18/01/2025 | 16:10 GMT+7, Hà Nội

Trà đá vỉa hè có nên đóng cửa trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19?

Cập nhật lúc: 26/03/2020, 16:32

Dù hai thành phố Hà Nội và TP HCM đã có văn bản chỉ thị đóng cửa các cơ sở kinh doanh nhưng các quán trà đá vẫn nhộn nhịp.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa qua UBND hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM đã yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết như: dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người... .

Sáng 26/3, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Các công sở, bệnh viện và trường học cấm tụ tập hơn 10 người. 

Văn bản chỉ thị tạm dừng một số dịch vụ của TP HCM

Ngay khi quy định từ hai thành phố lớn được đưa ra, phần lớn đã thực hiện theo quy định, hầu như các tụ điểm đông người đã thực hiện nghiêm túc, nhiều tiệm cà phê, quán nhậu, chuỗi trà chanh đã dán thông báo đóng cửa. Tuy nhiên, một số quán trà chanh vỉa hè trên các tuyến phố nhỏ lẻ vẫn hoạt động dù lượng khách không đông như ngày thường.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế Việt Nam, khoảng cách xã hội an toàn nhất tránh lây nhiễm là 2m tại các quán trà đá có vẻ bất khả thi, việc đeo khẩu trang ngồi uống nước chè, cắn hạt dưa lại càng hiếm.

Những quán cóc vỉa hè có thể không đông đúc vài chục người một lúc nhưng đây lại là nơi tụ tập đông đảo và dễ dàng nhất. Trà đá vỉa hè còn là không gian hẹp, người ta có thể ngồi san sát để tán gẫu, để góp vài ba câu chuyện vui “vỉa hè” theo văn hóa của người Việt cho nên nguy cơ lây nhiễm cao không kém các quán ăn, cà phê đông đúc.

Dù quy định đã được đưa ra nhưng trưa 26/3, vẫn rất nhiều người ngồi trà đá chém gió. Ảnh: VOV

Quy định đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết lại không hề nhắc tới những quán trà đá vỉa hè. Tại địa bàn TP HCM quy định cũng chỉ nhắc đến các địa điểm như câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc hoặc các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên). Phải chăng các quán trà đá không thấy có tên mình trong văn bản nên vẫn hoạt động bình thường như vậy?

Điều luật quy định cho kinh doanh trà đá chưa đầy đủ và cụ thể. Theo đó, kinh doanh trà đá nếu thu nhập thấp (dưới 30 triệu/tháng) thì không cần phải đăng ký kinh doanh. Có lẽ chính vì vậy mà các quán trà đá vỉa hè vẫn thờ ơ với quy định của thành phố.

Có thể nói, việc tụ tập ngồi uống cà phê, trà đá vỉa hè lúc này là điều hết sức nguy hiểm. Nếu người dân không ý thức được việc phòng dịch thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, ra quy định cụ thể và xử lý nghiêm đối với loại hình kinh doanh này.