Giờ vàng giá sốc, Khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng, giảm giá lên đến 90%... Còn hệ thống bán lẻ thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng khuyến mãi, giảm giá từ 10% đến mức cao nhất là mua 1 sản phẩm sẽ được tặng 1 sản phẩm cùng loại.
Trong khi đó, để hỗ trợ thêm cho người tiêu dùng, ở đầu cầu Hà Nội, BiG C/GO đã tập trung khuyến mại các hàng thiết yếu, và “cam kết 1.000 sản phẩm luôn luôn rẻ hơn, thậm chí là rẻ nhất trong khu vực”.
Mặc dù bối cảnh năm 2023 được nhận định là tương khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ không cao. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tại hãng tư vấn McKinsey Việt Nam, nhìn chung người Việt Nam vẫn có thu nhập tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại".
Nắm bắt cơ hội, tạo đà tăng tốc
Bất chấp những khó khăn của những tháng đầu năm, càng về cuối năm hoạt động thương mại càng cho thấy sự phục hồi tích cực. Các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm dần tăng trở lại.
Với các doanh nghiệp bán lẻ, dù vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ áp lực từ lãi vay gây ảnh hưởng lên tâm lý người tiêu dùng, khiến doanh thu của một số đơn vị giảm mạnh. Tuy nhiên, với lợi thế dòng tiền đều đặn từ hoạt động kinh doanh mặt hàng thiết yếu, một số doanh nghiệp bán lẻ không những sẽ vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, mà còn tăng tốc về đích vào các quý còn lại của năm 2023.
Đơn cử như Tập đoàn Masan, theo ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II năm 2023, nhìn chung, kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị này vẫn khả quan trong môi trường vĩ mô đầy thách thức. Cả 3 lĩnh vực chiếm tỷ trọng đến 80% doanh thu của Công ty, gồm: WinCommerce (WCM), Masan Consumer (MCH), và Masan MEATLife (MML) đều đạt mức tăng trưởng dương. Doanh thu của MCH đạt mức tăng trưởng 21,7% so với cùng kỳ quý 2 năm 2022. Doanh thu thuần của WCM đạt 14.517 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 7.182 tỷ đồng trong quý II/2023, tăng lần lượt 1,5% và 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia thương mại, tăng trưởng doanh thu bán lẻ Việt Nam đang được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, cũng như các ngành nghề liên quan gồm vận tải, lưu trú. Đặc biệt, nhiều thông tin hỗ trợ tích cực đến từ các chính sách vĩ mô, đáng chú ý việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) ở các nhóm hàng, dịch vụ từ ngày 1/7 đến hết năm 2023 và nỗ lực kiềm chế lạm phát … đang phát huy tác dụng.
Thêm những cơ hội nữa cho các nhà bán lẻ, là dịp cuối năm, thời điểm kích cầu tiêu dùng. Tại các địa phương, các phương án và kế hoạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm đã được dựng sẵn. Cụ thể, tại thành phố Hà Nội, chương trình khuyến mại năm nay kéo dài hơn và tập trung vào từng loại hàng hoá theo chủ đề từng tháng. Theo bà Trần Thị Lan Phương, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, cho biết: "Sở Công Thương Hà Nội nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, gấp đôi năm trước và còn tiếp tục bổ sung thêm".
Chẳng hạn trong tháng 11, sự kiện “Tháng khuyến mại” được triển khai trên địa bàn toàn thành phố với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Cũng trong tháng 11, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2023” diễn ra vào dịp Black Friday, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Bộ Công Thương cũng cho biết, từ nay cho đến cuối năm, Bộ sẽ có chỉ đạo với uỷ ban nhân dân các thành phố và sở công thương để đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho tết nguyên đán 2024, tổ chức kích cầu gắn với công nghiệp văn hoá, du lịch để làm sao vừa thu hút du lịch, vừa tăng được sức mua… đây được kỳ vọng sẽ tăng sức mua của người tiêu dùng, góp phần phục hồi tổng cầu 2023.
Có thế thấy, môi trường và điều kiện kinh doanh đang hết sức thuận lợi, điều quan trọng là các doanh tận dụng cơ hội này như thế nào? Thời điểm từ nay đến cuối năm, thời gian chỉ còn 4 tháng, đây chính là thời điểm các nhà bán lẻ cần tận dụng tốt lợi thế để hoàn thành kế hoạch và các mục tiêu đề ra cũng như mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động tiêu dùng để gia tăng sản xuất thương mại. Theo các chuyên gia, trước mắt, các siêu thị, trung tâm thương mại cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra…
Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng cần nhận biết rõ hơn sức ép cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại, giữa hiện đại và truyền thống, cũng như các xu hướng đang thay đổi để gia tăng cơ hội cho mình. Đồng thời, theo chuyên gia kinh tế thương mai Vũ Vinh Phú: “Các nhà bán lẻ Việt Nam cần đi nhanh hơn, và đi cùng nhau để có một sức mạnh tổng hợp, nhất là trong điều kiện đa số các doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé trên thị trường”.
Bản thân các doanh nghiệp trong ngành cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đón bắt cơ hội này. Đại diện các nhà bán lẻ cho rằng, bên cạnh tập trung ưu tiên cung ứng hàng nội địa và thực hiện kích cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp vừa song hành với kênh bán lẻ trực tiếp, vừa áp dụng thực hiện số hoá để cung cấp thêm trải nghiệm mới, hiện đại hơn, tiện lợi hơn cho người tiêu dùng… Qua đó, tạo sức mạnh cộng hưởng phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh hơn cho các thương hiệu.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/cac-nha-ban-le-toi-uu-hoa-chi-phi-tan-dung-co-hoi-tang-toc-dip-cuoi-nam-109382.html
13:45, 17/07/2023
10:45, 14/04/2023
14:38, 16/11/2022