18/01/2025 | 20:20 GMT+7, Hà Nội

Các kênh bán lẻ hiện đại thay đổi thói quen tiêu dùng của phụ nữ ra sao?

Cập nhật lúc: 28/07/2017, 00:47

Một khảo sát do Q&Me - dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam thực hiện dựa trên bảng hỏi đối với hơn 1.000 bà mẹ tại Hà Nội và TPHCM với mục đích tìm hiểu sự khác biệt trong thói quen tiêu dùng tại mỗi kênh bán lẻ đã cho ra những câu trả lời đầy bất ngờ.

Theo đó, mỗi kênh bán lẻ khác nhau đã mang đến những thói quen khác nhau trong sinh hoạt cũng như mua sắm của các chị em phụ nữ.

Cụ thể, khảo sát cho hay, có tới 78% bà mẹ làm việc toàn thời gian nấu bữa tối mỗi ngày và 85% bà mẹ là người nội trợ chính trong gia đình.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi siêu thị và chợ được coi là 2 nguồn mua sắm chính của các bà mẹ. Dù các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mọc lên "như nấm sau mưa" nhưng vẫn không thể không thừa nhận vai trò quan trọng của chợ truyền thống trong cuộc sống của các gia đình.

Với sự đa dạng hình thức buôn bán cũng như phong phú ở các loại mặt hàng, sản phẩm cung cấp, giá thành hợp lý - chợ truyền thống vẫn giữ vững vị thế của mình trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Phần lớn các câu trả lời đều thừa nhận chợ là địa điểm mua sắm hàng ngày của các bà mẹ. Họ chỉ mua hàng ở siêu thị từ 2 - 3 lần/tuần hoặc ít hơn. Và tần suất mua hàng ở cửa hàng tiện lợi là rất ít.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của các siêu thị tới thói quen mua sắm của các mẹ cũng không hề nhỏ. Những cái tên có thể kể đến là: Co.opmart và BigC - đây là top 2 siêu thị phổ biến nhất và được các bậc phụ huynh, các bà mẹ nhắc đến nhiều nhất.

Trong khi đó, các cửa hàng tiện lợi được nhắc đến là Vinmart+, Family Mart và CircleK.

Mặc dù trung thành với chợ truyền thống nhưng những người dùng này vẫn có lý do khiến cho họ phải lựa chọn siêu thị, đó là vì chất lượng sản phẩm và sự đa dạng hàng hoá.

Chợ được lựa chọn là do sự linh hoạt trong mua sắm và có thể mặc cả về giá sản phẩm nhưng siêu thị lại được lựa chọn bởi mang lại cảm giác an toàn hơn về chất lượng, độ tươi sống.

Con số thống kê cụ thể cho hay: 53% các mẹ cho rằng họ mua hàng ở chợ ít thường xuyên hơn xưa và thay thế bằng siêu thị (69%).

Và cũng có tới 40% các mẹ khẳng định họ mua hàng ở cửa hàng tạp hoá ít hơn xưa và thay thế bằng siêu thị (80%).

Vậy để thấy, mỗi kênh bán lẻ đều có ưu, nhược điểm riêng nhưng đều có tác động tích cực tới thói quen của người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện đại đang tìm ra được những nguồn "lợi" thực đến từ mỗi loại hình mua sắm và đang sử dụng chúng nhuần nhuyễn hơn bao giờ hết.