Buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù
Cập nhật lúc: 15/11/2018, 19:01
Cập nhật lúc: 15/11/2018, 19:01
Trước thực trạng buôn bán hàng giả đang ngày càng trở nên phức tạp, gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, chúng tôi đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Đức Long - Trưởng văn phòng luật Đức Tín thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội để phân tích về loại tội và mức hình phạt mà người kinh doanh, doanh nghiệp buôn bán hàng giả có thể phải chịu.
PV: Thưa ông, bản thân một hộ kinh doanh, một doanh nghiệp có hành vi buôn bán hàng giả thì sẽ bị xử phạt ở điều khoản nào?
Luật sư Nguyễn Đức Long: Theo tôi, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có thể coi là kinh doanh hàng giả hay không. Để khẳng định được một hộ kinh doanh, một doanh nghiệp nào đó có hành vi buôn bán hàng giả thì phải có các cơ quan ban ngành liên quan thẩm tra thì mới có kết luận chính xác được.
Trường hợp buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị xử lý theo Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, có nhiều mức phạt áp dụng, thấp nhất là 500 nghìn đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định ở khoản 1 Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP nếu hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ- CP. Ngoài ra, người vi phạm phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm. Không những thế, người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Việc khắc phục hậu quả của người vi phạm cũng được thể hiện rõ trong luật. Cụ thể, các mặt hàng có tính chất giả thì sẽ buộc tiêu huỷ tang vật nếu như xác định là có vi phạm hoặc mặt hàng này sẽ bị đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả. Tuỳ từng trường hợp mà người vi phạm bị nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hay Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường với hành vi vi phạm theo quy định.
PV: Trong trường hợp một hộ kinh doanh, doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng giả, nhái các thương hiệu có giá trị thì sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Đức Long: Đối với trường hợp buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì cũng được quy định rõ tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể:
Theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền thấp nhất là 200 nghìn đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1 triệu đồng. Mức phạt tiền cao nhất 60 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định ở khoản 1 Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 185/2013/NĐ- CP. Người vi phạm phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
PV: Riêng với trường hợp các "gian thương" buôn bán đồng hồ giả, giá hàng hiệu thì sẽ nằm ở mức phạt nào? Có yếu tố hình sự hay không, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Long: Theo tôi nhận thấy, tùy tính chất, mức độ, loại hàng hóa vi phạm, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội mà bị phạt mức thấp nhất là 1 tỷ đồng và cao nhất là 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Xin cảm ơn luật sư!
Thiết kế: Phúc Nguyễn
15:15, 09/11/2018
20:01, 30/09/2018
15:01, 21/09/2018
11:44, 18/09/2018
23:01, 14/09/2018