19/01/2025 | 10:07 GMT+7, Hà Nội

Các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh thế nào sau lệnh đóng cửa?

Cập nhật lúc: 31/03/2020, 14:00

Biến thách thức dịch bệnh thành cơ hội, nhiều cửa hàng và doanh nghiệp đã tìm được hướng đi riêng để bứt tốc.

Thực hiện nghiêm túc lệnh của Chính phủ

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống…, hầu như các doanh nghiệp kinh doanh đã thực hiện chỉ đạo khá nghiêm túc.

Các cửa hàng đồng loạt treo biển nghỉ bán vì dịch bệnh

Công văn số 1152/UBND-VX ngày 27/3/2020 về tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng chống dịch Covid-19, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đề nghị, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh ăn uống thực hiện nghiêm quy định không được tổ chức phục vụ cho khách ăn, uống tại chỗ mà chỉ được bán hàng mang đi; bán hàng, đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi.

Bên cạnh đó, các cơ sở này phải thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh phòng chống dịch và an toàn thực phẩm; đặc biệt phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người và đảm bảo an toàn khi giao, nhận hàng.

Riêng các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể của công ty, xí nghiệp hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo an toàn chống dịch, giảm số lượng người sử dụng suất ăn trong cùng một thời điểm, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người ăn.

Đối với các doanh nghiệp bắt buộc phải hoạt động liên tiếp như việc kê khai, báo cáo thuế đã  rất nhanh triển khai kê khai thuế qua mạng. Theo Cục Thuế TP HCM, trên địa bàn hiện có 258.520 DN đang hoạt động. Hiện tại, số lượng DN thực hiện kê khai thuế qua mạng trên toàn địa bàn thành phố là 240.832 DN, đạt tỷ lệ 99,99% tổng số DN đang hoạt động.

Còn tại Hà Nội, lượng gửi hồ sơ quyết toán thuế qua Cổng thông tin thuế điện tử đã đạt trên 85% so với dự kiến. Riêng ngày 28/3/2020, số lượng hồ sơ tại Cục Thuế TP Hà Nội đạt 3.163 file.

Đối với các chuỗi cửa hàng ăn uống, đóng cửa là điều cần thiết và tuân thủ theo lệnh cấm ban hành. Tuy nhiên, việc cung cấp nhu yếu phẩm, nhất là thực phẩm không thể ngắt quãng. Một số nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là cửa hàng đồ ăn nhanh, quán cafe chuyển sang mô hình bán hàng đem đi hoặc giao hàng tận nơi, tạm ngưng đón khách tại quán.

Chuỗi cửa hàng cà phê Highland, The Coffee House, cửa hàng gà rán KFC, Otoké Chiken, một số thương hiệu trà sữa... vẫn duy trì việc kinh doanh nhưng chỉ phục vụ cho khách mang đi hoặc đặt hàng online, không phục vụ khách sử dụng tại chỗ.

Việc giao hàng và nhận hàng cũng khá an toàn khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM cũng đã có công văn kịp thời đề nghị đảm bảo an toàn khi dùng hình thức mua bán trực tiếp.

Linh động chuyển hướng kinh doanh không tiếp xúc

Đáng khen là “trong cái khó ló cái khôn”, nhiều doanh nghiệp đã rất linh hoạt trong việc chuyển đổi kinh doanh của mình.

Với các chuỗi nhà hàng lớn như KFC, Lotte đã nhanh chóng đưa ra các chương trình siêu khuyến mãi và ưu đãi cho hình thức ship hàng, mua bán online, giải quyết nỗi lo lắng, hạn chế người dân đến các cửa hàng hiện hữu. So với giá tại quầy, các đơn hàng online có mức giá giảm sâu hơn đến vài chục ngàn đồng. Đây cũng là cách để giúp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hình thức mua Combo rau sạch sáng tạo của Cuốn Roll

Chuỗi nhà hàng Cuốn Roll tại Hà Nội đã rất nhanh chóng triển khai chương trình “Mua rau nhà Cuốn, muốn làm món nào cũng ngon”. Theo đó Cuốn Roll tạo combo thực đơn các loại rau cho khách hàng tự chọn với mức giá từ 200.000 – 500.000 đồng và combo 1.000.000 đồng/tháng. Mỗi một hôm thì Cuốn Roll lại thay đổi danh sách đa dạng các loại rau để người tiêu dùng có thể chọn lựa.

Bác Tôm chuyển hướng kinh doanh không tiếp xúc

Cửa hàng Rau Bác Tôm thì lại đưa ra một hành động rất nhân văn, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng mạng. Trên page và web của chuỗi cửa hàng này đã đăng một bức tâm thư vô cùng dễ thương rằng, “Bác Tôm rất băn khoăn làm sao để góp chút tình cảm cho mọi người trong bối cảnh hiện nay. Nhiều đêm suy nghĩ để hy vọng cánh én nhỏ có thể góp phần cùng cả nước làm nên mùa xuân. Bác Tôm cùng những cô chú nông dân trồng rau xin được gửi tặng mỗi gia đình trong khu cách ly tại Hà Nội pack rau hữu cơ 3kg đủ loại”. Điều đặc biệt, chuỗi cửa hàng này cũng freeship đến các hộ gia đình bị cách ly trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài ra, để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng mà vẫn phục vụ được nhu cầu thực phẩm của các khách hàng, Rau Bác Tôm chuyển sang bán hàng online và kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng theo hình thức không tiếp xúc. Tại cửa hàng, quý khách có thể viết qua giấy, tin nhắn những sản phẩm cần mua. Sau đó thu ngân sẽ thanh toán và đưa sản phẩm tới tay khách hàng.

Đối với các trang thương mại điện tử, hầu như trước đây chỉ bán các mặt hàng không liên quan đến nhu yếu phẩm thì bây giờ đã nhanh chóng chuyển hướng, đa dạng các mặt hàng hơn, nhất là thực phẩm. Shopee Việt Nam đã bổ sung nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến hộp giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và mua sắm hàng hóa thiết yếu tại nhà, giảm thiểu việc tiếp xúc nơi đông người. Hay Lazada vừa tung ra gian hàng online chuyên mặt hàng sữa bột với các cam kết về chất lượng và giá cả với người tiêu dùng… rồi các mặt hàng cần thiết trong mùa dịch như xịt phòng, khử khuẩn, tã giấy, đồ hộp và thực phẩm đóng gói cũng được thêm vào gian hàng.

Điểm cộng cho những trang thương mại điện tử này là rất bắt kịp xu thế và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của chính phủ và Bộ Y tế đó là đảm bảo giao hàng không tiếp xúc.

Nổi bật là dịch vụ điểm lấy hàng tự động qua tủ khóa thông minh của Lazada Việt Nam. Theo đó, khi mua hàng trên Lazada, sàn này sẽ gửi thông báo kèm mã OTP đến số điện thoại người dùng đã đăng ký. Người mua hàng mở khóa “tủ” trong gian hàng đã chọn, bằng mã OTP mà không cần phải trực tiếp gặp gỡ người giao hàng. Đây có thể coi là giải pháp “giao hàng không tiếp xúc” giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus.

Không nằm ngoài “cuộc chơi”, các doanh nghiệp bán lẻ cũng nhanh chóng thích ứng với kinh doanh trong mùa dịch. Nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Coop, BigC, Lotte, AEON… cũng đưa các sản phẩm bán tại siêu thị “lên mạng” hoặc đặt hàng qua điện thoại. 

Theo Bộ Công Thương, do lo ngại dịch bệnh Covid-19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50-80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn TMĐT của một số doanh nghiệp tăng 20-30%.

Thách thức sẽ luôn mở ra những cơ hội mới cho những ai biến thích nghi và tự thay đổi. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp sáng tạo và nắm bắt được nhu cầu của người dùng sẽ là cơ hội để bứt phá.